Tái chiếm… ngay trung tâm
Quan sát của phóng viên Báo SGGP vào những ngày cuối tháng 5-2017, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận 1 đã xuất hiện tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán như đường Hàm Nghi, Lê Lợi, Lý Tự Trọng, Mạc Thị Bưởi, Lê Thị Hồng Gấm, Tôn Thất Hiệp, Nguyễn Trãi, Bùi Thị Xuân, Tôn Đức Thắng... Đơn cử, tuyến đường được cho là khang trang ngay giữa lòng quận 1 như đường Hàm Nghi xuất hiện hàng loạt các điểm tái chiếm vỉa hè để bán đồ ăn, nước uống.
Cụ thể, tại số nhà 105, 107, 109 đường Hàm Nghi, thuộc phường Nguyễn Thái Bình, người bán bày bàn ghế ngổn ngang, xe máy dựng kín trên vỉa hè. Ông Nguyễn Tuấn Tùng, ngụ đường Hàm Nghi, bức xúc: “Mấy tháng trước quận ra quân quyết liệt nên bộ mặt đô thị thông thoáng thấy rõ. Gần đây, chiến dịch tạm lắng thì người dân tái lấn chiếm trở lại. Điều đáng nói là cả một tuyến đường thông thoáng chỉ có vài hộ công khai bày bán cả ngày, trông rất chướng mắt mà chẳng thấy cơ quan chức năng xử lý”. Theo ông Tùng, thời gian qua, quận chỉ mới giải quyết cơ bản tình trạng vỉa hè bị cơi nới, nghĩa là chỉ tháo dỡ những hiện vật cố định nằm trên vỉa hè chứ việc buôn bán tái lấn chiếm vẫn thường xuyên xảy ra. Mặt dù nhiều vỉa hè đã kẻ vạch sơn giới hạn phạm vi sử dụng nhưng nhiều người vẫn cố tình tái chiếm phần không được sử dụng.
Tương tự, tại tuyến đường Nguyễn Trãi, đoạn từ ngã tư Tôn Thất Tùng kéo dài đến vòng xoay ngã sáu Phù Đổng, nhiều hộ kinh doanh ăn uống về đêm vẫn bày bán trên vỉa hè và để xe máy, ô tô của khách đậu dưới lòng lề đường. Tại đường Phạm Ngũ Lão, mặt dù ban ngày, các quán cà phê không bày bàn ra vỉa hè, nhưng về đêm các hộ lại kê bàn ghế, khiến người đi bộ không còn lối đi. Ở đường Phó Đức Chính đoạn gần Bảo tàng Mỹ thuật, giữa ban ngày các điểm bán, sửa giày dép, nón bảo hiểm ngang nhiên hoạt động.
Ngoài việc vỉa hè bị tái lấn chiếm, tình trạng dừng, đậu xe trái phép hay xe máy chạy lên vỉa hè cũng tái diễn ở rất nhiều tuyến đường quận 1 như đường Đồng Khởi, Nguyễn Du, Pasteur, Tôn Đức Thắng, Lý Tự Trọng… Không chỉ ở quận 1 mà hầu hết các quận khác như 3,5,10, Bình Thạnh, Phú Nhuận… tình trạng này diễn ra trên nhiều tuyến đường.
Ngoại thành “án binh bất động”
Thật lạ, trong khi nhiều quận trung tâm ra quân xử lý hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh thì nhiều quận ngoại thành… chẳng động tĩnh gì! Minh chứng, những tuyến đường vốn đã nhỏ hẹp và ngày nào cũng kẹt xe như Trường Chinh, Âu Cơ, Tân Kỳ - Tân Quý, Bình Long... luôn trong tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm, vài nơi cả lòng đường cũng bị chiếm dụng làm nơi buôn bán nhưng hầu như chẳng thấy lực lượng nào đến xử lý.
Tại những tuyến đường này, nhiều quán cóc bán nước, khẩu trang y tế, giày dép cũ... vô tư bày ra đường. Còn khu vực đường Tây Thạnh (khu công nghiệp Tân Bình), từ khoảng 16 giờ 30 trở về đêm, xe cộ, hàng hóa tràn ngập vỉa hè. Hai bên đường xe đẩy , xe kéo “di động” bày bán đủ các mặt hàng từ quần áo, giày dép, mũ, dây nịt... Nhiều người đang lưu thông đột ngột dừng xe ngay dưới lòng đường để mua đồ, bất chấp phương tiện đang lưu thông phía sau. Đó là chưa kể, các quán nhậu cũng vô tư bày bàn ghế để buôn bán, khách ngồi ăn chiếm trọn vỉa hè…
Trong khi đó, đoạn ngã ba Bà Quẹo, từ đường Âu Cơ đến ngã tư Tân Kỳ - Tân Quý đường đã nhỏ, phương tiện đông, là điểm nóng kẹt xe, nhưng nhiều người bán hàng tại đây cho rằng, bán thực phẩm mà để sâu trong nhà “ai mà mua nên phải để ra đây (vỉa hè) mới bán được”(!?). Thỉnh thoảng cũng có lực lượng trật tự đô thị của phường tới kiểm tra nhắc nhở, xử phạt, nhưng khi họ đi “đâu lại vào đấy”. Ông Trần Văn Thuần, sống trên đường Tân Kỳ - Tân Quý, cho biết, hàng ngày đi bộ trên vỉa hè, ông phải luồn lách qua các “chướng ngại vật”... để kín trên vỉa hè. Có những đoạn đường vỉa hè bị chiếm hết, người đi bộ không còn cách nào khác phải đi xuống lòng đường. Biết là nguy hiểm nhưng họ không có lựa chọn.
Trách nhiệm của địa phương
° Phó Trưởng ban Thường trực Ban An toàn giao thông TPHCM Nguyễn Ngọc Tường: Để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè là do công tác xử lý các hành vi vi phạm chưa kiên quyết. Còn có khả năng do quen biết, người thân nên địa phương làm ngơ, bỏ qua. Việc này, như Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã khẳng định: “Chủ tịch quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND TP. Các quận, huyện phải xử lý trách nhiệm của các chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn đã không hoàn thành trách nhiệm, để tình hình trật tự lòng lề đường, vỉa hè diễn ra phức tạp”.
Ngoài ra, do nhân lực hạn chế nên việc giữ trật tự lòng lề đường, vỉa hè tại một số quận, huyện còn làm như “bắt cóc bỏ dĩa”. Tình trạng buôn bán hàng rong bằng xe đẩy dưới lòng đường, xe gắn máy chạy trên lề đường, vỉa hè, thậm chí ngang nhiên chạy trước mặt lực lượng chức năng, tái diễn người dân đậu xe tràn lan trước các trung tâm thương mại, siêu thị, trường học và trên nhiều tuyến đường khu trung tâm dù có biển báo cấm dừng, cấm đậu, như các đường Alexandre De Rhodes, Mạc Đĩnh Chi, Lý Tự Trọng, Bùi Thị Xuân, Tú Xương, Ngô Thời Nhiệm... Trách nhiệm chính thuộc về cảnh sát giao thông.
° Thạc sĩ Phạm Ngọc Công, chuyên gia hạ tầng: Hiện TPHCM có hàng triệu bà con nghèo từ các tỉnh thành đến kiếm sống bằng nghề bán hàng rong. Nếu không có giải pháp căn cơ thì khó giải quyết triệt để vấn nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi buôn bán. Ở nhiều nước quanh ta, cá nhân có quyền kinh doanh trong nhà của họ nhưng không được lấn chiếm, cơi nới vẻ hè, lối đi chung. Chủ tịch UBND TP Hà Nội nói đúng khi cho rằng, nhiều hàng quán có công an đứng sau. Do đó, nếu không quyết liệt, xử lý tình trạng này thì vấn nạn lấn chiếm vỉa hè không những không giảm mà còn làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật. Việc lập lại trật tự vỉa hè, lòng lề đường phải làm thường xuyên, liên tục, dài hơi; kiên quyết, tập trung và đồng bộ, làm tới nơi tới chốn từ các cấp quản lý. Sự kỳ vọng của người dân vào việc lập lại trật tự vỉa hè vừa qua quá lớn nên họ không muốn lại bị rơi vào vết xe đổ như nhiều chiến dịch, phong trào đã được phát động trước đây.
° Phó Chủ tịch UBND quận 3 Trần Thanh Bình: Giữ trật tự vỉa hè, lòng lề đường phải thực hiện liên tục và thường xuyên. Trong năm nay, quận tập trung lực lượng ra quân triển khai 4 đợt cao điểm để chấn chỉnh tình trạng này. Hiện tại, quận vẫn thường xuyên ra quân kiểm tra quyết liệt, kiên quyết xử lý dẹp bỏ những trường hợp cố tình chiếm dụng, lập lại trật tự trên vỉa hè ở những tuyến đường trọng điểm.
Tuy nhiên, để xử lý triệt để việc lấn chiếm vỉa hè, trả lại mặt bằng cho người đi bộ rất khó, phải thực hiện nhiều giải pháp và lâu dài. Đặc thù ở quận 3 không như các quận khác, vì lực lượng quản lý trật tự đô thị của quận chỉ có 47 người, trong khi đó, quận 1 có đến 600 người. Quận 3 có 52 tuyến đường và 700 con hẻm lớn nhỏ, với lực lượng mỏng như vậy, quận chỉ tập trung xử lý dứt điểm tình trạng lấn chiếm vỉa hè ở 12 tuyến trọng điểm. Cụ thể, đường Điện Biên Phủ, Võ Văn Tần, Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng, Phạm Ngọc Thạch, Lý Thái Tổ, Trường Sa, Hoàng Sa… Đối với 12 tuyến này, quận phân công lực lượng tập trung làm liên tục và xử lý dứt điểm.
Đối với các tuyến đường còn lại, UBND quận giao cho các lực lượng phường thực hiện. Quận đã lên các giải pháp sắp xếp những hộ buôn bán hàng rong, phát triển mảng xanh trên các vỉa hè, các hộ kinh doanh mặt tiền ký cam kết buôn bán không được lấn chiếm lòng lề đường. Hiện quận triển khai rà soát các tuyến đường và các hẻm lớn đủ rộng, không cản trở giao thông và người đi bộ, để sắp xếp cho 1.300 hộ buôn bán hàng rong vào buôn bán.