Lộng lẫy cầu Cần Thơ

17 năm từ ý tưởng đến hiện thực
Lộng lẫy cầu Cần Thơ

“Bắc Cần Thơ” chính là bến chờ, bến đợi lớn nhất cho đến tận hôm nay của hàng triệu người khi hai bờ sông Hậu chưa liền một dải. Nhưng ước mơ này sắp thành hiện thực: 9 giờ sáng 24-4-2010, lễ khánh thành cầu Cần Thơ sẽ chính thức diễn ra. Như vậy, trên dòng Cửu Long, hài đã có đủ đôi (cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ). Đôi hài cất bước, châu thổ chuyển mình.

Cầu Cần Thơ trong ngày thông xe kỹ thuật. Ảnh: TRẦN ANH THẮNG

Cầu Cần Thơ trong ngày thông xe kỹ thuật. Ảnh: TRẦN ANH THẮNG

17 năm từ ý tưởng đến hiện thực

Chiếc trực thăng MI8 chao nghiêng. Dưới cánh, bên phải, sông Hậu lóng lánh như dải bạc. Tất cả mọi người đều dồn ánh mắt tìm kiếm… “Đó! Cầu Cần Thơ đó…”. 216 sợi dây văng, trên cao nhìn xuống như mái tóc dài của cô gái đang tuổi xuân thì xõa xuống dòng sông Hậu. Khoảng cách hai bờ sông Hậu lớn hơn sông Tiền khiến cây cầu vừa “trải dài “ ra, vừa cao hơn, thật kỳ vỹ. Đẹp, đẹp đến ngỡ ngàng.

Mới trước Tết Canh Dần, đứng ngay giữa mặt cầu chính, ông Tám Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, người từng dự hàng chục cuộc họp liên quan đến cầu Cần Thơ đã chỉ cho mọi người một góc nhìn Cần Thơ đẹp nhất trên độ cao hơn 100m so mặt nước… Cần Thơ như rộng dài, đẹp hơn rất nhiều.

Cầu Cần Thơ “gác” vô cồn Ấu nên nhìn xa có những đoạn võng nhẹ nhàng. Ngước lên, những sợi dây văng màu cam được bắt từ trụ tỏa dần xuống như đan như dệt trên nền trời xanh. Trụ có hình chữ Y ngược và hai chân khép vào để thu hẹp diện tích (bệ trụ) nên mang nét đẹp thanh thoát. Cảng Cái Cui, nơi đón nhận và vận chuyển toàn bộ dầm hộp thép cho ngày hợp long vừa qua nằm kề sông lớn, ngay trước mặt. Xóm Chài, cồn Ấu xanh rì cây trái, kênh rạch quấn quýt len lỏi bên những hầm cá vuông vức liền nhau, ghe thuyền vẫn ngược xuôi tấp nập nơi ngã ba sông… “Chỉ còn một vài nơi được ngắm Cần Thơ đẹp nguyên sơ như vậy…” - ông Tám tâm sự.

Cầu Cần Thơ là dự án trọng điểm cấp Nhà nước, là công trình cầu lớn nhất và có kỹ thuật phức tạp nhất thời điểm hiện nay tại Việt Nam. Ông Masayyuki Karasawa, Giám đốc Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) khi nói về về quy mô cầu Cần Thơ đã thông báo cây cầu này có thể tương đương 1 trong 5 cầu lớn nhất Nhật Bản và 1 trong 10 cầu lớn nhất thế giới, cũng là cầu dây văng có nhịp chính dài nhất trong khu vực Đông Nam Á với 550m.

Chỉ còn 10 ngày nữa là đến lễ khánh thành cầu Cần Thơ. Nếu tính từ năm 1993, khi ý tưởng xây cầu Cần Thơ được khởi phát, năm 1996 bắt đầu nghiên cứu dự án và đến năm 2001 Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt dự án, khởi công (25-9-2004), triển khai thi công đến ngày hoàn thành, cầu Cần Thơ mất tròn 17 năm. 17 năm cho một ước mong dồn bao thế hệ.

Trăm năm bến bắc Cần Thơ

Ngày trước, “Việc nối hai bờ con sông Hậu, bắc Cần Thơ cùng với bắc Mỹ Thuận (nối bờ sông Tiền) làm thay đổi hẳn tập quán đi lại của con người miệt vườn quanh năm vốn quen xuồng ghe sông nước... Từ ngày có bắc Cần Thơ, ĐBSCL thực sự mở cửa đem ánh sáng văn minh từ Hòn ngọc Viễn Đông tỏa xuống miệt vườn. Chín Con Rồng - Cửu Long xưa nay nằm yên giờ đây được chắp cánh mạnh như Phù Đổng. Lộ đá Cần Thơ, bắc Cần Thơ góp phần làm thay đổi đời sống vật chất và suy nghĩ con người miền Tây và Cần Thơ được gọi là Tây Đô” (Văn minh miệt vườn - Sơn Nam).

Ngày nay, sự tác động và lan tỏa của cầu Cần Thơ còn lớn gấp bội. “Bỏ bắc lên cầu” không chỉ là quy luật tất yếu của cuộc sống mới mà còn định vị cho mảnh đất trung tâm châu thổ một vị thế mới, tầm cao mới, năng động, hiện đại, hòa nhập nhanh hơn với cả nước và bạn bè quốc tế. “Cửa trời” đã mở (sân bay Cần Thơ cuối 2010 sẽ hoàn thành giai đoạn 2 trở thành cảng hàng không quốc tế), “cửa biển” sẽ thông (đã khởi công mở luồng tàu tải trọng lớn qua ngả Định An). Và cầu Cần Thơ, hôm nay, đã hội vào “biển lớn”, góp phần làm đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.

“Bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài” (Huy Cận). Đó cũng là tình thủy chung và cách sống của người dân sông nước miền Tây. Bến bắc Cần Thơ, “bắc Cái Vồn” sau gần trăm năm (hình thành khoảng năm 1918) hòa quyện với người châu thổ đã chuẩn bị lui vào ký ức. Các cụ kỳ lão dọc hai bờ khẳng định “bến Bắc” này là một phần nhịp sống của châu thổ Cửu Long. Thuở đầu phà chạy bằng sức người, 6-10 người đạp “guồng” tạo sức đẩy; sau đó phà mới chạy bằng máy.

Đến cuối thời Pháp thuộc có phà 32 tấn gọi là “phà đò”, chạy có một đầu. Trước 1975 mới có phà 100 tấn (4-5 chiếc). Một thời gian dài sau giải phóng (1975) ta hầu như chỉ khai thác bằng phà của chế độ cũ; tận dụng chắp vá bằng tất cả các loại phụ tùng kiếm được nên thường xuyên “phà chết” giữa sông. Kẹt xe bên này phải bắn súng để bên kia biết.

Đến năm 1984 vẫn chỉ có 7 phà 100T, 1 phà 200T với định mức dầu nhớt chỉ cho phép mỗi ngày chạy 82 chuyến, từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Gần chục năm sau đổi mới, qua dự án do Đan Mạch tài trợ, nhiều chiếc phà Việt Đan trị giá hơn chục tỷ đồng được đóng theo tiêu chuẩn quốc tế ra đời. Nhờ vậy thời gian qua lại hai bờ rút ngắn hơn nửa (trước hơn 30 phút/chuyến) và có hơn 1.000 chuyến qua lại hàng ngày.

Bao nhiêu “con trẻ” nuôi chí lớn, vượt đồng qua sông, đắp đầy kiến thức, đổi đời ngẩng mặt trở lại cố hương? Toàn bộ đặc sản, hồn của hạ lưu sông Mekong huyền thoại đều có mặt trên bến bắc: xoài cát Hòa Lộc, nem và quýt hồng Lai Vung, sầu riêng Ngũ Hiệp, cam Phong Điền, mận An Phước… Mỗi ngày, chắt chiu từ đất, bằng những chuyến phà, biết bao sản vật của miệt sông nước vượt sông Hậu đến với bạn bè gần xa. Và cũng ít nơi nào xởi lởi còn đếm “chục mười hai mười bốn” như nơi đây.

Sau gần trăm năm Hoạt động, “bắc Cần Thơ” đã nỗ lực hòa vào bước chuyển của xã hội, góp phần quan trọng tạo nên một sắc diện mới cho châu thổ Cửu Long hôm nay. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế cùng nhu cầu mở rộng giao lưu, đi lại của người dân ngày càng cao đã tạo áp lực lên bến phà Cần Thơ khiến nơi đây nhiều khi trở thành “nút cổ chai” đầy mệt nhọc cho người xe qua lại hai bờ trên tuyến quốc lộ 1, nhất là vào các dịp lễ lớn, tết…

Người ta càng hiểu hơn vì sao đất và người đồng bằng lại nóng lòng, nôn nao đến vậy về cây cầu Cần Thơ, cây cầu của mơ ước, khát vọng.

Hài đã đủ đôi

Tôi bỏ dép, thả bộ, áp từng bước chân trên mặt cầu Cần Thơ. Chầm chậm mà đi… Hơn 2.000 ngày nỗ lực vượt bậc của những người thợ (có ngày gần 1.000 kỹ sư, công nhân thay nhau làm việc); tình cảm, quyết tâm của cả nước đối với Cần Thơ và cả vùng châu thổ ắp đầy phù sa nhưng vẫn còn nhiều trăn trở, thách thức. Dưới chân cầu, ngay xã Mỹ Hòa (Vĩnh Long) đầy nước mắt cùng những bước chạy sấp ngửa tìm chồng, tìm con hơn 3 năm trước, hôm nay có những đứa trẻ đang nô đùa và các cặp tình nhân hẹn nhau về chụp hình kỷ niệm…

Cầu Cần Thơ đã nối thông phần còn lại của vựa lúa; mở toang cho 7 tỉnh tiểu vùng Tây sông Hậu (An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau), nơi hàng năm sản xuất trên 11 triệu tấn lúa, chiếm 54,1% tổng sản lượng lúa và gần 1 triệu tấn thủy sản, chiếm 52,4 % sản lượng thủy sản cả vùng châu thổ Nam bộ.

Một nghiên cứu khá tỉ mỉ của người Australia về tác động từ cầu Mỹ Thuận cho thấy khoảng 12.000 tấn hàng hóa vận chuyển và 50.000 người sẽ vượt qua cầu mỗi ngày trên 10.900 xe các loại. Thông tin về 19.000 xe được dự kiến sẽ sử dụng cây cầu vào năm 2010. Điều đáng lưu ý là cầu Cần Thơ có quy mô lớn gấp 3 lần, độ dài vượt sông cũng rộng hơn hai lần so với cầu Mỹ Thuận (phà ngang sông Hậu dài 1.840m, tại Mỹ Thuận chỉ có 800m, hẹp nhất trong suốt chiều dài của nó trong vùng ĐBSCL).

Bên dòng Cửu Long, hài đã có đủ đôi (cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ). Đôi hài cất bước, châu thổ chuyển mình.

Vũ Thống Nhất

Phà Hậu Giang hoạt động song hành với cầu Cần Thơ

Ngày 15-4, đại diện Bộ Giao thông Vận tải và Ban quản lý dự án Mỹ Thuận đã có buổi làm việc với lãnh đạo TP Cần Thơ về việc chuẩn bị cho lễ khánh thành cầu Cần Thơ. Hiện nay, tại vị trí các ô 1, 2, 3, 4 thuộc nút giao IC3 cơ bản đã hoàn thành, đang trồng thảm cỏ và cây xanh, cắm cờ phướng...

Ngoài ra, để đảm bảo an ninh, lực lượng công an thành phố và thanh tra giao thông địa phương sẽ tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, tránh ùn tắc tại các nút giao như: đường 3-2, 30-4, cầu Quang Trung, đường Cách Mạng Tháng Tám… vào ngày lễ khánh thành. Ông Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết: “Sau lễ khánh thành sẽ cố gắng tạo điều kiện cho người dân lưu thông qua cầu Cần Thơ. Song song đó, phà Hậu Giang vẫn hoạt động bình thường”.

Lễ khánh thành cầu Cần Thơ sẽ diễn ra vào lúc 9 giờ ngày 24-4 và được truyền hình trực tiếp trên Đài PT-TH TP Cần Thơ.

L.Chinh

Tin cùng chuyên mục