Sau khi ông Greg Davis, chồng bà - một người Mỹ, đột ngột qua đời vì bệnh ung thư gan khi mới 54 tuổi và được chẩn đoán do tiếp xúc với chất khai quang độc hại khi còn phục vụ quân đội Mỹ tham chiến tại Việt Nam cách đây gần 2 thập kỷ, bà Masako Sakata đã đi tìm câu trả lời về thảm họa tàn khốc do chất độc da cam gây ra trong chiến tranh Việt Nam.
Những gì bà Masako Sakata tận mắt khám phá sau nhiều lần đến thăm Việt Nam từ lần đầu tiên vào năm 2004 để tìm hiểu về hậu quả của chất độc này đã được chuyển tải vào 2 bộ phim đầu tiên của bà là Agent Orange: A Personal Requiem (2007) và Living the Silent Spring (2011). Nếu như bộ phim đầu tiên cho thấy tác động suy nhược lên cơ thể con người giữa các thế hệ chịu ảnh hưởng của chất độc hóa học, thì bộ phim thứ hai đã phơi bày sự thật về con cái của các cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam và cuộc đấu tranh với bệnh tật của họ. Hai bộ phim này đã giành được nhiều giải thưởng danh giá của Nhật Bản cũng như quốc tế, bao gồm Giải phim tài liệu Mainichi, Giải đặc biệt của Liên hoan phim môi trường quốc tế Paris và Giải đặc biệt của Ban giám khảo Earth Vision. Năm 2011, bà Masako Sakata đã lập dự án Hạt giống hy vọng, cấp hàng trăm suất học bổng cho học sinh phổ thông và sinh viên Việt Nam là nạn nhân chất độc da cam.
Long Time Passing có thời lượng khoảng 1 giờ, miêu tả cuộc sống từ khi bé tới lúc trưởng thành của nạn nhân chất độc da cam Trần Thị Hoan, cô gái từ khi sinh ra đã không có 2 chân và bàn tay trái, di chứng từ người mẹ bị nhiễm dioxin trong những ngày mang thai nhưng vẫn khai hoang, vỡ đất làm rẫy. Theo truyền thông Nhật Bản, tác phẩm mới nhất Long Time Passing, đang trình chiếu tại các rạp ở Tokyo từ ngày 20-8, đã phơi bày một sự thật đau lòng là “lợi ích của chính phủ đã được đặt lên trên thân phận con người như thế nào” trong thời kỳ chiến tranh. Phim cũng đề cập tới hoàn cảnh khó khăn của nhiều nạn nhân chất độc da cam khác ở những vùng nông thôn nghèo khó đầy thử thách và cuộc đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân của chất độc da cam tại Pháp của bà Trần Tố Nga.
Qua ống kính của mình, bà Sakata cố gắng ghi lại ý nghĩa của cuộc chiến theo thời gian đối với những người tiếp tục vật lộn với những vết sẹo chưa bao giờ lành hẳn, mặc dù hiện nay, gánh nặng do chất độc màu da cam đổ lên vai các gia đình của nạn nhân đã dần được vơi bớt khi xã hội bắt đầu cung cấp nhiều sự trợ giúp hơn.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Kyodo, bà Sakata nói rằng, cái chết của chồng bà là “một phần rất lớn” trong cuộc đời bà và sự hiện diện của ông đã ảnh hưởng đến sự nghiệp và công việc của bà cho đến nay. Bà bắt đầu sự nghiệp đạo diễn phim sau khi chồng bà qua đời và cũng đã phát hành 2 bộ phim tài liệu về sự nguy hiểm của việc sản xuất điện hạt nhân.