LTS: Người dân sinh sống tại hàng chục con hẻm ở các quận 3, 7, Phú Nhuận (TPHCM)... vừa đồng loạt tự nguyện tháo dỡ vật kiến trúc, bàn giao mặt bằng để chính quyền địa phương khởi công mở rộng hẻm. Trước đó, một số địa phương tổ chức thành ngày hội nhân dân hiến đất mở rộng hẻm với không khí vui tươi, phấn khởi. Phong trào nhân dân hiến đất mở rộng đường, hẻm mà TPHCM triển khai suốt 24 năm qua đã biến những con hẻm nhỏ xíu, ngoằn ngoèo và ngập nước trở nên khang trang, sạch sẽ, từ đó cải thiện đời sống của người dân.
Từ khi phong trào hiến đất mở rộng đường, hẻm tại TPHCM được thực hiện, nhiều gia đình chấp nhận xẻ nhà để hiến đất. Có gia đình diện tích nhà chỉ tròm trèm hơn chục mét vuông nhưng cũng sẵn sàng chung sức bằng việc hiến gần 30% diện tích nhà để địa phương mở rộng hẻm.
Đường hẻm thênh thang
“Nhà cô Hồng nay đẹp nhất xóm rồi nha” - “Dạ, con tranh thủ tháo dỡ tường để nhà nước làm hẻm cho sớm. Kỳ này sẵn con vay mượn chơi lớn, sửa luôn tầng trệt”, cô Dương Kim Hồng (ngụ hẻm 404 Nguyễn Đình Chiểu, phường 4, quận 3, TPHCM) phấn khởi đáp lời người hàng xóm. Nhà cô Hồng rộng hơn chục mét vuông, một trệt và một tầng lửng, bao năm nay là nơi che nắng, che mưa của 4 người. Khi chưa hiến đất mở rộng hẻm, con trai cô Hồng kê ghế bố ngủ dưới tầng trệt, còn lại là bếp, nhà vệ sinh và vẫn chừa được một khoảng trống để xe. Giờ để mở rộng hẻm, diện tích nhà mất hơn 3m² , nên con trai cô phải ở tạm công ty để gia đình tính lại.
Gia đình cô Hồng là hộ khó khăn ở phường, cũng là hộ có diện tích nhà nhỏ nhất tại hẻm 404 Nguyễn Đình Chiểu. Thế nhưng khi địa phương thông báo mở rộng hẻm và vận động người dân hiến đất, cô Hồng đồng ý liền. “Nhà nhỏ thì mình ráng thu xếp ăn ở sao cho gọn ghẽ chứ đâu vì nhà nhỏ mà làm ảnh hưởng đến việc chung. Tôi nghĩ vậy nên đồng ý hiến đất theo thiết kế của địa phương. Dĩ nhiên nhà đã nhỏ mà còn mất đi mấy mét vuông đất, tôi tiếc lắm chứ, nhưng đổi lại đường rộng rãi, cả xóm đi lại thuận lợi là vui rồi”, cô Hồng tâm sự.
Cách nhà cô Hồng vài căn, gia đình bà Hoàng Thị Tân cũng đã sửa sang xong, lùi mặt tiền nhà vào trong 0,8m để địa phương mở rộng hẻm 404 Nguyễn Đình Chiểu từ 2,2m lên 4m. Nhà bà Tân một trệt, 3 lầu nên khi cắt phần hiên, ban công thì phải gia cố bằng các thanh sắt lớn suốt từ tầng dưới lên tầng trên. Trong cuộc trò chuyện, chúng tôi thấy từ ánh mắt, lời nói của bà Tân đều toát lên sự phấn khởi bởi từ đây tuyến hẻm sẽ rộng rãi, xe cộ qua lại thuận lợi, nhất là việc cứu thương, chữa cháy khi xảy ra sự cố sẽ không khó khăn như trước đây.
Trước đây, việc vận động người dân hiến đất mở rộng hẻm gặp rất nhiều khó khăn. Một phần vì giá trị đất cao, một phần vì diện tích nhà cửa trong trung tâm thành phố cũng khiêm tốn. Nhưng những năm gần đây, hầu hết người dân đều hiến đất trên tinh thần sẵn sàng và phấn khởi, thậm chí có người dân ở một số địa phương còn chủ động đề xuất, viết đơn đề nghị hiến đất để mở rộng đường, hẻm.
Có thể những vụ cháy thương tâm xảy ra thời gian qua đã trở thành hồi chuông cảnh tỉnh rất lớn cho người dân, nhất là các hộ sống trong hẻm nhỏ. Đồng thời việc hiến đất cũng khiến cuộc sống của người dân tốt hơn, hẻm lớn nên giá trị nhà đất tăng lên, có thêm nhiều cơ hội để làm kinh tế. Cách mà gia đình cô Hồng, bà Tân hiến đất mở rộng hẻm 404 Nguyễn Đình Chiểu (phường 4, quận 3) hay gia đình ông Đặng Đình Chinh hiến đất mở rộng hẻm 76/47 Phan Tây Hồ (phường 7, quận Phú Nhuận) đều thể hiện rõ tinh thần ấy.
Ông Đặng Đình Chinh kể, ngày địa phương đến trao đổi và vận động gia đình hiến đất mở rộng hẻm, ông đồng ý liền, không một phút chần chừ. Theo quy hoạch, gia đình ông chỉ bị ảnh hưởng khoảng 10m² , nhưng như vậy con hẻm chưa thẳng thớm nên ông chủ động hiến thêm 2m² để địa phương “nắn” thẳng con hẻm.
Niềm vui nhân đôi
“Cô tìm tới nhà tôi có khó không, nay đường rộng nên cô đi không bị kẹt xe hen!”, ông Nguyễn Hoàng Oanh, 79 tuổi (ngụ khu phố 14, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) nói khi thấy chúng tôi tới thăm nhà.
Tuyến đường rộng, không còn bị kẹt xe mà ông Hoàng Oanh nhắc đến là đường Kha Vạn Cân thuộc phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức. Ở TPHCM, phần đông người dân đều biết đến đường Kha Vạn Cân - tuyến đường huyết mạch của quận Thủ Đức trước đây. Rồi đường Phạm Văn Đồng mọc lên, đường Kha Vạn Cân trở nên nhỏ xíu, nằm nép mình một bên đường ray xe lửa. Tuy không còn là con đường huyết mạch nhưng đường Kha Vạn Cân vẫn rất đông xe cộ đi lại, thường xuyên xảy ra kẹt xe, tai nạn giao thông. Năm 2023, phường Hiệp Bình Chánh vận động người dân hiến đất mở rộng đường Kha Vạn Cân, chia thành các giai đoạn gắn với địa bàn các khu phố.
Dắt chúng tôi ra tham quan đoạn đường được mở rộng từ 4m lên 8m, có hệ thống thoát nước, được phát quang bụi rậm và đặt lại hệ thống lưới B40 để ngăn cách với đường ray xe lửa, nét mặt ông Nguyễn Hoàng Oanh đầy tự hào. “Tôi sống ở đây từ trước ngày giải phóng, đường sá được đầu tư nhiều, nhưng thành phố phát triển, từ đi bộ, đi xe đạp người ta chuyển thành đi xe máy rồi xe hơi nên con đường này không còn đáp ứng được nhu cầu lưu thông. Tôi cũng trông chờ nhà nước mở rộng đường để người dân đi lại thuận lợi hơn nên khi được vận động, gia đình tôi đồng ý liền, không hề do dự”, ông Oanh chia sẻ. Tổng diện tích đất người dân khu phố 14 hiến là 800m² thì riêng gia đình ông Oanh đã hiến 670m² , trị giá đất hơn 5 tỷ đồng. “Cái được của chúng tôi khi hiến đất là khi đường được mở rộng, không chỉ cuộc sống sinh hoạt của người dân được cải thiện mà việc kinh doanh cũng tốt hơn. Nhờ đó đời sống được nâng cao”, ông Hoàng Oanh nói trong niềm vui.
Lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết, khi đường Kha Vạn Cân được mở rộng khang trang hơn, các hộ kinh doanh cũng sửa sang lại hàng quán, đổi mô hình, mở rộng kinh doanh. Tính ra, hơn 10 hàng quán đã sửa sang lại, 3 quán cà phê được mở mới hoàn toàn, lúc nào cũng đông khách.
Vừa qua, đường Tạ Quang Bửu (đoạn qua phường 4, quận 8, từ đường Chánh Hưng đến rạch Sông Sáng) đã được khánh thành, rộng thênh thang. Nhìn con đường được trải nhựa phẳng phiu, hai bên có hàng cây xanh cùng lối đi cho người đi bộ, nhiều gia đình mở rộng kinh doanh, buôn bán, ông Trần Quang Tuấn (ngụ đường Tạ Quang Bửu) bày tỏ niềm hạnh phúc khi con đường mơ ước của người dân đã hoàn thành, việc đi lại giờ đây vô cùng thuận tiện.
“Các công ty, hộ kinh doanh buôn bán, rồi cả phòng nha khoa kia đều mới thành lập. Buổi tối nơi này còn nhộn nhịp hơn, khi người qua lại đông đúc và hàng quán mở cửa kinh doanh. Trước đây đâu được như thế. Bộ mặt nơi đây thay đổi hoàn toàn từ ngày con đường hoàn thành và tôi tin sắp tới sẽ ngày càng phát triển hơn”, ông Tuấn nói.
Hơn 12m² đất, nếu tính theo giá hiện nay ở khu vực ông Đặng Đình Chinh (ngụ hẻm 76/47 Phan Tây Hồ, phường 7, quận Phú Nhuận) đang sinh sống thì trị giá đến gần 1,5 tỷ đồng, nhưng ông nói nhẹ tênh: “Hy sinh một chút lợi riêng để đời sống người dân cả khu vực được nâng cao, khu dân cư khang trang, sạch đẹp, an toàn là việc nên làm”. Không chỉ hiến đất, ông Chinh còn tham gia vận động người dân xung quanh cùng đồng thuận hiến đất. Rồi khi con hẻm được thi công, ngày ngày ông Chinh ra vào giám sát, nhắc nhở, động viên công nhân, người dân xung quanh ráng chịu khó bất tiện một thời gian để con đường sớm hoàn thành. “Nghe đâu chính quyền dự kiến xin ý kiến để đổi tên con hẻm “nhiều xuyệt”, theo đó không còn “xuyệt” nữa. Nếu vậy thì mấy hộ dân đang dự kiến mở cửa hàng kinh doanh trong hẻm này sẽ thuận lợi hơn rồi”, ông Chinh chia sẻ trong niềm vui.