Vùng đất “rồng xanh”
Từ quốc lộ 51, xe rẽ vào con đường Trường Sa rộng thênh thang, vượt qua 2 cây cầu Gò Găng và cầu Chà Và, là đến Di tích lịch sử Nhà Lớn Long Sơn. Một cụ già kể lại quá trình hình thành: Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, quê ở làng Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành, tỉnh Hà Tiên (nay là tỉnh Kiên Giang).
Những năm 1900, sau khi tham gia cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp thất bại, ông cùng gia quyến và 20 đồng đội từ Hà Tiên tìm đến lập nghiệp ở vùng núi Lứa (nay gọi là núi Nứa) khai khẩn đất đai, phát triển nghề làm muối. Năm 1904, một trận bão lớn đổ vào Nam bộ, người dân ven biển Tây Nam bộ được ông Mưu cứu đói, rồi nhiều người theo ông về đây lập nghiệp và hình thành nên ấp Bao Tràm (nay là xã Long Sơn).
Long Sơn ngày nay là hợp phần gồm đảo chính Long Sơn nằm men theo triền núi Nứa (đoạn cuối của dãy núi Phước Hòa đâm ra biển) và đảo nhỏ Gò Găng. Với diện tích đất 92km2, Long Sơn chiếm tới 65% diện tích đất toàn TP Vũng Tàu. Theo các bậc cao niên, Long Sơn có địa hình sơn thủy hữu tình, trong đó, núi Nứa giống một con rồng xanh vươn mình ra biển lớn.
Trước đây, muốn sang Long Sơn thì người dân phải đi thuyền, lội qua những bãi lầy ngập mặn nên có những người dù đã làm việc rất lâu năm ở đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo nhưng thời đó cũng ít có dịp ghé thăm. Năm 2002, cầu Bà Nanh hoàn thành, nối Long Sơn với đất liền qua xã Tân Hải, huyện Tân Thành (nay là thị xã Phú Mỹ) nên người dân không phải lội sình lầy hay đi thuyền như trước. Đến cuối năm 2011, cầu Chà Và được đưa vào hoạt động, giúp giao thông từ đất liền sang đảo thực sự thuận lợi, tạo tiền đề phát triển kinh tế cho xã đảo có hơn 15.000 dân này.
Kỳ vọng vào dự án tỷ USD
Trước năm 2005, cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào ruộng muối và đánh bắt thủy sản ven bờ. Năm 2007, nghề nuôi trồng thủy hải sản trên sông Chà Và nhen nhóm hình thành và sau đó lan rộng ra các sông Rạng, sông Dinh như ngày nay.
Ông Nguyễn Sơn (46 tuổi, ngụ thôn 4, xã Long Sơn) kể lại: Hồi trước làm ruộng muối rất cực nhọc, mỗi vụ chừng vài tạ, lời lãi không bao nhiêu nên hầu như nhà nào cũng có người đi đánh bắt tôm, cá để vừa có thêm cái ăn, vừa thêm đồng ra đồng vào chi tiêu. Sau này, thấy có người từ Đài Loan qua nuôi cá lồng bè trên sông, nhiều người học theo, từ đó hình thành nghề nuôi cá lồng bè giúp nhiều gia đình trở nên khấm khá.
Ngày 24-2-2018, Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam có tổng vốn đầu tư khoảng 5,4 tỷ USD chính thức được khởi công ở Long Sơn. Tháng 12-2021, dự án đã đạt 70% tiến độ, dự kiến đi vào hoạt động vào giữa năm 2022. Khi vận hành, dự án sẽ đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 60 triệu USD/năm.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tích cực triển khai dự án đường Long Sơn - Cái Mép với tổng mức đầu tư hơn 1.188 tỷ đồng, nhằm kết nối xã đảo Long Sơn tới cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải. Long Sơn cũng được quy hoạch, thực hiện nhiều dự án lớn như: Trung tâm Điện lực Long Sơn (gần 200ha), sân bay Gò Găng (gần 250ha), khu đô thị Gò Găng.