Con số thống kê đầy đủ về số người nhập cư bất hợp pháp nhận trợ cấp y tế trong năm 2020 chưa được công bố nhưng theo số liệu mới nhất từ Ủy ban Pháp luật của Thượng viện Pháp, tính đến hết năm 2019, có khoảng 334.546 người nhập cư trái phép tại Pháp được hưởng AME.
Con số này tăng 5% so với cuối năm 2018 và tăng gấp đôi so với cách nay 15 năm. Chế độ trợ cấp y tế cho người nhập cư bất hợp pháp ra đời từ một đạo luật năm 1999-2000 vì lý do nhân đạo với người nhập cư nhưng cũng là để bảo vệ sức khỏe cộng đồng tại Pháp, tránh để lây lan dịch bệnh nếu người nhập cư nhiễm bệnh không có điều kiện điều trị kịp thời… Thế nhưng, theo giới chức am hiểu lĩnh vực nhập cư và chế độ trợ giúp y tế tại Pháp, do có những quy định lỏng lẻo nên AME ngày càng để lộ ra nhiều vấn đề bất hợp lý.
Theo phản ánh, với AME, người nhập cư bất hợp pháp được chi trả chi phí điều trị giống như chế độ người dân Pháp được hưởng, tức nếu không có đủ thu nhập họ được điều trị miễn phí 100%. Từ đó gây ra những ý kiến bất bình, cho rằng người Pháp đóng thuế để cho người nhập cư bất hợp pháp và người nước ngoài hưởng lợi.
Ngoài việc được điều trị, chăm sóc miễn phí kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm (chẳng hạn như điều trị ung thư, chạy thận nhân tạo) tiêu tốn ngân sách có khi đến 700.000 EUR/người (858.000 USD), nhiều bệnh nhân còn xin hưởng chế độ trợ giúp xã hội, xin tị nạn, xin cấp thẻ cư trú dài hạn rồi sau đó đón người thân theo diện đoàn tụ gia đình.
Về phía các bệnh viện, nếu bệnh nhân được hưởng chế độ AME thì chi phí chữa trị cho bệnh nhân sẽ được nhà nước hoàn trả theo hạn mức nhưng đối với những bệnh nhân là người nước ngoài cư trú bất hợp pháp không có AME hoặc đang trong thời gian chờ cấp AME thì khi điều trị cho họ, bệnh viện không được hoàn phí. Những trường hợp như vậy tạo thành khoản nợ lên đến hàng triệu EUR mà bệnh viện công không thể thu hồi.
Trong bối cảnh hệ thống bệnh viện công của Pháp nhiều năm qua bị cắt giảm ngân sách, xuống cấp, thiếu nguồn tài chính để trả lương nhân viên, những khoản nợ kiểu này càng đẩy các cơ sở y tế công của Pháp vào cảnh khó khăn. Khi có ý kiến đòi hạn chế trợ cấp, thắt chặt chế độ AME, các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội nhân đạo lại lên tiếng chỉ trích. Tuy nhiên, theo một thăm dò của tờ Le Figaro tháng 12 năm nay, trong số hơn 194.500 người trả lời, 87,4% đồng ý cần thắt chặt chế độ AME để hạn chế dòng người nhập cư trái phép vào Pháp.