Tăng cường thanh tra, giám sát
Nguyên nhân của những vi phạm nghiêm trọng liên quan đến Tổng công ty Bình Dương có nhiều, trong đó có việc dễ dãi trong giao đất, quyết định chủ trương đầu tư dự án khu dân cư.
Trước đây, thực hiện theo Luật Đất đai năm 2003 thì chưa có quy định phải đấu giá dự án (DA) hoặc đấu giá đất nền, nhiều doanh nghiệp được UBND tỉnh giao quỹ đất quá lớn trong khi thiếu nguồn lực về tài chính, con người để thực hiện, DA để treo nhiều năm, gây lãng phí tài nguyên. Và để tiếp tục tồn tại, các doanh nghiệp nhà nước đã phải liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp BĐS để tiếp tục thực hiện DA đầu tư. Do thiếu kiểm tra, giám sát nên đã bị các doanh nghiệp bắt tay với các doanh nghiệp BĐS chuyển nhượng vốn trái phép hoặc bán rẻ đất công, gây bức xúc dư luận.
Để tránh lặp lại những vụ việc sai phạm, các địa phương cần nhanh chóng kiểm tra đánh giá lại hiện trạng quản lý - sử dụng đất công ở các doanh nghiệp, các tổng công ty nhà nước, hoặc công ty cổ phần nhưng do Nhà nước nắm cổ phần chi phối để kịp thời thu hồi phần diện tích đất các đơn vị chưa sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, trình cấp thẩm quyền đem đấu giá thu tiền về cho ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu.
Bài học từ vụ việc chuyển nhượng lòng vòng của Tổng công ty Bình Dương cho thấy: Chỉ sau khi báo chí lên tiếng về các sai phạm thì thanh tra tỉnh mới vào cuộc và nhanh chóng chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ các vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nếu cơ quan thanh tra chủ động phát hiện sớm sẽ ngăn chặn được sai phạm, giảm thiểu được thiệt hại.
Từ các vi phạm trong đấu giá các DA của Công ty Thiên Phú tại Bình Dương cho thấy, cần kiểm soát chặt quá trình đấu giá quyền sử dụng đất đất đối với các DA đất công để tránh tình trạng các ngân hàng bị chi phối bởi “công ty sân sau”, móc nối với công ty tham gia đấu giá cho có kiểu “quân xanh - quân đỏ” để giảm giá trị tài sản được mang ra đấu giá, gây thiệt hại cho Nhà nước. Bên cạnh đó, cần bổ sung các chế tài xử lý thật nặng khi công chứng viên cố tình công chứng theo yêu cầu của doanh nghiệp BĐS gây thiệt hại đến quyền lợi của Nhà nước hay doanh nghiệp khác.
TS Đào Thị Thu Hằng (giảng viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TPHCM) cho rằng: Đông Nam bộ là khu vực có vị trí địa kinh tế chiến lược, do vậy giá trị quyền sử dụng đất ở khu vực này cao hơn so với mặt bằng chung của các khu vực khác, nhưng việc quản lý, sử dụng các nguồn lực đất công ở đây cũng có một số bất cập, quản lý lỏng lẻo gây thất thoát lớn tài sản nhà nước.
Do đó, giải pháp đầu tiên là phải khẩn trương bổ sung quy định khái niệm đất công và quản lý đất công trong Luật Đất đai; cần rà soát quỹ đất công trên địa bàn, mục đích đang sử dụng và bắt buộc công khai trên website của các địa phương để người dân tham gia giám sát, đồng thời phải xử lý nghiêm những trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm, kể cả hình sự; khen thưởng xứng đáng cho người tố cáo.
GS-TSKH Đặng Hùng Võ phân tích thêm: Do đất đai là sở hữu toàn dân nên đất nào cũng là đất công. Vì vậy, sửa đổi Luật Đất đai cần có định nghĩa rõ ràng khái niệm “đất sử dụng vào mục đích tư”, “đất thuộc phạm vi công” là “đất không sử dụng vào mục đích tư”. Ở các nước phát triển, người ta xác định “đất công” và “đất tư” rất rõ ràng để mỗi loại đất này có phương thức quản lý hoàn toàn khác nhau.
Quá trình xây dựng Luật Đất đai 2013 được sự trợ giúp của Chương trình “hậu WTO” và Ngân hàng Thế giới đã có nhiều điều quy định về hệ thống quản trị đất đai tốt, bao gồm 3 yếu tố: Sự tham gia của người dân vào quản lý và giám sát; Công khai, minh bạch thông tin quản lý; Trách nhiệm giải trình của cơ quan quản lý trước các ý kiến giám sát. Các yếu tố này đã được quy định tập trung vào Điều 198, Điều 199 và Điều 200 của Luật Đất đai 2013. Cả 3 điều này tạo nên một cơ chế kiểm soát tốt đối với quyền lực của Nhà nước về các “quyết định về đất đai”.
Trên thực tế, cả 3 điều này đều chưa được thực hiện, Chính phủ cũng chưa ban hành nghị định nào liên quan đến việc thực thi các nội dung này. Như vậy, giải pháp ở đây là cần hình thành một chương trong Luật Đất đai về quản trị đất đai nhằm chi tiết hóa 3 điều nói trên và có chế tài xử lý khi cơ quan quản lý đất đai không thực thi các quy định về quản trị đất đai.
Xem trọng công tác an dân khi thu hồi đất
Trở lại vụ việc ở Long Hưng (Đồng Nai), nếu DA tiếp tục triển khai giai đoạn 2 theo như phê duyệt ban đầu, chắc chắn việc bồi thường - thu hồi đất sẽ kéo dài thêm ít nhất 15 - 20 năm nữa, do số hộ bị giải tỏa trong giai đoạn 2 này đông hơn và nhất là ở các khu vực tập trung đông dân cư, đất có giá trị nên sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ hơn của người dân.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai, tổng diện tích đất phải thu hồi tổng thể của DA Khu dân cư Long Hưng là 216,7ha và còn phải thực hiện bồi thường khoảng 53,9ha nhưng số hộ bị ảnh hưởng lên đến 1.025 hộ, tập trung hai bên đường Hương lộ 2 - đường chính từ quốc lộ 51 vào DA.
Đối với DA Khu đô thị Đồng Nai Waterfront, tổng diện tích thu hồi đất là 346,5ha, đến nay còn phải bồi thường khoảng 20ha với 670 hộ. Với những gì đã diễn ra ở giai đoạn 1 (có 701 quyết định cưỡng chế) thì nhiều khả năng Long Hưng sẽ tiếp tục là “quả bom nổ chậm” nếu DA khu đô thị mở tiếp tục triển khai giai đoạn 2 do có nhiều hộ dân giữ vững lập trường, kiên quyết đấu tranh bảo vệ quyền lợi hợp pháp trên mảnh đất của mình, không bàn giao đất cho doanh nghiệp vì họ nhận ra những sai sót nghiêm trọng ngay từ đầu của DA.
Ngày 4-3-2019, Văn phòng Chính phủ đã phát đi Thông báo số 26/TB-VPCP về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình với nội dung: Yêu cầu thực hiện kiểm tra, rà soát về quy hoạch, quy mô các DA tại Khu đô thị Long Hưng, nhất là với phần đất bị thu hồi đông dân cư tập trung, chưa bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa làm thủ tục giao đất cho nhà đầu tư thì cần xem xét điều chỉnh thu hẹp quy mô cho phù hợp, bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, ổn định cuộc sống người dân.
Nhờ đó, đến ngày 22-4-2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã chính thức có công văn chấp thuận chủ trương điều chỉnh ranh giới, quy mô diện tích các DA tại Khu đô thị kinh tế mở Long Hưng. Theo đó, đối với DA Khu dân cư Long Hưng, tách ra khỏi ranh DA khoảng 56ha nằm ở phía Tây đường Hương lộ 2 và 6ha ở phần phía Đông và DA Khu đô thị Đồng Nai Waterfront, phạm vi dự kiến tách ra khỏi DA là khoảng 28ha nằm ở phía Tây đường Hương lộ 2 (bao gồm một số khu vực đã bồi thường để đồng bộ về ô thửa quy hoạch.
Mong mỏi của người dân là ngoài quyền lợi chính đáng trong bồi thường, tái định cư thì Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ trách nhiệm các sai phạm của cán bộ có liên quan, nhất là lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành các quyết định trái pháp luật, gây bất ổn cho cuộc sống của người dân Long Hưng suốt 13 năm qua.