Hiểu về nghệ thuật nước nhà
Trở về sau khi du học tại Singapore và Anh, Linh Lê (cử nhân ngành Quản lý nghệ thuật từ Học viện Nghệ thuật Nanyang, Singapore) cùng Thái Hà (cử nhân ngành Tâm lý học và Khoa học ngôn ngữ từ University College London) bắt tay vào dự án mà bản thân ấp ủ từ lâu. Lớp học tìm hiểu về nghệ thuật đương đại Cá Rô, do 2 bạn đứng lớp chính, với sự khởi xướng và hỗ trợ không gian từ Galerie Quynh (đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1, TPHCM), Sàn Art cùng phần kinh phí tài trợ từ Viện Goethe (tổ chức văn hóa của Đức).
Thay cho cách đọc tuyến tính và theo niên đại, lớp học Cá Rô đọc lịch sử nghệ thuật theo hướng phân sinh rễ - một phương pháp tri nhận đa dạng góc nhìn và khảo sát đa chiều các luồng ảnh hưởng. Chương trình học hướng đến khả năng phân tích hình ảnh (thông qua các phương pháp mang tính trao đổi và biểu hiện), kỹ năng nghiên cứu và suy nghĩ phản biện.
Chia sẻ về lý do để bắt đầu lớp học này, Linh Lê bày tỏ: “Bản thân mình dù sinh ra và lớn lên ở thành phố, nhưng chuyện tiếp xúc và học các môn thiên về nghệ thuật như mỹ thuật, không phải bạn nhỏ nào cũng đủ điều kiện và thời gian để học. Mình mong muốn tạo ra lớp học này để các bạn yêu thích có thể hiểu được những khái niệm, hình ảnh của nghệ thuật đương đại”.
Và trong dòng chảy của sự kết nối văn hóa đa chiều như hiện nay, dù học tập và nghiên cứu nhiều dự án tại nước ngoài, nhưng với lớp học Cá Rô, Linh Lê và Thái Hà tập trung chính là môi trường nghệ thuật trong nước. “Mình nghĩ việc nói về nghệ thuật, không nhất thiết lúc nào cũng là những quốc gia châu Âu hay một số nước có nhiều tác phẩm nổi tiếng. Bên cạnh những kiến thức cơ bản về nghệ thuật đương đại, mình cũng muốn các bạn hiểu được đặc điểm và những điểm nổi bật của nghệ thuật nước nhà, chẳng hạn như sơn ta là một đặc sắc của mỹ thuật Việt Nam, nó khác hoàn toàn với tranh sơn mài ở bất cứ đâu trên thế giới”, Linh Lê chia sẻ thêm.
Lắng nghe và truyền đạt
Sau thành công của khóa đầu tiên (trong tháng 9 và 10), lớp học Cá Rô khóa 2 diễn ra trong tháng 11 và 12. “Nhiều khi nghe tâm sự của các em sau khóa học, tôi cảm giác Cá Rô như một lớp hướng nghiệp. Nhiều phụ huynh có con ở tuổi tiểu học cũng mong muốn cho các em tham gia lớp học nhưng tụi mình chỉ nhận từ 14 đến 19 tuổi, vì dù không quá nặng về lý thuyết hay lịch sử mỹ thuật nhưng có một số khái niệm, các bé nhỏ quá sẽ khó hiểu được”, Thái Hà cho biết.
Sau khi hoàn thành khóa học 1 tháng, Nguyễn Trâm Anh (19 tuổi, ngụ quận 4) chia sẻ: “Em học luật nhưng cũng thích mỹ thuật, trước giờ ít đi xem triển lãm vì nhìn tranh không hiểu được nội dung. Bây giờ, em thường rủ bạn bè đi xem triển lãm vì có thể nhìn vào tranh và cảm nhận được nội dung, thẩm mỹ, không cần phải có thuyết minh. Em cũng đang tập tành học vẽ để thư giãn sau giờ học”.
Biết đến lớp học Cá Rô 2 qua lời giới thiệu của một người bạn, đăng ký sát giờ lớp học chốt danh sách, Nguyễn Phương Thảo (18 tuổi, sinh viên Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) hào hứng kể: “Em quyết định tham gia lớp học là vì tinh thần chia sẻ nghệ thuật của các anh chị ở đây. Em thấy được sự tâm huyết của họ trong việc mang nghệ thuật gần hơn với giới trẻ, giúp người trẻ khám phá thêm những góc nhìn đa dạng từ lăng kính của nghệ thuật”.
Chính cách truyền đạt bắt đầu bằng việc lắng nghe, sự tâm huyết và trẻ trung của những người đứng lớp, khiến nghệ thuật đương đại càng rõ nét và thực sự cuốn hút người học. “Sau buổi học thứ hai, tìm hiểu về nghệ thuật đương đại và quang cảnh nghệ thuật trong nước, em cảm nhận mọi người đều đến với một tinh thần rất rộng mở, sẵn sàng đón nhận cái mở và không ngần ngại đưa ra ý kiến. Không có một thang đo nào là điểm cao hay điểm thấp, tất cả đều dồn hết vào kiến thức, vào cách cảm nhận của mỗi cá nhân”, Phương Thảo chia sẻ thêm.
Linh Lê và Thái Hà cùng lớp học Cá Rô, có lẽ chỉ là một phần nhỏ trong việc hình thành nên một lớp khán giả am hiểu về hội hoạ nước nhà và có gu trong thưởng thức mỹ thuật. Dù chỉ là một làn gió mới, nhưng chúng ta có quyền tin tưởng hơn vào một thế hệ tương lai với sự am hiểu và sáng tạo trong việc tiếp cận, giữ gìn các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc trong môi trường văn hóa đa chiều hiện nay.