Ngày 23-8, ông Huỳnh Minh Phúc, Giám đốc Sở Y tế Long An cho biết, trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn có nhiều diễn biến phức tạp, số ca mắc cao, Sở Y tế tỉnh đã có nhiều công văn chỉ đạo phòng, chống sốt xuất huyết: khẩn trương tổ chức giám sát công tác phòng chống dịch, chiến dịch diệt lăng quăng; phun hóa chất dập dịch chủ động tại các xã có nguy cơ bùng phát dịch.
Theo thống kê, Long An là một trong 10 tỉnh, thành phía Nam có số ca mắc tăng cao. Tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn có hơn 7.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng gần 9 lần so với cùng kỳ 2021 và hiện đã có 8 ca tử vong.
Trong đó, huyện Đức Hòa có số ca sốt xuất huyết nhiều nhất tỉnh với gần 3.000 ca, với khoảng 50 ca bệnh mỗi ngày. Riêng Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận hơn 450 ca sốt xuất huyết, số ca nặng cũng tăng cao so với cùng kỳ.
Bác sĩ Lương Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đức Hòa cho biết, trước khi thực hiện chiến dịch, tại ổ dịch xã Đức Hoà Đông bình quân mỗi ngày có trên dưới 20 ca, rồi giảm xuống 6 đến 7 ca. Sau khi thực hiện chiến dịch, chỉ số lăng quăng tại các hộ gia đình có giảm đáng kể, số ca bệnh cũng giảm mỗi ngày chỉ còn 1 đến 2 ca.
Tại Tiền Giang, Đoàn công tác do bác sĩ Nguyễn Thanh Linh, Phó Giám đốc Sở Y tế Tiền Giang cũng vừa đến huyện Cai Lậy để tăng cường kiểm tra, giám sát hỗ trợ huyện công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết.
Theo đó, đoàn công tác cũng đã thực hiện hoạt động giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết: giám sát thực hiện loại trừ các vật chứa phát sinh lăng quăng, chỉ số lăng quăng vật chứa nước sinh hoạt, giám sát xử lý ca bệnh…
Qua đó, bác sĩ Nguyễn Thanh Linh yêu cầu, ngành y tế huyện Cai Lậy cần tiếp tục tăng cường giám sát bệnh các tuyến, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định của Bộ Y tế; khuyến cáo người dân nên tạo mặt bằng và có độ dốc cho cây sầu riêng trước khi xử lý đậy mũ, hạn chế chỗ trũng chứa nước, làm nơi trú ngụ của lăng quăng.
Theo bác sĩ Linh, năm nay, bệnh được dự báo sẽ kéo dài đến hết tháng 9, thậm chí dài hơn. Vì vậy, địa phương phải quyết liệt hơn nữa, có kế hoạch sát với thực tế ở từng khu vực, từng ổ dịch...
Ngành y tế tỉnh Tiền Giang cũng yêu cầu các địa phương trên địa bàn tỉnh phải tăng cường giám sát bệnh các tuyến, xử lý ổ dịch kịp thời, đúng quy định của Bộ Y tế; đẩy mạnh hơn nữa việc phối hợp các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng theo tinh thần “khi ra khỏi nhà, không còn loăng quăng”.