LTS: Đông Nam bộ là khu vực có mức tăng trưởng kinh tế cao, lại có quỹ đất rộng nên việc sử dụng và quản lý đất công cũng phát sinh nhiều tiêu cực, biến tướng... Trong đó, phổ biến là việc giao đất cho cán bộ, chuyển nhượng lòng vòng đất công không thông qua đấu giá, hoặc có sự cấu kết giữa công ty đấu giá với ngân hàng để thâu tóm đất công với giá rẻ, gây lãng phí tài nguyên quốc gia, thất thoát cho ngân sách Nhà nước. Thực trạng đó đang đòi hỏi cần có các giải pháp tăng cường quản lý, sử dụng đất công một cách hiệu quả thông qua việc xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân sai phạm và hoàn thiện các quy định pháp luật về đất đai, quản lý cán bộ. |
Chia chác đất công
Ngày 5-5-2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm ký Quyết định số 1037/QĐ-UBND phê duyệt phương án giao đất ở có thu tiền sử dụng đất đợt 2 (không qua đấu giá quyền sử dụng đất) cho cán bộ, công chức, viên chức được điều chuyển công tác về huyện Bù Gia Mập nhưng chưa có đất ở trung tâm hành chính huyện. Tuy nhiên, trong danh sách 83 cá nhân được giao đất, UBND huyện Bù Gia Mập lại ưu ái giao đất cho 14 người không thuộc diện giao đất.
Cụ thể, 4 trường hợp được ưu tiên gồm: ông Cao Minh Thuận (nguyên Phó Bí thư Huyện ủy Bù Gia Mập), ông Điểu Cường (nguyên Bí thư Đảng ủy xã Phú Nghĩa), ông Bùi Phó Vĩnh (Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bù Gia Mập), ông Phạm Ngọc Tú (Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT huyện Bù Gia Mập).
Còn tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, một trong các vụ việc sai phạm nghiêm trọng về đất đai khiến nhiều cán bộ, lãnh đạo bị kỷ luật là việc giao đất cho hàng trăm trường hợp ở huyện Đất Đỏ. Năm 2015, UBND huyện Đất Đỏ đã giao 60 lô đất cho 43 cán bộ (đều đã có đất ở tại thời điểm giao đất). Trong đó, tại thời điểm giao đất, có 22 người đương chức, 21 người nguyên là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện. Tổng cộng có 235 trường hợp được huyện Đất Đỏ giao đất, thế nhưng có tới 196 trường hợp giao đất không qua đấu giá (sai so với Luật Đất đai năm 2013). Trong 196 lô đất cấp sai, có 48 lô đất đã được tự nguyện trả lại, 77 lô đất chưa xây dựng và đã bán qua tay nhiều người, gây nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả.
Liên quan đến vụ việc, Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu đã kỷ luật Ban Thường vụ Huyện ủy và Thường trực Huyện ủy huyện Đất Đỏ nhiệm kỳ 2010-2015 chỉ với hình thức khiển trách, phê bình, rút kinh nghiệm. Riêng đối với cá nhân, mức cao nhất là cách chức đối với chủ tịch và phó chủ tịch huyện, trong khi lẽ ra phải truy tố trước pháp luật.
Dự án bất động sản biến tướng
Công ty CP Tư vấn Đầu tư - Xây dựng giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Công ty TDC) là doanh nghiệp nhà nước được thành lập năm 1997. Đến năm 2004 công ty chuyển sang hình thức công ty cổ phần. Cùng năm, công ty được tỉnh chấp thuận và cho phép tìm vị trí đất để lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới. Đến năm 2006, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành quyết định thu hồi khu đất 800m² mặt tiền đường 3-2, phường 8, TP Vũng Tàu giao cho Công ty TDC làm trụ sở.
Một thời gian sau, Công ty TDC xin điều chỉnh chức năng khu đất, lập dự án trụ sở làm việc kết hợp chung cư để giải quyết nhu cầu nhà ở của cán bộ - công nhân viên và được tỉnh chấp thuận. Công ty TDC ký hợp đồng thuê đất 50 năm (tính từ năm 2008), nhưng do chậm triển khai - có nguy cơ bị thu hồi đất nên năm 2015, Công ty TDC ký kết hợp tác với Công ty CP DIC số 4 (đơn vị thành viên của Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng - DIC Corp) để triển khai dự án. Trong đó, Công ty TDC góp vốn bằng 800m² đất, được định giá chỉ 4 tỷ đồng, còn Công ty CP DIC số 4 bỏ tiền xây dựng dự án với trị giá gần 100 tỷ đồng, gồm 5 tầng làm văn phòng và 54 căn hộ hạng sang; nhân viên trong công ty mua 30% trên tổng số căn hộ với giá giảm 10% so với giá bán ra thị trường.
Tuy nhiên, đến tháng 4-2017, Công ty TDC lại gửi hồ sơ đề nghị tỉnh cho phép chuyển nhượng toàn bộ dự án cho Công ty CP DIC số 4 với lý do là công ty không đủ khả năng tài chính để hoàn thành dự án. Ngày 18-9-2017, UBND tỉnh đã có văn bản số 8867/UBND-VP do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Lê Tuấn Quốc chấp thuận chủ trương; Công ty CP DIC số 4 có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai dự án, thay cho Công ty TDC trước khi được các cấp thẩm quyền phê duyệt cho phép chuyển nhượng. Nhưng 2 ngày sau, Công ty TDC lại có đơn xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh có thời hạn giao 50 năm sang đất ở đô thị diện tích 512m² với thời hạn lâu dài.
Đến nay, dù việc chuyển nhượng chưa được duyệt, Công ty TDC vẫn đứng tên trên hồ sơ pháp lý, nhưng từ tháng 10-2017, Công ty CP DIC số 4 đã tổ chức lễ giới thiệu và mở bán dự án Ruby Tower với giá bán một căn hộ từ 1-1,8 tỷ đồng; riêng căn penthouse có diện tích 211-242m2, giá bán từ 5-6 tỷ đồng. Nhiều người mua căn hộ đã dọn đến ở từ năm 2018. Trớ trêu thay, đến nay Công ty CP DIC số 4 vẫn phải làm việc tại trụ sở cũ, còn cán bộ, công nhân viên Công ty TDC thì không mua được căn hộ do giá cao ngất ngưởng. Như vậy, sau hàng loạt “đường đi” lòng vòng, dự án làm trụ sở kết hợp chung cư cho cán bộ - công nhân viên đã biến tướng thành dự án bất động sản mà không cần phải qua đấu giá, giúp doanh nghiệp bất động sản thâu tóm đất công với giá rẻ, ngân sách thất thu hàng tỷ đồng.
Hàng loạt dự án không có trong quy hoạch sử dụng đất Bình Phước từng là một trong những tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn nhất cả nước, nhưng kể từ khi có chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cây công nghiệp thì diện tích rừng bị suy giảm nghiêm trọng do bị chuyển đổi ồ sạt sang đất trồng cao su. Theo số liệu của Thanh tra Chính phủ, chỉ trong vòng 3 năm từ 2014 đến 2017, đất rừng phòng hộ giảm 984ha, đất rừng đặc dụng giảm 369ha và đất rừng sản xuất giảm 1.850ha, gây phá vỡ quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020). Một trong những nguyên nhân chính là một bộ phận cán bộ ban quản lý rừng lợi dụng chính sách giao 587,34ha đất cho người thân, doanh nghiệp để trục lợi, nhưng đến nay mới thu hồi được 93,76ha. Vấn đề giao đất, cho thuê đất làm dự án cũng xảy ra hàng loạt sai phạm. Cụ thể, từ năm 2011 đến 2015, tỉnh Bình Phước có 164 dự án được phê duyệt với 38.115ha nhưng có 22 dự án buộc phải loại bỏ, dừng đầu tư với 2.288,94ha là Khu công nghiệp Sài Gòn - Bình Phước, Khu công nghiệp Tân Khai, cao tốc TPHCM - Chơn Thành... Các dự án còn lại phải điều chỉnh quy hoạch hoặc chuyển tiếp sang kỳ quy hoạch tiếp theo như khu Becamex - Bình Phước, khu khai thác than bùn (Bù Đốp - Lộc Ninh), Khu công nghiệp Long Giang… Đặc biệt, từ năm 2014 đến 2017, UBND tỉnh Bình Phước giao đất, cho thuê đất đối với 567 dự án đầu tư (với hơn 17.835,4ha) nhưng có tới 31 dự án với diện tích 124,45ha, không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, như nhà máy sản xuất gạch Tuynel (2,6ha), trại chăn nuôi heo do Công ty Hòa An làm chủ đầu tư (9,7ha), trại trăn nuôi heo do Công ty Chăn nuôi Giang Nam thuê 12ha… |