Bà nhắm nghiền đôi mắt suy nghĩ về nơi xa, tay bà cứ xoay tròn chiếc ca y như những người lên đồng. Khi có người đi ngang qua, bỏ vào ca vài nghìn bạc lẻ, bà vội mở mắt, nói cảm ơn rối rít.
Có những buổi trưa nắng chang chang, bà đội chiếc nón lá rách nát. Chỗ ngồi vẫn an vị, không dịch chuyển. Thỉnh thoảng người ta thương tình, tặng cho bà vài chai nước ngọt ướp lạnh hoặc một cái ô che cho đủ mát. Bà cười, nụ cười khoe nguyên hàm răng rụng chất phác. Vén mái tóc trắng màu mây xám, bà đưa chai nước lên miệng tu một hơi như vừa từ sa mạc trở về.
Những ngày mưa càng khổ hơn. Bà buộc phải ngồi trên một chiếc ghế nhựa, trùm áo mưa kín mít người. Tay bà vẫn xoay xoay chiếc ca như một thói quen khó bỏ. Có lẽ bà sợ, nếu bà không cử động, không gian chắc tẻ nhạt, chán ngắt. Bởi dù ở thành phố náo nhiệt nhưng nào có ai trò chuyện cùng bà. Cũng có nhiều lần người ta chạy ra ngoài mưa năn nỉ bà vào quán đụt nhưng bà tuyệt đối bảo không. Người lớn cho rằng bà mặc cảm. Trong khi con nít nói bà sợ mất “địa bàn”.
Thậm chí tặng 1.000 đồng bà cũng rối rít cảm ơn. Có ngày bà lão ê hề thức ăn, nhiều hơn cả một bữa cơm gia đình nhà tôi. Mọi người rất tôn trọng bà, dù bà là người ăn xin nhưng ai cũng biếu tặng bà những đồ ngon, tốt chứ không cho đồ thừa mứa, ôi thiu. Đôi khi thằng con trai tôi nhín lại một ít tiền ăn sáng, tiền ăn quà vặt để bỏ vào chiếc ca của bà. Thằng bé mới tí tuổi đầu mà có tấm lòng thương người quá đỗi.
Hỏi sao nó làm như thế thì nó trả lời: “Tại con thấy bà ấy như bà ngoại, bà nội của con, hiền từ quá nên con thương”. Cũng nhờ thế mà nhóc con của tôi biết sử dụng tiền đúng mục đích, không tiêu pha hoang phí vào game, đồ chơi độc hại.
Sáng nay, trời bắt đầu se lạnh, báo hiệu một mùa đông lại về. Như mọi ngày, tôi chở thằng con đến trường. Thằng bé có thói quen cứ sáng đi học là nó lại nhìn qua bên kia đường rảo mắt tìm bà lão. Cho đến khi nhìn bà lão được bình an nó mới chịu đi. Tôi đưa chiếc áo ấm đắt tiền mới mua hôm qua bảo nó mặc vào nhưng nó cứ dùng dằng. Nó nhất quyết không mặc, và xin phép tôi cho bà lão chiếc áo ấm này.
“Bà lạnh run rồi kìa ba ơi!”, thằng nhóc tha thiết nói. Tôi đang suy nghĩ liệu có nên cho hay không thì thằng bé đã lấy chiếc áo ấm chạy sang đưa bà lão mặc vào. Tôi ngơ ngẩn nhìn theo.
Rõ ràng, con nít không biết giá trị vật chất là bao nhiêu. Trong mắt tuổi thơ, trẻ thích gì thì làm nấy, không cần đắn đo, toan tính thiệt hơn như người lớn. Nghĩ lại, bản thân tôi còn thua con trai mình ở lòng độ lượng, từ tâm. Trên đường đến trường, thằng bé còn nghĩ đến chuyện cuối năm đập ống heo mua cho bà lão một cái quần mới và một đôi dép mới. Tự nhiên, tôi thấy hãnh diện vì hành động của con mình! Mới tí tuổi đầu đã hé mở lòng thiện.