Đầu tư cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu đổi mới giáo dục
Tính đến cuối tháng 6-2022, số trường học đạt chuẩn quốc gia trong tỉnh Long An đạt tỷ lệ 53,98% (318/589 trường). Mục tiêu trong năm 2022 là đảm bảo cơ sở vật chất thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới toàn tỉnh theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT, đồng thời hỗ trợ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng xã nông thôn mới.
Ông Nguyễn Thanh Tiệp, nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Long An (vừa nhận nhiệm vụ Bí thư Huyện ủy Tân Hưng), cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất cho việc thực hiện CTGDPT mới. Đặc biệt, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp cho tất cả học sinh, nhất là những địa phương có khu - cụm công nghiệp, tập trung đông học sinh như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc, TP Tân An, thị xã Kiến Tường. Sở đã xây dựng chương trình Hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường phục vụ đổi mới CTGDPT kết hợp xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021-2025; xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Giai đoạn 2021-2025, Long An sẽ đầu tư các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp, thiết bị dạy học... để triển khai thực hiện CTGDPT mới nhằm giúp học sinh có đủ điều kiện học tập, tham gia các hoạt động trải nghiệm, tập trung phát triển năng lực của người học.
Theo đó, tỉnh xây dựng 944 phòng học gồm: cấp tiểu học 777 phòng, cấp THCS 151 phòng, cấp THPT 16 phòng. Bên cạnh đó, Long An xây dựng bổ sung gần 1.700 phòng chức năng, phòng hành chính phục vụ học tập; mua sắm hơn 25.000 bộ bàn ghế, gần 800 bộ âm thanh di động để sinh hoạt ngoài giờ. Đồng thời, tỉnh đầu tư mua sắm hàng trăm phòng máy vi tính, ti vi, máy chiếu, máy tính xách tay, thiết bị dạy thể dục và các môn lý, hóa, sinh... để phục vụ cho các cấp học.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Tiệp, để huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, từ năm 2011 đến 2021, thực hiện các Nghị quyết của HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành danh mục 96 dự án. Trong đó, lĩnh vực giáo dục dạy nghề có 8/40 dự án đã triển khai gồm: Trường THPT Ischool Long An; Trường mầm non - tiểu học Tổ Ong Vàng; Trường mầm non tư thục Úc Châu (tại huyện Bến Lức); Trường mầm non quốc tế tại phường 3; Trung tâm dạy nghề đường thủy Mê Kông (TP Tân An); Trường mầm non Hoa Hồng (huyện Cần Giuộc); Trường mầm non tư thục xã Long Cang; Trường mầm non tư thục xã Long Trạch (huyện Cần Đước)… Bên cạnh đó, các nhà tài trợ đã đóng góp trên 312 tỷ đồng xây dựng 16 trường học, góp phần giúp các trường đủ điều kiện công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Đối với vùng kinh tế trọng điểm, sở đã triển khai thực hiện Đề án giải quyết vấn đề trường, lớp cho con em công nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh giai đoạn 2017-2020, nhằm hỗ trợ phát triển cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông tại các khu vực có khu - cụm công nghiệp (Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc). Ngân sách tỉnh đã bố trí vốn đầu tư 21 công trình với 214 phòng học (mầm non 44 phòng; tiểu học 146 phòng; THCS 24 phòng); huy động nguồn xã hội hóa đầu tư 7 công trình trường mầm non, xây dựng 75 phòng học...
Linh hoạt vượt qua Covid-19
Ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Long An, cho biết, thời điểm khó khăn do dịch Covid-19 hoành hành, toàn ngành thực hiện dạy học linh hoạt gắn với biện pháp phòng chống dịch bệnh, như linh hoạt về thời gian dạy học, đảm bảo kiến thức, kỹ năng của môn học, cấp học; đa dạng hình thức dạy học như trực tuyến, qua truyền hình, Zalo, Kênh Youtube Giáo dục Long An.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc lựa chọn SGK đúng quy định của Bộ GD-ĐT; thống nhất chủ trương lựa chọn SGK tại các trường học trên toàn tỉnh để đảm bảo thuận tiện, thống nhất và đồng bộ trong triển khai CTGDPT mới. Triển khai thực hiện chương trình “Sóng và máy tính cho em”, các nhà hảo tâm đã trao tặng Long An 9.080 máy tính bảng cho học sinh nghèo, cận nghèo, mồ côi do Covid-19, thể hiện ý nghĩa xã hội to lớn và tính nhân văn sâu sắc.
Cũng theo ông Nguyễn Hồng Phúc, hiện ngành giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, đội ngũ giáo viên còn thiếu, việc tuyển dụng gặp khó khăn. Các địa phương có khu - cụm công nghiệp phát triển, do dân số cơ học tăng nhanh dẫn đến tình trạng cơ sở vật chất trường học chưa đảm bảo. Chất lượng công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh còn hạn chế. Công tác phối hợp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với trường THCS, THPT trong việc tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh chưa thật sự chặt chẽ. Địa bàn vùng sâu, vùng xa ít có nhà máy xí nghiệp, ít nhà tuyển dụng lao động ít, công tác tư vấn ngành nghề học sinh còn hạn chế…