Lớp học ảo - giáo viên thật
Bùi Dư Nhật Long, học sinh lớp 5/2, cho biết, từ năm học lớp 1 đến nay, em đều học môn tiếng Anh với thầy Nguyễn Lâm Thế Bảo. Thầy rất nhiệt tình, hiểu rõ sức học từng bạn trong lớp nhưng do học lâu với thầy nên giờ học tiếng Anh bớt hứng thú. Từ đầu tháng 12-2022 đến nay, đều đặn sáng thứ hai hàng tuần, lớp 5/2 được bố trí tiết học tiếng Anh trực tuyến với một giáo viên ở trường khác. Nhật Long khoe: “Dù học qua màn hình máy chiếu nhưng con thấy rất vui, hàng tuần đều mong chờ đến tiết tiếng Anh vì được học với cô giáo mới, tham gia nhiều trò chơi tương tác”.
Cùng nhận xét, Hồ Bích Duyên, học sinh lớp 5/2, cho biết, các tiết học trực tuyến đều được cô giáo khởi động bằng một trò chơi tương tác hoặc bài hát “làm nóng” không khí lớp học. Cuối tiết học, học sinh quét mã QR để tham gia trả lời câu hỏi trắc nghiệm nhằm hệ thống lại kiến thức bài học. Bích Duyên bày tỏ: “Trước đây khi học trực tiếp ở lớp, con trả lời câu hỏi xong phải chờ thầy sửa bài. Nhưng khi học ở lớp học ảo, con bấm chọn đáp án trên điện thoại là vài giây sau phần mềm sẽ thông báo câu trả lời đúng hay không, đồng thời thống kê số lượng bạn trả lời đúng hoặc sai ở từng câu hỏi”.
Theo thầy Nguyễn Lâm Thế Bảo, giáo viên tiếng Anh, Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ), mô hình lớp học ảo với sự phối hợp giảng dạy giữa một giáo viên đứng lớp và một giáo viên dạy học qua phần mềm trực tuyến đang triển khai thí điểm đối với học sinh khối 4, 5. Mỗi tuần, học sinh được học một tiết tiếng Anh trực tuyến với “cô giáo màn hình” và một tiết với giáo viên tại lớp. Trước mỗi tiết dạy, giáo viên lớp học ảo sẽ gửi các slide bài giảng cho giáo viên ở Trường Tiểu học Thạnh An xem để hai bên phối hợp, điều chỉnh phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, điểm hạn chế của mô hình là giáo viên chỉ quan sát học sinh qua màn hình máy vi tính. Bạn nào có khả năng tiếp thu nhanh sẽ hứng thú với phương pháp dạy học giàu tính tương tác, những bạn có khả năng tiếp thu chậm hơn sẽ cần giáo viên hỗ trợ thêm tại lớp.
Mở rộng mô hình
Ông Lê Hữu Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, cho biết, định biên của trường được tuyển 2 giáo viên tiếng Anh, nhưng nhiều năm qua không tuyển dụng được. Cả 5 khối lớp hiện chỉ có một giáo viên tiếng Anh, sinh hoạt tổ chuyên môn được gộp chung với tổ văn thể mỹ nên gây hạn chế đối với việc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm của giáo viên. Từ thực tế đó, Sở GD-ĐT TPHCM đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn chuyển đổi số TPHCM triển khai mô hình lớp học ảo nhằm tăng thêm nguồn lực giáo viên tại các trường gặp khó khăn trong tuyển dụng giáo viên, đồng thời tạo ra làn gió mới đối với phương pháp dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học. Qua các buổi dạy thử nghiệm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An đánh giá, học sinh rất hào hứng vì có thêm môi trường giao tiếp với giáo viên.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc thông tin, năm học 2022-2023, lần đầu tiên TPHCM triển khai mô hình lớp học ảo nhằm góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở 2 môn tiếng Anh và Tin học tại các trường tiểu học. Sở GD-ĐT TPHCM chọn 2 đơn vị triển khai thí điểm là Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ) và Trường Tiểu học Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi) do đây là 2 đơn vị ở địa bàn vùng ven, điều kiện dạy học và tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn. Về lâu dài, theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM, lớp học ảo sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều trường nhằm giải quyết bài toán thiếu giáo viên tồn tại nhiều năm qua ở các trường học q