Lớp học “360 độ” trên đảo Hòn Chuối

Không phải đến bây giờ lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối (tỉnh Cà Mau) của thầy giáo mang quân hàm xanh - Thiếu tá Trần Bình Phục - mới được biết đến. Nhưng, nhiều năm qua, mong ước của anh về một quỹ học bổng cho những học trò thiệt thòi của mình được học tiếp, có cơ hội đổi đời… vẫn chưa thành.

Mùa gió chướng

Đảo Hòn Chuối (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) là đảo tiền tiêu quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc, chỉ có gần 70 hộ dân và hơn 200 nhân khẩu, phần lớn là hộ nghèo. Trên đảo chưa có trạm y tế và hệ thống trường học quốc gia. Năm 2009, lớp học đầu tiên ra đời chỉ với 5 học sinh và vài bộ bàn ghế tạm bợ, chắp vá. Ngày nắng thì nóng như đổ lửa, ngày mưa, mấy thầy trò phải dắt nhau “di tản”.

Đến nay, điểm trường đặc biệt này vẫn chỉ có 1 lớp học duy nhất (các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 7 học chung) và đã được xây dựng kiên cố; gần đó có thêm khu vui chơi nhỏ có mái che. Điểm trường do Thiếu tá Trần Bình Phục, Đội phó Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Hòn Chuối, phụ trách. Lớp có nhiều chiếc bảng, mỗi khối một bảng. Bảng này dạy Tiếng Việt cho lớp 3, bảng kia là Toán lớp 2… Chẳng thế mà thầy Phục gọi đùa đây là “lớp học 360 độ”.

15 năm qua, lớp của thầy Phục đã đón 45 học sinh. 20 em trong số này đã vào đất liền học tiếp lớp 4; 4 em vào đại học. Trẻ em trên đảo đến tuổi đều đến trường, không còn cháu nào không biết đọc, biết viết. Lớp học tình thương trên đảo Hòn Chuối đã được công nhận là một điểm trường trong hệ thống giáo dục của thị trấn Sông Đốc.

1-1327.jpg
Lớp học có 3 chiếc bảng để dạy cho học sinh 4 khối khác nhau. Chiếc bảng lớn nhất được ngăn đôi

Nỗi buồn của người thầy

Trong số những học sinh mà thầy Phục nhớ nhất có Nguyễn Văn Nguyên. Ba của Nguyên là đồng đội của anh, một chiến sĩ biên phòng. Giải ngũ, anh ở lại đảo, lập gia đình và sinh sống bằng nghề nuôi cá bè. Chỉ theo học ở lớp học tình thương này, vậy mà Nguyên đã thi đỗ và hiện đang học năm thứ 3 Trường Đại học Cần Thơ.

Một em Nguyên khác, cũng rất chăm ngoan, thì lại khiến người thầy day dứt khôn nguôi. Mẹ Nguyên bỏ đi đã lâu, để lại 2 con trai cho ba Nguyên nuôi nấng. Được sự hỗ trợ của Quỹ học bổng Vừ A Dính và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” Nguyên được về TPHCM học THPT. Người cha mang theo em trai Nguyên theo về TPHCM, đi làm công nhân để nuôi con ăn học. Mới được 1 năm thì tai nạn bất ngờ đã cướp đi em trai bé bỏng của Nguyên. Nguyên bỏ học, cũng không quay lại đảo, không ai biết tin tức... “Các hộ dân ở đây khó khăn quá. Phải chi có nhiều học bổng hơn cho các em có cơ hội đổi đời, thực hiện được ước mơ của mình”, thầy giáo Trần Bình Phục chia sẻ.

Năm nay, niềm vui của người thầy đặc biệt này là đơn vị có thêm một chiến sĩ đã tốt nghiệp sư phạm Trường Đại học Cần Thơ, có thể hỗ trợ anh đứng lớp. “Nhưng không biết cháu ấy có trụ lại ở đảo lâu dài không”, Thiếu tá Trần Bình Phục băn khoăn.

Việc “gieo chữ” cho những đứa trẻ đã phải chịu nhiều thiệt thòi nơi đầu sóng ngọn gió này hẳn còn rất gian nan và quá sức đối với chỉ một người thầy, dù có là sĩ quan quân hàm xanh với tinh thần kiên cường đến đâu đi nữa.

Tin cùng chuyên mục