Bằng mọi cách cứu mẹ
Chúng tôi không nhắc lại hành trình chữa bệnh nữa, bởi đã có nhiều bài viết kể về điều này mà chúng tôi muốn nói đến câu chuyện sau khi được cho vay, Giang Anh đã và sẽ làm gì để lo cho mẹ và lao động kiếm tiền trả nợ.
“Thật sự tôi đã hết cách mới viết những dòng “Xin được bán thân” lấy tiền chữa bệnh cho mẹ mà nhiều ngày qua mọi người thấy trên mạng xã hội và báo chí. Chưa một ai là họ hàng, bạn bè quen thân có tiền mà tôi chưa hỏi vay”, Lê Giang Anh (34 tuổi, làm việc tại Công ty Imba, TPHCM) thật tình cho biết lý do vì sao anh chọn cách này để cứu mẹ mình là bà Bùi Thị Minh (70 tuổi).
Một điều mà chưa từng ai làm ở thời hiện đại, một lời rao bán thân, rao bán sức lao động gây xúc động mạnh với nhiều người. Với anh, sau điều lạ lùng viết ra đó, hàng chục ngàn chia sẻ ồ ạt gửi về bày tỏ cảm động trước lòng hiếu thảo của mình, nhưng bên cạnh đó cũng có bao lời hoài nghi, mỉa mai.
“Người ta nhắn tin bảo tôi rằng, thời nay làm giàu dễ quá, lên mạng than nghèo kể khổ, khởi nghiệp thất bại, mẹ bệnh tật rồi được cho vay, được cho tiền… Lúc đầu, đọc những dòng đó, tôi có buồn. Nhưng, người ta không ở trong hoàn cảnh mình, người ta không thể nào hiểu hết. Mẹ chỉ có mình Giang Anh và Giang Anh chỉ có một người mẹ trên đời. Bằng mọi cách, tôi phải cứu mẹ”, Giang Anh tâm sự.
Giang Anh cho biết, hiện tại đã được người quen lẫn người không quen biết cho vay và hỗ trợ tổng cộng hơn 1 tỷ đồng. Ngay trong tuần sau, anh sẽ đưa mẹ đến bệnh viện khám lại, điều trị tiếp.
“Số tiền tạm vay được nếu cố gắng thì lo cho mẹ được 1 năm, chưa kể các chi phí hóa trị, xạ trị, bồi dưỡng sức khỏe. Nếu hết tiền thì kiếm trả nợ và tiếp tục. Về lý thuyết, trên thế giới đã có một số trường hợp khỏi bệnh dù tỷ lệ rất thấp. Các bác sĩ nói mẹ tôi tới giai đoạn 4, khả năng chỉ kéo dài sự sống nhưng tôi không nghĩ thế, tôi không phải điều trị kéo dài mà là điều trị chữa hết bệnh cho mẹ. Cơ bản nếu trường hợp đáp ứng tốt nhất thì cơ hội là 25%. Mẹ tôi hóa trị thì chắc tỷ lệ sẽ thấp hơn. Nhưng dù là 1% hay 0,1% thì mình vẫn cố. Phải điều trị được, bằng mọi giá. Tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc mẹ không khỏi bệnh, chưa bao giờ nghĩ tới một ngày mẹ rời xa mình”, Giang Anh nói, giọng chắc nịch, lạc quan.
“Nhà nghèo, nhưng mẹ lo cho tôi không phải thiếu thốn điều gì. Lo ăn uống, học hành đàng hoàng. Tôi ra trường đi làm, cứ nói là mẹ đợi con thêm thời gian nữa con kiếm nhiều tiền phụng dưỡng mẹ, nhưng chưa làm được gì thì mẹ đã bệnh”, anh Lê Giang Anh chia sẻ. |
Tích cực làm việc, vươn lên
Hiện tại Giang Anh đang làm việc trong mảng phát triển game của Công ty game Imba. Dự án rất tiềm năng do anh và đồng nghiệp thực hiện ở công ty là Game I am hero sẽ ra mắt trong khoảng 2 - 3 tuần tới. Ngoài ra, anh cũng có một team riêng làm việc khoảng mười mấy người. Không phải đến bây giờ Giang Anh mới lao vào tích cực làm việc mà trong cả hành trình dài vừa qua, để có tiền chữa bệnh cho mẹ, lo cho vợ và con nhỏ, Giang Anh ngoài công việc chính còn nhận làm freelance, tư vấn các dịch vụ quản lý các app, tối ưu hóa quy trình phát triển sản phẩm game, app, marketing hoặc bất cứ thứ gì khách hàng cần anh làm tốt.
Giang Anh vẫn mỗi ngày đạp xe đến công ty đi làm, chính xác là vì anh không có xe máy. Hồi sinh viên anh cũng có chiếc xe mẹ mua cho, sau đó đã bán. Trong hơn 2 năm qua, mỗi ngày Giang Anh ngủ đúng 5 tiếng đồng hồ, từ 10 giờ tối đến gần 3 giờ sáng hôm sau, rồi thức dậy làm việc. Tính ra mỗi ngày anh làm việc khoảng 16 giờ.
“Thực ra, đó là cách tôi tối ưu hóa giấc ngủ, không phải thức khuya dậy sớm đâu, mà tôi tính toán rồi chọn một lịch trình khoa học riêng cho bản thân để có thêm nhiều thời gian làm việc. Trước giờ tôi vẫn vậy, vẫn làm việc kiếm tiền chăm mẹ, chăm lo cho vợ con. Giờ có thêm các khoản nợ, mình cũng như vậy nhưng phải tính toán để làm sao có tiền trả cho người ta. Tôi không nói ra những áp lực, bởi sợ mẹ biết rồi buồn không chịu điều trị”, anh kể.
Giang Anh từng có 5 năm làm việc cho một công ty của Pháp, 6 năm tự khởi nghiệp mảng game, hơn 2 năm làm quản lý dự án game tại một công ty trong nước. Khởi nghiệp chính thức 2 lần và từng thất bại. Một lần thất bại, Giang Anh đứng lên; hai lần không thành công, anh tiếp tục đứng lên.
Anh nói, giọng nhẹ tênh: “Game khởi nghiệp đầu tiên làm được hơn 1 năm, game thứ hai hơn 2 năm. Hồi đó không thành công bởi rất nhiều lý do, chủ yếu là non kinh nghiệm, thiếu kỹ năng quản lý tài chính, con người, dự án... Đó cũng là bài học để mình ghi nhớ, sau này cố gắng. Tôi đã đi học lấy bằng MBA của Anh để hoàn thiện các kỹ năng trước khi tính chuyện khởi nghiệp. Nhưng thất bại thì phải đứng dậy thôi, chứ không việc gì phải ngồi hoài suy nghĩ về cái cũ. Không có cách này thì mình sẽ có cách khác. Cuộc sống này không phải chỉ sống cho riêng mình”.