Thủ tục rườm rà, cán bộ thiếu tu dưỡng
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc cấp sổ đỏ sai quy định cho hàng loạt cán bộ, lãnh đạo ở xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định), ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy huyện Phù Mỹ, thừa nhận, để xảy ra vi phạm, sai phạm như trên, rõ ràng có một phần trách nhiệm trong công tác cán bộ của địa phương. Bởi, nếu cán bộ có đạo đức tốt, có tu dưỡng, hiểu rõ quy định pháp luật, vững kiến thức chuyên môn sẽ không vi phạm, làm trái quy định.
Ông Dũng cũng khẳng định hậu quả của những sai phạm không chỉ dừng lại ở việc cơ quan nhà nước tốn thời gian, kinh phí để khắc phục hậu quả (thu hồi sổ đỏ cấp sai; giải quyết hệ lụy phát sinh…), mặt khác còn gây bức xúc trong nhân dân, mất an ninh trật tự ở địa phương; thiệt hại nữa là cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng bị mất cán bộ.
Theo ông Nguyễn Thế Tân, Phó trưởng Phòng TN-MT huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi), việc cấp sổ đỏ hiện nay chịu sự ràng buộc bởi nhiều quy định, thủ tục; trong đó nhiều quy định, nội dung bị chồng chéo. Đây là yếu tố dễ làm phát sinh vi phạm trong quá trình phối hợp giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ của các cơ quan, đơn vị liên quan. Để ngăn chặn vi phạm, sai phạm trong cấp sổ đỏ, cần thiết tinh gọn thủ tục. Nhất là các biểu mẫu, tờ khai phải ngắn, dễ hiểu để người dân nhìn vào, khai một lần là đúng, đủ; tránh bị sai sót phải khai lại, bổ sung giấy tờ nhiều lần, mất thời gian, công sức. Trong giải quyết hồ sơ, các cơ quan, đơn vị phối hợp giải quyết phải linh hoạt, chủ động, phát huy vai trò giám sát tập thể; chính quyền địa phương phải tổ chức kiểm tra công tác cấp sổ đỏ hàng năm, qua đó kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn vi phạm có thể phát sinh.
Quy hoạch chồng chéo, không phù hợp thực tế
Tình trạng nhiều bản đồ, đồ án quy hoạch sử dụng đất bị chồng chéo, không phù hợp thực tế cũng là nguyên nhân dẫn đến vi phạm, sai phạm trong cấp sổ đỏ. Bà Mông Thị Lịch, cán bộ địa chính xã B’Lá, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) cho hay, công tác quản lý nhà nước về đất đai, đặc biệt là cấp sổ đỏ ở địa phương đang thực hiện theo đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới, lập năm 2011. Tuy nhiên, đồ án này không sát với thực tế, khác đến 30%. Cụ thể, nhiều vị trí trên đồ án được quy hoạch là đất ở, nhưng thực tế nằm giữa rừng phòng hộ, không đường giao thông, xa khu dân cư. Thậm chí, có vị trí hơn chục năm qua là nghĩa địa, nhưng trên đồ án lại quy hoạch đất ở.
“Chính bất cập này đã gây rất nhiều khó khăn trong công tác cấp sổ đỏ của địa phương, nếu không xác minh, kiểm tra kỹ rất dễ cấp sai, cấp nhầm, trái quy định”, bà Lịch chia sẻ.
Ông Phùng Văn Bình, Chủ tịch UBND xã B’Lá, cho biết, để tháo gỡ, năm 2021, xã đã có văn bản gửi UBND huyện Bảo Lâm, kiến nghị điều chỉnh đồ án quy hoạch cho phù hợp với thực tế, tuy nhiên đến nay xã vẫn chưa nhận được phản hồi từ huyện.
Tương tự, ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định) cho biết, công tác cấp sổ đỏ trên địa bàn huyện gặp khó khăn do nhiều bản đồ địa chính không phù hợp với thực tế sử dụng đất hiện nay, như bản đồ 364 khác với thực tế đến 90%. Các bản đồ 298, 672 và WB3 cũng có nhiều điểm chồng chéo. Trước đây, theo hai bản đồ 298 và 672 thì không được cấp sổ đỏ với đất ở ven sông, suối vùng tranh chấp, chồng lấn, nhưng bản đồ WB3 thì lại cho cấp. Hệ lụy là nhiều người dân có đất ven sông, suối liên tục khiếu nại chính quyền về việc không giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ. Trong khi nếu cấp sổ đỏ, người dân xây dựng chuồng trại chăn nuôi, nhà ở sẽ rất nguy hiểm, dễ bị sạt lở, nước lũ cuốn vào mùa mưa. Ngoài ra, với bản đồ 672, trước đây cơ quan đo đạc Trung ương thực hiện trên cơ sở từ dữ liệu thiết bị bay, nhiều khu vực không đúng với thực tế sử dụng, canh tác của người dân. Đã có tình trạng cấp sổ đỏ cho người này, nhưng đất thì của người khác hoặc cấp trùng thửa. Việc 98 sổ đỏ cấp sai thửa, sai tên người sử dụng ở xã Canh Vinh (huyện Vân Canh) vừa được phát hiện cũng xuất phát từ bất cập trên. Hiện UBND huyện Vân Canh đang rà soát, bóc tách, thu hồi và hủy các sổ đỏ cấp không đúng số thửa. Để giải quyết, UBND huyện Vân Canh đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Định cho cập nhật lại các bản đồ cũ. Hiện tỉnh chưa có hướng dẫn cụ thể.
“Việc khắc phục sai sót, bất cập từ các bản đồ quy hoạch rất khó, trong đó kinh phí ước tính hơn 40 tỷ đồng”, ông Cường cho hay.
Liên quan đến vụ việc cấp sổ đỏ sai quy định cho 5 lãnh đạo, cán bộ xã Canh Hòa, ông Phan Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định), cho biết, việc xảy ra trước đây, nay mới phát hiện, hầu hết các cán bộ liên quan đã nghỉ hưu, hết thời hạn xử lý, kỷ luật về mặt chính quyền, nên huyện chỉ kỷ luật về mặt Đảng với các cá nhân sai phạm. UBND huyện Vân Canh đã thu hồi 4 sổ đỏ. Riêng với sổ đỏ cấp sai cho ông Đoàn Văn Mức (cựu Bí thư Đảng ủy, cựu Chủ tịch HĐND xã Canh Hòa) hiện chưa thể thu hồi, do ông này tách sổ, bán cho 3 người và 3 người này đã bán cho 3 người khác. Làm việc với lực lượng chức năng của huyện, ông Mức hứa tự thỏa thuận và mua lại 3 thửa đất đã bán để khắc phục hậu quả. |
Phải thắt chặt quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng
Ở góc độ cơ quan cấp sổ đỏ trực tiếp, ông Đặng Hữu Bình, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) tỉnh Bình Định, cho biết, trong giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ cho người dân, bước quan trọng nhất là thẩm tra, xác minh, làm rõ nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, đất có tranh chấp hay không của cơ sở, cụ thể là UBND xã, phường, thị trấn. Nếu thực hiện đúng, đủ và nhanh ở bước này, các thủ tục sau đó sẽ được giải quyết nhanh, ít phát sinh sai sót. Nhiều ý kiến cho rằng, việc giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ hiện nay chủ yếu do VPĐKĐĐ “bao sân” là không đúng, vì tất cả hồ sơ chúng tôi đều phải chuyển về huyện, thị xã, thành phố và các phòng quy hoạch cùng cấp để xác nhận về quy hoạch sử dụng đất, nguồn gốc và tranh chấp đất. Nếu không có ý kiến, xác nhận của cấp xã, huyện, VPĐKĐĐ sẽ không đủ cơ sở để cấp sổ đỏ.
Ngoài ra, nhiều người dân cho rằng VPĐKĐĐ làm khó khi hồ sơ bị trễ hẹn, chậm trả kết quả là hơi “áp đặt”, không hoàn toàn đúng. Thực tế, có nhiều hồ sơ, trong quá trình giải quyết, chúng tôi gặp bất cập phát sinh. Chẳng hạn, để giải quyết hồ sơ thực hiện đăng ký biến động đối với đất nông nghiệp, trên thửa đất đó phải không có công trình xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, có nhiều hồ sơ, khi xác minh thì ghi nhận có nhà ở. Lúc này, phải chờ chính quyền địa phương xử lý các công trình trên. Nhưng việc xử lý mất nhiều thời gian, dẫn đến việc giải quyết hồ sơ cấp sổ đỏ bị chậm trễ. Để giải quyết tồn tại ở khâu này, không còn cách nào khác chính quyền cơ sở phải thắt chặt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng. Khi phát hiện có công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, phải kiên quyết xử lý nghiêm, không để tồn tại kéo dài, dễ phát sinh thưa kiện, đặc biệt kéo theo hệ lụy như đã nói trên.
Bất cập “đẻ” hệ lụy Một cán bộ Thanh tra tỉnh Lâm Đồng cho biết, lợi dụng bất cập trên, nhiều “đầu nậu” đã tìm mua đất ở những khu vực, vị trí trên đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới thể hiện đất ở và “chạy” dự án, tìm cách hợp thức hóa các điều kiện còn lại, sau đó “xẻ núi”, mở đường, hình thành khu nhà ở tập thể, khu nghỉ dưỡng dưới tán rừng, thậm chí giữa núi rừng. Quá trình sinh sống, người dân lại ngăn suối làm ao, nuôi cá, lấn rừng, kéo theo những nguy cơ có thể phát sinh như sạt lở đất, lũ quét… Về lâu dài, quy hoạch đất đai bị phá vỡ, kéo theo những hệ lụy khác hậu quả sẽ còn lớn hơn. |