Lòng nhân ái vươn tỏa khắp nơi

Lòng nhân ái vươn tỏa khắp nơi

Cuộc sống bộn bề khó khăn nhưng lòng nhân ái vẫn vươn tỏa khắp nơi. Ngoài công việc thường ngày để có cái ăn, cái mặc, rất nhiều người mẹ, người chị còn dành thời gian quan tâm đến những mảnh đời cơ nhỡ, bệnh nhân nghèo để sẻ chia cùng họ phần nào những vất vả, khó khăn…

  • Chị chi hội trưởng nhân từ
Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai

Chị Nguyễn Thị Ngọc Mai, 53 tuổi, là Chi hội trưởng Phụ nữ khu phố 3, thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh, TPHCM) từ năm 1997 đến nay. Ngoài việc tích cực hoạt động công tác hội, chị còn được biết đến là một người phụ nữ say mê làm từ thiện. Năm 2010, chị thực hiện “bếp ăn từ thiện” trong bệnh viện huyện Bình Chánh. Từ khâu mua rau, củ, quả đến việc nấu nướng đều một tay chị lo liệu. Biết việc làm ý nghĩa của chị, nhiều người đã đến xin chị cho “hùn” bằng cách cung cấp rau củ và cả xung phong vào nấu và phân phát cơm cho bệnh nhân và cả thân nhân bệnh nhân nghèo. Hàng tuần, vào mỗi thứ hai, bếp ăn của chị nấu 150 phần, nay đã tăng lên 300 phần.

Hàng ngày chị Mai “chạy” từ nơi này đến nơi khác để tìm hiểu thông tin về các mảnh đời cơ nhỡ, khó khăn để thông tin cho báo viết bài giúp đỡ. Các trường hợp như: anh Nguyễn Công Tùng ở xã Bình Hưng bị ung thư phổi và vợ bị chấn thương cột sống đi lại khó khăn được chị thông tin cho Báo SGGP. Khi báo đăng, mạnh thường quân ở khắp nơi gửi về hỗ trợ anh Tùng hơn 20 triệu đồng. Vợ anh cũng được chương trình “Tiếp sức hồi sinh” của kênh truyền hình Today TV giúp chi phí mổ cột sống, nay đã bình phục, đi lại bình thường. Chị Bùi Thị Thiêu ở xã Tân Nhựt bị chứng bướu não cũng được chị đưa lên báo và được bạn đọc hỗ trợ hơn 11 triệu đồng. Anh Nguyễn Công Lý, một cựu chiến binh ở thị trấn Tân Túc, hoàn cảnh gia đình vô cùng khốn khó, lại có 2 đứa con bị bệnh tâm thần cũng được bạn đọc Báo SGGP giúp đỡ hơn 11 triệu đồng. Đặc biệt trường hợp vợ chồng già neo đơn (ông Lê Văn Bầu, ở khu phố 4 thị trấn Tân Túc) cũng được Báo SGGP đưa tin và được giúp đỡ gần 9 triệu đồng. Phần chị, hàng ngày lo thuốc uống cho cụ bà và cơm nước 2 bữa cho cả 2 cụ. Mới đây, cụ bà qua đời, chị đã lo áo quan cho cụ và vẫn tiếp tục chăm sóc cụ ông...

Chị Mai tâm sự: “Tâm huyết của tôi là khi giúp ai thì tận tình theo dõi và giúp đỡ thường xuyên chứ không chỉ giúp một lần rồi thôi. Tất cả tiền bạc đều do các con tôi hỗ trợ và tôi chỉ có tấm lòng để đến với mọi hoàn cảnh mà thôi”.

  • Cụ bà đi hái lá thuốc

Đến con đường nhỏ Cầm Bá Thước ở khu phố 1, phường 7, quận Phú Nhuận, TPHCM, hỏi thăm “bà Huệ đi hái lá thuốc” thì bạn sẽ được người dân chỉ tận tình đường đến nhà trọ của bà. Cụ tên thật là Phan Thị Ngọc Huệ, 83 tuổi, sống bằng nghề bán vé số hơn 10 năm nay. Bước vào ngôi nhà trọ nằm sâu trong hẻm, hình ảnh đập vào mắt đầu tiên là những bao lá thuốc phơi khô. Bà Huệ da hơi ngăm, mái tóc bạc trắng nở nụ cười hiền hậu. Hàng ngày, bà đạp xe chạy khắp nơi để tìm lá thuốc từ những bụi cây, bụi cỏ, ngắt và cho vào bao chở về nhà. Bà Huệ kể, mỗi lần đi chùa, bà thường ghé thăm phòng thuốc từ thiện. Khi hỏi các sư thầy về những loại cây thuốc, bà mới thật ngạc nhiên, “hóa ra nhiều loại cây cỏ mình vẫn thấy dọc đường có thể làm thuốc được”. Từ đó, hễ đi đâu mà thấy những cây có thể làm thuốc, bà đều dừng lại ngắt về, sơ chế và phơi khô. Khi tích trữ được nhiều, bà mang lên biếu chùa. Mỗi tuần bà có thể phơi khô được 2 bao lá thuốc. Những ngôi chùa bà thường lui tới là chùa Linh Quang, Thái Bình (quận 11); Quan Âm tự (quận Phú Nhuận); Hưng Quang tự (quận 12)... Khi được hỏi “làm sao bà có thể tìm được nhiều lá thuốc như vậy?”, bà cười móm mém: “Thì bà phải chạy nhiều nơi lắm chứ. Tìm loanh quanh đây mà hết thì bà đạp xe lên tận quận 12, rồi có khi xuống Thủ Đức, có bữa xuống cầu Bình Lợi…”. Những nơi bà Huệ thường hái thuốc là dọc đường ray xe lửa, ven các bờ kè, bờ sông… Nhờ hái lá thuốc biếu chùa mà hiện nay, bà đã thuộc được tên rất nhiều loại cây thuốc và công dụng chữa bệnh của từng loại.

16 giờ mỗi ngày, bà Huệ lại tất tả chạy đến đại lý vé số để lấy vé và sổ dò về bán. Tới khoảng gần 18 giờ, bà lại về căn nhà trọ nghỉ ngơi để sáng hôm sau đi bán tiếp. Thời gian còn lại, bà dành cho cuộc hành trình đi tìm lá thuốc. Nhiều năm trước, bà Huệ đã viết đơn xin hiến xác sau khi qua đời. Đó cũng là nguyện ước lớn của cuộc đời bà: Vui khi được giúp đời!

Bà Huệ đang phân loại những lá thuốc đã được phơi khô.

Bà Huệ đang phân loại những lá thuốc đã được phơi khô.

ĐÀM VŨ - LÊ ĐẶNG

Tin cùng chuyên mục