1. Dì Tư nhớ ai đây không? Vừa bước vô cửa, chị Quý hỏi một bà má đang ngồi trên võng. Bà ngước lên, nheo mắt, nhìn lom lom khuôn mặt người đàn ông đi theo rồi dang hai tay, la lớn: “Chú Tư, Tư Niên chớ ai. Sao quên được bây!”. Người đàn ông bước vội đến, ôm chặt đôi vai gầy của bà má, nước mắt ông lăn dài.
Má là Mẹ Việt Nam anh hùng Huỳnh Thị Hường ở ấp Thạnh An, xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh (Hậu Giang), có chồng và con trai độc nhất đều là liệt sĩ. Chị Quý nói nhỏ: dì Tư đã 92 tuổi, lúc nhớ lúc quên, nhưng gặp chú Tư Niên dì nhớ cả thứ lẫn tên, thiệt lạ...
Thắp nén nhang cho người đã khuất, chú Tư Niên quay ra ngồi cạnh má. “Thời đó sao bom đạn quá chừng chú Tư!”, Má Hường nói. Câu chuyện ngày xưa lại tuôn chảy.
Nơi má ở nằm ngay tỉnh lỵ Chương Thiện xưa, cửa ngõ vô căn cứ U Minh của ta thời chống Mỹ, lúc nào cũng khốc liệt. Tại đây có căn cứ tiền phương Sư đoàn 21 và Trung đoàn 31 của địch, là nơi khởi phát các chiến dịch Nhổ cỏ U Minh dai dẳng suốt mấy năm liền. Tiếng pháo vọng suốt đêm ngày từ các cứ điểm Vịnh Chèo, chi khu Đức Long… Năm 1972-1973, khói lửa binh đao càng bao phủ khi kẻ địch thực hiện chiến dịch khắp lãnh thổ, lấn chiếm vùng giải phóng. Có người bỏ xứ ra đi nhưng má bảo, đất mình mình ở, mắc mớ chi phải đi. Má vẫn ngoan cường bám đất bám vườn, đồng cam cộng khổ với bộ đội.
“Đơn vị tôi (Đoàn 6 Pháo binh Quân khu 9) luôn có một bộ phận bám trụ tại đây để khống chế Tiểu khu Chương Thiện. Chính gia đình chị Ba (chị ruột chị Tư Hường, má cô Quý) và chị Tư Hường đã dành cho vợ chồng tôi một khu đất trong vườn để cất nhà. Căn nhà rộng không quá 20m² mà công sự đã chiếm gần phân nửa, khoảng trống chỉ đủ lót một cái giường tre, một bàn máy may cũ kỹ, cái bếp nhỏ nấu ăn... Thuở đó, biết bao mái nhà của những người vợ lính theo chồng chinh chiến được dựng lên từ phần đất của dân, bà con góp lá cất nhà, xẻ cây đào hầm, hết lòng chở che san sẻ, đùm bọc bộ đội bữa ăn giấc ngủ… Nhờ sự thương yêu, đùm bọc của gia đình và bà con chòm xóm mà tôi mới có thể an tâm ra chiến trường”, ông Tư nhớ lại.
2. Đêm đến sao tui luôn nghe như tiếng thằng con về chú Tư à? Đong đưa trên võng, má nói mà mắt cứ dõi nhìn tấm hình con. Con trai má tên Nguyễn Văn Ban, người bận áo trắng có gương mặt trẻ măng, đôi mắt sáng trong tấm hình đặt trên bàn thờ. Chồng “đi” rồi lại con “đi”. Anh Ban hy sinh trong chiến dịch Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968 khi mới ngoài 20 tuổi. 52 năm tròn vắng anh là gần trọn 19.000 ngày má trông ngóng anh trở về.
Đầu năm 2019, má được dọn về ngôi nhà tình nghĩa rộng hơn 60m². Chị Quý kể, hôm đó má mừng lắm, móm mém cười và cứ nói hoài “có nhà mới ăn tết rồi, má sống thêm vài năm cho thỏa”. Ngôi nhà mới là món quà ý nghĩa không chỉ là vật chất mà còn là tinh thần trong những năm tháng còn lại không nhiều của người Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Hường.
Chiến tranh, người chịu đựng nỗi đau nhất là những người mẹ. Bàn thờ vẫn vậy nhưng ngày càng như cao thêm bởi mỗi ngày lưng má lại thấp xuống. Có ai có thể gánh thay và tả hết được nỗi đau thăm thẳm xé lòng đó?
3. Hơn 30 năm dặm dài khói lửa trên dải đất hình chữ S này, thiệt tự hào đã có rất nhiều người mẹ, người chị, người vợ như má Huỳnh Thị Hường. Chỉ riêng xã Hỏa Tiến đã có 133 hộ gia đình chính sách, 13 Mẹ Việt Nam anh hùng, má Hường là một trong 2 má còn sống. Họ là những “chinh phụ” mới, lặng thầm chấp nhận hy sinh, mòn mỏi chờ đợi, dồn nén nỗi đau và niềm khao khát đoàn tụ, tận hiến tất cả cho nghĩa lớn, cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc.
Ông Tư Niên kể, thời chống Mỹ, Đoàn 6 Pháo binh “chân đồng vai sắt” của ông có mặt ở khắp chiến trường miền Tây Nam bộ. Từ Đất Mũi Cà Mau đến Xẻo Rô, Xẻo Lá, Xẻo Vẹt, Xẻo Quao, Rạch Bà, Rạch Bần, Thứ Ba, Thứ Bảy (Miệt Thứ), sông Hậu, lộ Vòng Cung (Cần Thơ)… đều đọng lại bao kỷ niệm sâu đậm của lòng dân với người lính Quân khu 9.
“Địa đạo lòng Dân”, “Căn cứ lòng Dân”, “Thế trận lòng Dân” là sự sáng tạo tuyệt vời, là điểm sáng của thế trận chiến tranh nhân dân. “Mình đâu muốn chiến tranh, nhưng khi cần phải biết cầm súng. Và chính những năm tháng khó khăn khốc liệt nhất (giai đoạn sau Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 68, chống bình định lấn chiếm 1972 - 1973, lộ Vòng Cung…) ta lại càng thấu rõ lòng Dân. Mình còn nợ Dân nhiều lắm đó!”, người lính già Tư Niên, 87 tuổi, từng đi qua 2 cuộc chiến tranh vệ quốc (chống Pháp, chống Mỹ), có mặt tại 3 chiến trường (Tây Nam bộ, Lào, Campuchia) khẳng định vậy rồi trầm ngâm hoài…
Sâu trong những mảnh vườn, những cánh rừng tràm, rặng dừa nước là bao tấm lòng đôn hậu, thủy chung, nồng ấm, trọn vẹn ân tình trước sau của người dân Nam bộ. Cũng nhờ họ mới có ngày những người lính đội nón tai bèo vượt ra khỏi những cánh rừng, tiến về thành phố!
“Lật thuyền mới biết bởi đâu/Dân như nước, đất hiểm sâu giúp gì” (Quan Hải - Nguyễn Trãi). Hai câu thơ ắp đầy tâm trạng đó đến nay vẫn còn tươi mới và nguyên giá trị. Xứ này đi đâu cũng chằng chịt kênh rạch, cũng tràn trề sông nước mênh mang tựa lòng Dân vậy.
Hạnh phúc, thanh thản cho những ai trong lòng luôn còn đọng chữ Dân, chú Tư Niên nói vậy.