Theo Bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng, Giám đốc CDC tỉnh Long An, từ kết quả đánh giá nguy cơ bệnh sởi tại 63 tỉnh, thành phố của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Long An là 1 trong 7 tỉnh có nguy cơ bùng phát dịch bệnh sởi rất cao. Vì vậy, chiến dịch tiêm vắc-xin sởi cần được thực hiện khẩn trương càng sớm, càng nhanh càng tốt. Tập trung chủ yếu ở những trẻ chưa được tiêm vắc-xin đủ 2 mũi nhằm tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, giảm tỷ lệ mắc, lây lan và tử vong.
Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng cho biết, sởi là bệnh truyền nhiễm gây thành dịch, lây qua đường hô hấp, một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Những người chưa có miễn dịch với bệnh sởi đều có nguy cơ mắc bệnh. Vì vậy, tiêm vắc-xin là cách phòng ngừa bệnh sởi hiệu quả.
Ngay từ đầu năm, Sở Y tế và CDC tỉnh đã chỉ đạo các trung tâm y tế cấp huyện yêu cầu các trạm y tế tăng cường công tác truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, lập danh sách những trẻ trễ lịch tiêm để mời tiêm. Đây là giải pháp nhằm bảo đảm tiêm bù, tiêm vét cho số trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi.
Hiện các trạm y tế cấp xã trong toàn tỉnh đều nhận đầy đủ số lượng vắc-xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắc-xin phòng bệnh sởi.
Bác sĩ Huỳnh Hữu Dũng đề nghị, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng đúng cách, vệ sinh thân thể, vệ sinh đường mũi, họng, mắt hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc sởi hoặc nghi ngờ mắc sởi.
Các bậc phụ huynh hãy chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế để tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh. Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sởi như sốt, phát ban và kèm theo ho hoặc chảy nước mũi cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời, phòng biến chứng nặng xảy ra.
Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi được triển khai tại 188 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố và các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế trên toàn tỉnh Long An đã được công bố đủ điều kiện tiêm chủng. Loại vắc-xin triển khai trong chiến dịch là vắc-xin phối hợp sởi - rubella do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc-xin, sinh phẩm y tế sản xuất, lọ 10 liều, dạng đông khô kèm dung môi do WHO tài trợ. Long An được cung ứng 47.000 liều vắc-xin để triển khai chiến dịch.
Trong chiến dịch này, dự kiến sẽ có hơn 40.530 người được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi, trong đó, trẻ từ 1-10 tuổi ngoài cộng đồng có hơn là 12.140 trẻ, trẻ từ 1-10 tuổi trong trường học là 25.946 trẻ và 2.441 nhân viên y tế. Toàn tỉnh Long An sẽ tổ chức 737 điểm tiêm tại các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế đủ điều kiện tiêm chủng.
Theo báo cáo, tại tỉnh Long An, tính đến hết tuần 37 năm 2024, toàn tỉnh giám sát 230 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 94 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính, chủ yếu ở trẻ chưa được tiêm vắc-xin phòng bệnh sởi. Đồng thời, phát hiện 4 ổ dịch sởi tại huyện Đức Hòa và Bến Lức.
*Tại Tiền Giang, theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ ngày 31-5 đến ngày 31-8, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang ghi nhận 41 trường hợp bệnh sởi tại 10 địa phương. Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và lập danh sách trẻ trong độ tuổi tiêm chủng chưa được tiêm đủ mũi vắc xin.
Đồng thời, tổ chức tiêm chủng vắc xin sởi - rubella cho trẻ em, đặc biệt là tiêm vét cho trẻ dưới 2 tuổi trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Sở Y tế tỉnh Tiền Giang đề nghị người nhà bệnh nhân, cán bộ y tế và giáo viên các trường học chủ động tiêm phòng sởi nếu chưa được tiêm ngừa.