Ngày 1-3, tại TP Lào Cai, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức hội nghị xây dựng vùng an toàn dịch bệnh để xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc.
Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, Trung Quốc là thị trường có dân số đông, nhu cầu thực phẩm lớn. Trước đây, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu qua đường tiểu ngạch. Từ khi có hàng rào biên giới, xuất khẩu nông sản giảm sút do một số yêu cầu về xuất khẩu nông sản chính ngạch mà chúng ta chưa đáp ứng được. Do đó, việc triển khai bản ghi nhớ về xây dựng vùng an toàn dịch bệnh là cơ sở thuận lợi để Việt Nam xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang Trung Quốc.
Khẳng định hiện nay, tại Việt Nam đã có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn chăn nuôi lớn và hiện đại, theo quy trình khép kín từ giống, thức ăn dinh dưỡng, phòng trị bệnh đến giết mổ, chế biến và vận chuyển, đảm bảo an toàn sinh học, song Thứ trưởng Bộ NN-PTNT yêu cầu ngay sau hội nghị, Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) chủ trì cùng các cơ quan liên quan tích cực đàm phán với phía Trung Quốc để có hướng dẫn cụ thể cho các địa phương của Việt Nam xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, sớm được công nhận vùng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Cùng ngày 1-3, tại TP Hải Phòng, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024, có sự tham gia của đại diện Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Công an, một số hiệp hội ngành hàng nông sản chủ lực, các tập đoàn bán lẻ và phân phối thực phẩm như Tập đoàn AEON, Tập đoàn Masan…
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, thông qua khảo sát của Bộ NN-PTNT cho thấy, công tác quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm với nông sản trong thời gian qua đã được tăng cường, lòng tin của người dân vào nông sản trong nước ngày càng tăng.
Đồng thời, chất lượng nông sản - thực phẩm xuất khẩu cũng được giám sát chặt chẽ. Bộ NN-PTNT đã chủ động xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm và đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật, mở rộng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam.
Để tiếp tục quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm tiêu dùng trong nước và xuất khẩu năm 2024, Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh gia tăng số lượng, quy mô sản xuất an toàn, bền vững (áp dụng các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ…).
Đồng thời, các địa phương tăng cường giám sát an toàn thực phẩm, mở rộng kiểm tra chuyên ngành sang thanh tra đột xuất, giải quyết kịp thời các sự cố mất an toàn thực phẩm để củng cố niềm tin của người tiêu dùng, giúp phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.