Chiều 6-4, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới, các cơ quan của Liên hiệp quốc tổ chức hội nghị trực tuyến về vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhận định, trong bối cảnh thế giới và khu vực hiện nay, phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và là xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của mọi quốc gia.
Chương trình nghị sự 2030 bao trùm mọi lĩnh vực như xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, là cơ hội để các nhà lập pháp thể hiện cam kết của mình trong việc góp phần thực hiện mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và tất cả mọi người được hưởng hòa bình và thịnh vượng.
Tuy nhiên, năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ, tính mạng của người dân và các mặt của đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều quốc gia; bên cạnh đó, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, các vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng trở nên gay gắt, làm gia tăng thách thức trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới.
Đối với Việt Nam, phát triển nhanh và bền vững được Đảng, Nhà nước xác định là nhiệm vụ trọng tâm, là mục tiêu trong toàn bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, gắn liền với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm sự phát triển hài hòa, ổn định, bền vững, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
“Quốc hội Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế để phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội và môi trường, góp phần tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước”, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam đề nghị hội nghị tập trung đánh giá cập nhật tổng quan tình hình thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và tại Việt Nam; nhận diện những thuận lợi, thách thức đối với các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó là việc trao đổi các giải pháp tăng cường hơn nữa vai trò của Quốc hội về chức năng lập pháp, giám sát thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, lồng ghép các mục tiêu này vào hoạt động của Quốc hội.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng mong muốn các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; huy động nguồn lực trong nước kết hợp với nguồn lực ngoài nước, tăng cường sự tham gia của các cơ quan, đại biểu dân cử, các tổ chức trong thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.