Lớp dạy chữ ở huyện biên giới

Thời gian qua, hàng ngàn người dân ở các huyện biên giới tại Gia Lai, Kon Tum đã tham gia lớp xóa mù chữ. Nhờ đó, nhiều người đã biết chữ để tính toán làm ăn, phát triển kinh tế, góp phần bảo vệ vùng biên giới vững mạnh.

Chăm chỉ đến lớp

Sa Thầy là huyện biên giới của tỉnh Kon Tum, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 59%. Công tác xóa mù chữ cho đồng bào được địa phương chú trọng triển khai. Trong 2 năm học 2023-2024 và 2024-2025, trên địa bàn huyện đã mở 34 lớp xóa mù chữ, với 912 học viên tham gia, tuổi từ 15 đến 60. Trong đó, có 8 lớp với 214 học viên đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ. Những người còn lại ngày đi làm, tối chăm chỉ đến lớp.

Trường Tiểu học xã Rờ Kơi (huyện Sa Thầy) đang tổ chức 3 lớp xóa mù chữ tại các điểm trường ở thôn Kram, Đăk Đê và Rờ Kơi (xã Rờ Kơi) với 90 học viên. Lớp học diễn ra vào buổi tối các ngày trong tuần. Trong đó, tại điểm trường thôn Kram có 30 người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Cô Y Phiên, giáo viên của trường, trực tiếp đứng lớp.

Có mặt tại lớp, chúng tôi xúc động khi thấy cô Y Phiên đang miệt mài giảng bài cho người dân trong làng, còn học viên với những mái tóc lấm tấm bạc đang chăm chú nghe giảng. Chốc lát, họ cặm cụi viết bài theo hướng dẫn của cô Y Phiên. Gương mặt học viên toát lên vẻ vui tươi, phấn khởi khi tham gia lớp học. Trong số những người theo học lớp xóa mù chữ tại thôn Kram, bà Y Hu (sinh năm 1968) là người lớn tuổi nhất.

P4a.jpg
Lớp xóa mù chữ do Trường Tiểu học xã Rờ Kơi tổ chức ở thôn Kram, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Bà Y Hu cho biết, do không biết chữ, bản thân bà gặp nhiều thiệt thòi. Mỗi lúc làm giấy tờ, bà chỉ có thể lăn tay. Vừa rồi, thấy trường mở lớp xóa mù chữ, bà quyết tâm sẽ thay đổi bản thân bằng việc đăng ký tham gia học. “Sau nhiều tháng theo học, giờ mình đã biết viết những từ cơ bản, biết đọc nhiều cụm từ quen thuộc. Bản thân mình cũng tự tin hơn khi đi chợ, tính toán. Biết chữ đã giúp cuộc sống thay đổi rất nhiều. Mình cảm ơn các cấp, các ngành đã quan tâm mở lớp xóa mù chữ”, bà Y Hu bày tỏ.

Theo ông Trần Văn Hoàng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Rờ Kơi, đa số học viên tham gia lớp xóa mù chữ đã biết tính toán, phục vụ cuộc sống hàng ngày. Trường sẽ tiếp tục hoàn thành khóa xóa mù chữ tại 3 thôn và rà soát, mở các lớp tiếp theo. Ông Trịnh Đình Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy, cho biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát, mở các lớp xóa mù chữ, giúp người dân biết chữ để phục vụ các công việc thường ngày trong cuộc sống như khám chữa bệnh, mua bán nông sản, bảo vệ quyền lợi của mình.

Áp dụng kiến thức đã học

Tại xã biên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai), vào tháng 8-2024, Đồn Biên phòng Ia Mơ phối hợp với Nông trường cao su An Biên (Công ty Cao su Chư Prông) và chính quyền xã Ia Mơ khai giảng lớp học xóa mù chữ cho 20 công nhân và con em công nhân nông trường. Đây là những người sinh sống ở xã Ia Me (huyện Chư Prông) và một số xã ở huyện Đức Cơ (cùng thuộc tỉnh Gia Lai). Lớp học diễn ra buổi tối, tại hội trường của nông trường. Sau khoảng 3 tháng theo học, từ chỗ không biết chữ, các công nhân đã biết đọc, biết viết.

Chị Siu Hlét (xã Ia Me, huyện Chư Prông) làm công nhân tại Nông trường cao su An Biên được 2 năm nay. Từ nhỏ, do hoàn cảnh khó khăn nên chị không có điều kiện đến lớp. Thấy lớp xóa mù chữ được mở, chị mạnh dạn đăng ký tham gia. “Thầy dạy chữ cái, dạy tính toán. Nhiều tháng chăm chỉ học, bây giờ mình đã biết đọc, biết viết, rất vui. Sắp tới, mình sẽ áp dụng những kiến thức đã học để phát triển sản xuất, nâng cao đời sống”, chị Hlét nói.

Ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Nông trường cao su An Biên, cho biết, thời điểm ban đầu lớp xóa mù chữ được mở, công nhân có tâm lý ngại ngùng, mặc cảm khi đến lớp vì bản thân đã lớn tuổi. Lãnh đạo nông trường và cán bộ Đồn Biên phòng Ia Mơ đã đi vận động, giải thích tầm quan trọng của việc biết chữ, do vậy công nhân mới tham gia lớp học.

Đến khi học được chữ, công nhân rất vui, chăm chỉ học và đi học rất chuyên cần. Sau mấy tháng, công nhân đã biết đọc bảng lương, biết ký tên nhận chế độ lương thưởng. Bên cạnh đó, khi nông trường triển khai các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, công nhân tiếp thu nhanh hơn, giúp tăng hiệu quả công việc.

Ông Lê Ngọc Hiền, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai bày tỏ, lực lượng bộ đội biên phòng mở lớp xóa mù chữ đã giúp người dân tăng cường hiểu biết pháp luật, áp dụng kỹ thuật trong sản xuất kinh tế. Từ đó phát huy vai trò của người dân trong việc giữ gìn an ninh chính trị, góp phần phối hợp lực lượng bộ đội biên phòng bảo vệ tuyến biên giới vững mạnh.

Tin cùng chuyên mục