Rộng hẻm, rộng cửa mưu sinh
Một lần đến gặp đối tác có trụ sở công ty tại hẻm 1168 Trường Sa, phường 13 (quận Phú Nhuận, TPHCM), bà Trần Mỹ Hạnh không khỏi ngạc nhiên khi thấy con hẻm rộng thênh thang, 2 chiếc xe hơi có thể chạy ngang qua nhau. Từng sinh sống trong con hẻm này, ký ức của bà Hạnh là con hẻm nhỏ xíu, là những ngày lội nước bì bõm khi có mưa lớn. Bà còn nhớ về vụ cháy 12 căn nhà trong hẻm sâu làm 4 người chết cách đây nhiều năm do xe chữa cháy không thể vào được. Chứng kiến cảnh ấy, gia đình bà lo sợ nên bán nhà chuyển đến nơi khác rộng rãi hơn.
Theo UBND phường 13, sau khi hẻm 1168 Trường Sa được mở rộng từ 2,5m lên hơn 6m theo hình thức người dân đồng thuận tự nguyện hiến đất nhà nước xây dựng, đến nay cuộc sống nhiều gia đình khấm khá hơn nhờ việc cho thuê nhà làm văn phòng công ty hoặc mở cửa hàng buôn bán nhỏ.
Từ năm 2000 đến nay, toàn TPHCM có gần 168.140 hộ dân tham gia hiến gần 5,4 triệu m2 đất, ước tính tương ứng số tiền hơn 10.050 tỷ đồng, phục vụ cho 5.230 công trình, trong đó 3.874 công trình mở rộng hẻm, 1.237 công trình mở rộng đường và 119 công trình khác. Ngoài diện tích đất được hiến để thực hiện các công trình nêu trên, người dân còn trực tiếp đóng góp kinh phí để thực hiện mở đường, mở hẻm và các công trình phục vụ công cộng với số tiền hơn 458 tỷ đồng. |
Nhắc đến phong trào mở rộng hẻm tại quận Phú Nhuận, nhiều người vẫn nhớ “kỳ tích” tại con hẻm 162 Phan Đăng Lưu (phường 3). Khi chưa được chỉnh trang, hẻm chỉ rộng khoảng 2m. Đoạn hẹp nhất chỉ hơn 1m, lại ngoằn ngoèo. Khi 2 xe máy vô tình chạy ngược chiều là không qua được. Thế nhưng, bằng quyết tâm cao, các ban ngành của quận đề ra giải pháp hoán đổi đất cho người dân sang vị trí khác để giải tỏa trắng 4 căn nhà nhằm “nắn” lại con hẻm.
Phó Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Trần Quang Sang cho biết, sau 20 năm, người dân đã hiến 20.000m2 đất, trị giá khoảng 1.209 tỷ đồng để hoàn thành 102 công trình đưa vào sử dụng. Trong đó, có hộ dân hiến hơn 40m2 đất để quận thực hiện mở rộng đường, hẻm.
Còn tại quận 7, chỉ trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch Covid-19 nhưng quận vẫn vận động nhân dân hiến 2.200m2 đất (ước giá trị trên 74 tỷ đồng) mở rộng thành công 11 tuyến hẻm.
Ý nghĩa nhân văn
Quận 3 cũng là một trong những địa phương có phong trào hiến đất mở rộng hẻm phát triển mạnh mẽ. Là quận trung tâm thành phố, đất đai ở quận 3 đúng nghĩa “tấc đất tấc vàng” nhưng từ những năm 2000 đến nay, người dân đã đồng lòng hiến đất mở rộng hẻm. Theo ông Trần Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND quận 3, phương thức vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm của quận 3 hình thành rõ nét từ năm 2002, khi phường 3 tiến hành chỉnh trang, duy tu, nâng cấp hẻm 212, 242 Nguyễn Thiện Thuật. Đến năm 2004 thì trở thành phong trào được triển khai nhân rộng trên toàn địa bàn quận. Sau 20 năm quận 3 đã có 3.713 hộ tham gia hiến đất mở rộng 95 tuyến hẻm với tổng diện tích hơn 18.000m2, trị giá gần 847 tỷ đồng.
“Phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm tại quận là minh chứng rõ nét cho việc khi có chủ trương đúng, phù hợp với lợi ích người dân sẽ được dân tin, ủng hộ. Người dân được thông tin, công khai để hiểu rõ về việc mở rộng hẻm như quy mô đầu tư, kinh phí thực hiện, giá trị nhà đất, lợi ích kinh tế đem lại sau khi mở rộng hẻm… góp phần tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền”, ông Trần Thanh Bình nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng chia sẻ thêm, thành quả trong công tác vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm tại quận chính nhờ sự nỗ lực cao độ của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và sự ủng hộ, đồng tình của người dân. Đây là kết tinh từ những tấm lòng cao quý của các hộ dân đã tình nguyện hiến những mét vuông nhà, đất của mình để phục vụ cho lợi ích chung. Trong đó, điểm then chốt là cuộc vận động hợp lòng dân, giúp người dân hiểu hơn về ý nghĩa nhân văn mà cuộc vận động mang lại. Đó còn là việc thực hiện tốt chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm” mà kim chỉ nam phải thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở trong công tác dân vận nói chung, phong trào vận động nhân dân hiến đất mở rộng hẻm nói riêng.
Theo Ban Dân vận Thành ủy TPHCM, qua hơn 20 năm thực hiện chương trình, nhiều khu dân cư đã không còn cảnh chật chội, ngập nước. Đường sá, hẻm rộng mở cũng giúp việc kinh doanh buôn bán của người dân được thuận lợi hơn, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Điều này cho thấy phong trào hiến đất mở rộng hẻm đã lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, được người dân đồng thuận bởi phong trào đã phần nào đáp ứng được nhu cầu và mong muốn của người dân. |