Ở vùng quê nghèo Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp), nhiều học sinh vừa học hết cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông đã nghỉ học. Dù hoàn cảnh gia đình Long có điểm chung là khó khăn nhưng anh không suy nghĩ và hành động như chúng bạn. Tốt nghiệp cấp 3, Long một thân một mình mang ba lô lên TPHCM tìm kiếm việc làm. Từ phụ bán quần áo đến phục vụ quán, rồi làm bảo vệ, nhân viên giữ xe, Long đều trải qua. “Lúc đó, người thân, bạn bè ai cũng nghĩ mình gác lại việc học hành tại đây. Nhưng không, mình đi làm là để tự mở cơ hội cho bản thân, để có tiền tiếp tục đi học, để có một cái nghề ổn định sau này”, Long chia sẻ.
Sau hơn một năm lăn lộn với các nghề, Long tích góp được hơn chục triệu đồng và quyết định thi vào Trường Trung cấp nghề Nhân Đạo. Quá trình tìm kiếm “cái nghề ổn định sau này” của Long đã gặp không ít cản ngại do điều kiện kinh tế khó khăn, có lúc tưởng chừng dang dở do không có tiền đóng học phí nhiều kỳ; nhưng bằng nghị lực, tinh thần vượt khó được trui rèn từ nhỏ, rồi Long cũng lần lượt vượt qua. Năm 2009, tốt nghiệp trung cấp nghề ngành Điện công nghiệp, anh được nhận vào làm ở Xí nghiệp Bao bì. Khi được phân công vào làm ở Phân xưởng Cơ điện, Long luôn hoàn thành tốt công việc.
Năm 2010, bộ LPC (một bộ phận của máy chia cuộn) tại xí nghiệp bị hư nhưng đã hết thời gian bảo hành, nếu chờ mua thiết bị mới từ Hàn Quốc chuyển về thì hoạt động sản xuất ở một số dây chuyền của công ty sẽ ngưng trệ từ 3 - 4 tuần. Trăn trở điều này, hàng ngày sau giờ làm việc, Long mài mò nghiên cứu, tìm cách khắc phục. Sau khi tìm hiểu kỹ nguyên lý hoạt động của máy, chất liệu thiết bị bị hư, Long chế tác ra thiết bị để thay thế thiết bị đã hư. Ý tưởng này được lãnh đạo công ty tán thành. Kết quả, sau 2 ngày phục hồi, thử nghiệm, bộ thiết bị LPC thay thế đã hoạt động tốt, đạt tỷ lệ 97% so với lúc chưa bị hư, làm lợi gần 70 triệu đồng/bộ LPC bị hư.
Không chỉ gỡ được những “ca khó”, trong quá trình làm việc ở Phân xưởng Cơ điện của xí nghiệp, với tính tò mò, sáng tạo của người thợ trẻ, Nguyễn Thành Long còn có nhiều sáng kiến, cải tiến, làm giảm chi phí vận hành. Cụ thể, để tiết giảm năng lượng điện trong quá trình vận hành máy, sản xuất, Long đã nghiên cứu chế tạo, lắp inverter cho 5 máy quấn biên đồng bộ với máy tiết kiệm năng lượng. Khi lắp đặt inverter, máy quấn biên chỉ hoạt động tải. Theo đó khi vận hành, tần số tốc độ giảm, công suất tiêu thụ cũng giảm theo. Với cải tiến này, Long đã giúp đơn vị tiết kiệm được hơn 106 triệu đồng/năm.
“Khắc phục lại bộ LPC bị hư”, “Lắp inverter cho 5 máy quấn biên đồng bộ với máy tiết kiệm năng lượng” là 2 trong số hàng chục sáng kiến, cải tiến mà Long đã nghiên cứu, thực hiện thành công, làm lợi cho công ty hàng tỷ đồng trong hơn 5 năm qua. Đó là kết quả của quá trình cần mẫn, chăm chỉ và sáng tạo trong công việc của người thợ trẻ, thế nhưng khi nói về những thành tích của mình, Long khiêm tốn: “Những cải tiến kỹ thuật chỉ là những đóng góp nhỏ bé của tôi với công ty, đây cũng là trách nhiệm của nhân viên đối với đơn vị làm việc của mình”. Long cho rằng trong công việc, cũng như trong cuộc sống nếu “sống hết lòng, làm bằng cả nhiệt huyết, nỗ lực hết mình”, hẳn mọi khó khăn sẽ qua và thành công sẽ đến.
Với những kết quả đạt được trong công việc, đầu năm 2016, Nguyễn Thành Long được lãnh đạo đơn vị bố trí làm Phó quản đốc Phân xưởng Cơ điện. Anh Long đã đượng tặng thưởng nhiều danh hiệu và giải thưởng: Từ năm 2012 - 2016 được Tổng công ty Liskin tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”; Trung ương Đoàn tặng bằng khen “Người thợ trẻ giỏi” năm 2017; Liên đoàn Lao động TPHCM tặng bằng khen “Lao động giỏi - Sáng tạo” năm 2016; nhận giải thưởng Nguyễn Văn Trỗi năm 2015 và 2016…