Nhà hát đạt chuẩn - từ mơ ước đến hiện thực

Long đong nhà hát không nhà

LTS: Kỳ họp bất thường HĐND TPHCM mới đây đã thông qua tờ trình của UBND TPHCM về việc xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), với tổng mức đầu tư 1.508 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. 

Nơi luyện nhạc và kho nhạc cụ tạm thời của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM tại rạp Thanh Vân (đường Cách Mạng Tháng Tám) Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Nơi luyện nhạc và kho nhạc cụ tạm thời của Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TPHCM tại rạp Thanh Vân (đường Cách Mạng Tháng Tám) Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Vì sao TPHCM cần xây dựng một nhà hát đạt chuẩn, nhà hát mới có quy mô ra sao, và thành phố cần làm gì để thúc đẩy hiệu quả việc đầu tư, cũng như phát huy hết công năng của một nhà hát đạt chuẩn và xứng tầm? Đó là những câu hỏi đặt ra vào thời điểm này.

Văn phòng Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) đóng tại tầng hầm Nhà hát TPHCM; dàn nhạc (và kho nhạc cụ) tập luyện ở rạp Thanh Vân; các nghệ sĩ múa chạy “dời nhà” qua sàn tập thuê ở Trung tâm Văn hóa TPHCM, Trường Múa TPHCM, rồi 81 Trần Quốc Thảo và nay là hội trường lầu 3 Thư viện Khoa học Tổng hợp TPHCM. Muốn tổ chức trình diễn phải lo trước việc đặt thuê Nhà hát TP, nếu không, “sân khấu đắc địa” này kẹt lịch các chương trình khác thì không thể tổ chức dàn dựng, trình diễn như kế hoạch. Đó là thực tế trong 25 năm làm nghề của HBSO, điều mà không phải ai cũng tỏ.
Long đong nhà hát không nhà ảnh 1 Nhà hát TPHCM được xây dựng từ năm 1900, với gần 500 chỗ ngồi, không đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao hiện nay     Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
 Gắng gồng để duy trì biểu diễn
Con số 900 triệu đồng mỗi năm chỉ dành riêng cho việc thuê mướn điểm diễn và điểm tập luyện của HBSO là không hề nhỏ. 25 năm kể từ khi thành lập đến nay, HBSO luôn trong cảnh “nhạc một nơi, múa một nẻo” nhưng vẫn nỗ lực để duy trì biểu diễn. Những năm đầu mới thành lập, nhà hát đầy rẫy khó khăn, nhân sự chỉ có chừng 20 người, thiếu cả hậu đài và các bộ phận chuyên môn về sắp xếp tổ chức, biểu diễn… Lúc đó, Trưởng đoàn giao hưởng - NSND Tạ Bôn và Chỉ huy dàn nhạc - NSƯT Trần Vương Thạch phải thường xuyên đi xếp ghế cho dàn nhạc, xếp giá nhạc, chuẩn bị bản nhạc cho buổi biểu diễn. Bao khó khăn bủa vây không làm chùn bước những người nghệ sĩ thế hệ đầu tiên của nhà hát. Từng bước một, ban giám đốc nhà hát tìm kiếm người giỏi nghề để kêu gọi cộng tác, từ đó xây dựng đội ngũ chuyên môn, giúp nhà hát tập hợp thành một tập thể nhiệt huyết, gầy dựng một nhà hát hội đủ nội lực để hoạt động.  Đến nay, nhà hát có được một lực lượng nhân sự hùng hậu, thường xuyên làm việc, với gần 200 nghệ sĩ, nhạc sĩ, diễn viên là người của nhà hát; các giảng viên, sinh viên giỏi của Nhạc viện TPHCM; giảng viên, học sinh tài năng của Trường Múa TPHCM… Dù vậy, nhân sự luôn là vấn đề nan giải của HBSO (nhà hát làm việc thường xuyên với 200 người, trong đó ký hợp đồng với 140 người, nhưng trong biên chế chỉ có 73 người). Vấn đề trả lương cho nhân sự hợp đồng cũng gặp nhiều khó khăn, nhà hát phải tự thu chi bằng chính doanh thu của mình, phải gồng mình và chắt chiu từng đồng lợi nhuận từ việc bán vé 3 suất diễn định kỳ mỗi tháng tại Nhà hát TPHCM trong suốt những năm qua để chi trả khoản lương nhân sự ngoài biên chế.  Từ một nhà hát chỉ đơn thuần biểu diễn nhạc giao hưởng lèo tèo 2-3 chương trình chào mừng các ngày lễ lớn của thành phố mỗi năm, HBSO đã từng bước thay đổi và phát triển lên chuẩn chuyên nghiệp khi xây dựng được cả 3 đoàn: nhạc kịch, vũ kịch và giao hưởng - hợp xướng. đó cũng là tiêu chuẩn cần phải có của bất cứ nhà hát giao hưởng nào trên thế giới. Việc tổ chức biểu diễn cũng định kỳ hàng tháng, là những buổi biểu diễn có doanh thu. Nhà hát đã lần lượt xây dựng và biểu diễn những kịch mục đa dạng, hấp dẫn như: vũ kịch Kẹp hạt dẻ, Cô bé Lọ Lem; nhạc kịch Con Dơi, Cây sáo thần; các tác phẩm Người giữ cồn, Việt Nam nước non ngàn dặm, Ký ức Đồng Khởi, Còn mãi bản hùng ca…  Đặc biệt, chương trình Giai điệu mùa thu - một thương hiệu của HBSO đã là điểm hẹn của nhiều nghệ sĩ quốc tế và khán giả thành phố yêu thích loại hình nghệ thuật cổ điển: hòa nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc kịch, vũ kịch. Những năm gần đây, chương trình này gây sốt vé, thậm chí nhiều người yêu nhạc phải ngậm ngùi chờ đợi chương trình sau bởi không thể tìm đâu ra vé, do khán phòng Nhà hát TPHCM quy mô nhỏ, chưa tới 500 chỗ ngồi, không thể đáp ứng đủ yêu cầu của khán giả.  Xuống cấp và thiếu chuẩn Tại TPHCM, đến nay lĩnh vực văn hóa gần như giậm chân tại chỗ vì thiếu hụt trầm trọng những thiết chế văn hóa cần thiết giúp lĩnh vực này phát triển. Từ sự có mặt của hàng chục rạp hát, sân khấu, sàn diễn nằm rải đều ở các quận nội thành, đến nay thành phố chỉ còn lại vài sân khấu còn sử dụng được, có thể tạm đáp ứng yêu cầu tổ chức biểu diễn, phục vụ công chúng, như: Nhà hát TPHCM Nhà hát Bến Thành, Nhà hát Hòa Bình. Các rạp hát còn tồn tại khác hầu hết đã xuống cấp, một số rạp bị chuyển đổi công năng, nhiều rạp đã mất dấu tích. Với những thiết chế văn hóa cơ bản quá yếu như thế, làm sao có thể thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật? Không có nơi tập luyện tốt, không có sân khấu cho riêng mình, nhà hát cứ phải gồng mình đảm đương công việc duy trì hoạt động, tổ chức, biểu diễn những loại hình nghệ thuật đặc trưng, đặc thù, trong muôn vàn khó khăn bủa vây.  Nhà hát TPHCM đi vào hoạt động từ năm 1900. Sau nhiều lần cải tạo, nâng cấp, trùng tu, phục chế (chi phí hàng chục tỷ đồng), thì nay nhà hát trở thành điểm cho thuê hội nghị, họp mặt, các chương trình giao lưu văn hóa - nghệ thuật, kỷ niệm các ngày lễ lớn của thành phố với lịch dày đặc, kín cả năm. Việc khai thác tối đa công suất của nhà hát trong mấy mươi năm qua ít nhiều khiến nhà hát cổ này xuống cấp.  Nhà hát Bến Thành của Trung tâm Văn hóa quận 1 cũng là sàn diễn được dân làm nghệ thuật chuộng. Sân khấu này cũng xây dựng từ lâu, ít nhiều cũng cũ kỹ, giá thuê mướn lại cao (60 - 70 triệu đồng/đêm diễn), chưa tính những chi phí phát sinh (buổi chạy chương trình, máy lạnh, nhân sự…). Nhà hát Hòa Bình hiện nay xuống cấp nhiều so hơn giai đoạn mới xây dựng và đưa vào hoạt động. Hiện nay, nhà hát được sử dụng nhiều cho hội nghị, hội họp và một vài chương trình ca nhạc tổ chức quy mô.  Trong khi đó, rạp hát Hưng Đạo - Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, sau khi xây mới hoàn toàn với kinh phí hơn 132 tỷ đồng, lại thi công kém chất lượng với nhiều lỗi thiết kế, không phù hợp với nhu cầu tổ chức biểu diễn cần có của một sàn diễn cải lương chuyên nghiệp. Dự án này gây tai tiếng quá nhiều trong suốt mấy năm qua. Loại hình giao hưởng, nhạc - vũ kịch lại càng không có nhiều sự lựa chọn điểm diễn. NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM, cho biết: “Hiện nay các đoàn nghệ thuật ở TPHCM nói chung đều gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt và biểu diễn bởi hạn chế về địa điểm. Nhà hát TPHCM có chưa tới 500 chỗ ngồi, Nhà hát Hòa Bình xây năm 1985 đã xuống cấp, Nhà hát Bến Thành không đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Thành phố thực sự đang thiếu nhà hát”. Theo ông, hiện nay TPHCM đang xây dựng các bộ môn nghệ thuật quốc tế, tác phẩm nhạc kịch Việt Nam, nên việc hình thành một nhà hát đạt chuẩn sẽ giúp thành phố phát triển những bộ môn nghệ thuật chuyên nghiệp và bước lên tầm cao mới. Với nghệ sĩ làm nghề, niềm mong mỏi có một nơi đứng chân lâu dài, chuyên nghiệp và đạt chuẩn là ước mơ từ lâu nay. Nghệ sĩ múa Hoàng Yến (HBSO) cho rằng: “Tôi cũng như nhiều anh chị em nghệ sĩ đều có chung một quan điểm được đứng trên sân khấu làm nghề là niềm hạnh phúc lớn lao. Những năm qua, đoàn múa đã phải dời tới lui không biết bao nhiêu điểm tập, mà đa số đều tạm bợ, không đáp ứng được nhu cầu tập luyện của diễn viên. Có điểm tập mới vừa ổn định, diễn viên vừa quen sàn, lập tức phải dời đến nơi khác. Sự long đong của đoàn múa nhiều năm qua ít nhiều khiến chúng tôi mệt mỏi, nhưng rồi tình yêu nghề lại giúp chúng tôi nắm chặt tay nhau cùng vượt qua bao khó khăn. Cũng như tất cả nghệ sĩ, diễn viên nhà hát, tôi rất mong có được một nơi làm việc tốt, điểm tập luyện ổn định để có thể cùng mọi người thăng hoa với nghệ thuật, chung tay xây dựng những tác phẩm chất lượng, chuyên nghiệp, ý nghĩa”.  Rõ ràng, với vai trò là đầu mối giao lưu kinh tế, khoa học, văn hóa, TPHCM cần những công trình văn hóa xứng tầm, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Đây phải là công trình mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố. 

Tại Hà Nội và TPHCM hiện có hai nhà hát lớn, những công trình này được xây từ thời Pháp thuộc và kết cấu, kiến trúc, tuổi đời đã hơn 100 năm. Đây là hai nơi thường dùng biểu diễn nghệ thuật hàn lâm nhưng cơ sở vật chất đều thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu biểu diễn, thưởng thức giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch. Một phần vì vậy mà nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ  Việt Nam sáng tác như: bản giao hưởng Quê hương của Hoàng Việt; kịch múa Ngọn lửa Nghệ Tĩnh; vở opera Cô Sao của Đỗ Nhuận… đã không có nhiều cơ hội để đến với khán giả, người xem cũng ít có cơ hội để tiếp cận với các loại hình âm nhạc có hàm lượng nghệ thuật cao như vậy.

Thực tế, nhiều dàn nhạc giao hưởng danh tiếng thế giới được mời về biểu diễn phục vụ cho khán giả Việt Nam, nhưng họ ngần ngại từ chối vì không có không gian biểu diễn phù hợp. Nhiều dàn nhạc danh tiếng thế giới tới biểu diễn nhưng chất lượng nghệ thuật chuyển tải đến với người nghe chưa hoàn hảo cũng bởi nguyên nhân này”.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam
(VĨNH XUÂN ghi)

Tin cùng chuyên mục