“Cô gái đẹp” với nhiều tiềm năng, lợi thế
Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, nhìn nhận: “Trong thời gian qua, việc phát triển du lịch của tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Như chưa có được những sản phẩm du lịch đặc thù chất lượng cao, mà các sản phẩm du lịch hiện tại phần lớn chỉ dựa vào giá trị sẵn có của các điểm di tích lịch sử văn hóa. Trong khi kết cấu hạ tầng và chất lượng phục vụ chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn vốn đầu tư của ngân sách cho du lịch còn hạn chế; công tác mời gọi đầu tư các di tích lịch sử văn hóa còn gặp khó khăn.
Khi nói đến tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, Long An tuy không có biển, không có núi, không có rừng già nguyên sinh như nhiều địa phương khác để khai thác làm du lịch. Song với vị trí là “cửa ngõ” của các tỉnh miền Tây về TPHCM, kết nối với miền Đông, lại nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên Long An có một vị thế chiến lược rất quan trọng trong giao thương và du lịch. Ai cũng biết, Long An thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười, lại có 2 con sông Vàm Cỏ chạy xuyên qua nên Long An có một hệ sinh thái rất đa dạng, phù hợp cho phát triển du lịch sinh thái, môi trường.
Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Sở VH-TT-DL Long An, cho biết, ngoài Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vùng Đồng Tháp Mười, Long An còn có du lịch thể thao như sân West Lakes Golf và Villas Long An tại xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa, do Công ty CP Đầu tư quốc tế C.S.Q đầu tư với quy mô 18 lỗ. Hiện dự án bước đầu đã đi vào hoạt động; sân golf Hoàn Cầu (xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ) do Công ty CP Đầu tư quốc tế C.S.Q đầu tư với quy mô trên 120ha, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm 2021.
Ngoài ra, Long An cũng là địa phương giàu truyền thống cách mạng, có nhiều di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, danh thắng, khảo cổ như Khu di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (huyện Tân Trụ), Khu di tích lịch sử cách mạng tỉnh Long An (huyện Đức Huệ), Khu lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ (huyện Bến Lức), Khu di tích lịch sử Ngã tư Đức Hòa, căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam bộ (huyện Tân Thạnh), Khu tượng đài Long An trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc (TP Tân An)...
Theo thống kê, toàn tỉnh có 121 di tích lịch sử, 3 công trình văn hóa có tính lịch sử, 21 di tích cấp quốc gia và 100 di tích cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Long An cũng có rất nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng gần xa, như làng trống Bình An ở huyện Tân Trụ, làng nghề dệt chiếu Long Cang, nghề đóng ghe (huyện Cần Đước), các lễ hội lịch sử văn hóa... góp phần hỗ trợ để phát triển du lịch.
Phát triển bền vững, bảo vệ môi trường
Nhiều năm qua, ngành du lịch nói riêng, tỉnh Long An nói chung luôn quan tâm đầu tư để phát triển du lịch, quyết tâm đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từ năm 2017, thực hiện Chương trình số 13-CTr/TU ngày 16-5-2017 của Tỉnh ủy Long An về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị “về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa: “Cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên - nhân văn, chú trọng phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng và giá trị cao, đẩy mạnh kết nối với các ngành, lĩnh vực để hình thành chuỗi giá trị, đảm bảo cho người dân được hưởng lợi từ hoạt động du lịch”.
Định hướng cơ cấu lại ngành du lịch của tỉnh, phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỉnh Long An nằm trong không gian du lịch phía Đông của khu vực này. Với định hướng là khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng như đời sống sông nước, miệt vườn, làng nghề, di tích lịch sử, đặc biệt là du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe từ cây thuốc thiên nhiên. Từ đó các địa phương xây dựng, khai thác các tuyến du lịch khám phá vùng đất ngập nước, rừng sinh thái hay du khảo đồng quê…
Ông Nguyễn Anh Dũng cho rằng, với những tiềm năng, lợi thế như đã nói, thời gian qua, tỉnh rất quan tâm đầu tư, tôn tạo các điểm, khu du lịch và đưa vào khai thác để thu hút du khách. Tuy nhiên, để Long An trở thành điểm hẹn du lịch hấp dẫn trong vùng, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngành du lịch cần được ưu tiên đầu tư về hạ tầng kỹ thuật (như giao thông thủy bộ, điện, nước sạch, nhân lực phục vụ du lịch, cơ sở lưu trú…); đầu tư, xây dựng dự án phát triển du lịch; đẩy nhanh tiến độ dự án du lịch - thương mại; tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch; nâng cao chất lượng dịch vụ song song với bảo vệ môi trường và phát triển du lịch bền vững, tăng cường liên kết vùng nhất là với TPHCM và ĐBSCL tạo sự phát triển đồng bộ.
Khai thác tối đa sản phẩm du lịch
Trong năm 2021, ngành du lịch Long An tiếp tục được sự quan tâm đầu tư của tỉnh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình thực hiện mục tiêu của kế hoạch hành động phát triển du lịch tỉnh Long An chưa đạt so với kế hoạch đề ra. Doanh nghiệp du lịch, công suất phòng nhiều cơ sở lưu trú trên địa bàn giảm mạnh bởi các khu, điểm du lịch trên địa bàn phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động; một số dự án hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động, nhiều lễ hội dừng tổ chức và đón khách du lịch; kế hoạch của doanh nghiệp bị ngưng trệ, ảnh hưởng việc làm của người lao động; nhiều doanh nghiệp du lịch buộc phải cắt giảm nhân sự.
Với hướng đi mới, những năm gần đây, ngành du lịch Long An có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2017, Long An chỉ đón 1 triệu lượt du khách (1.060.000 lượt khách), thì năm 2019, lượng du khách đã tăng hơn 1,8 triệu lượt. Năm 2020, dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, Long An vẫn đón hơn 800.000 lượt du khách, doanh thu ngành du lịch trên 400 tỷ đồng. Năm 2021, khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, du khách trở lại Long An dự kiến cao hơn so cùng kỳ.
Ngành du lịch Long An đưa ra mục tiêu đến năm 2025 đón hơn 3,6 triệu lượt khách trong nước và hơn 130.000 lượt du khách quốc tế, doanh thu khoảng 150 triệu USD.
“Tỉnh quyết tâm đưa du lịch Long An trở thành ngành kinh tế quan trọng, khai thác tối đa sản phẩm du lịch, hình ảnh địa phương, tái cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả. Phấn đấu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo ra nhiều việc làm mới, thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực khác, là điểm đến du lịch vệ tinh hàng đầu của TPHCM”, ông Phạm Tấn Hòa khẳng định.
Long An có tiểu vùng Đồng Tháp Mười diện tích gần 300.000ha. Điểm nổi bật nhất ở đây là Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen thuộc 2 xã Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi (huyện Tân Hưng), diện tích tự nhiên hơn 5.000ha. Với địa thế rừng tràm xen lẫn đồng cỏ, đầm lầy ngập nước theo mùa, Láng Sen được công nhận là khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới. Nơi đây có thảm thực vật đa dạng, rộng lớn với hơn 150 loài thực vật, nhiều loài nguyên sinh như sen, súng, năn, lúa ma (lúa trời)… Theo các chuyên gia, nơi đây có khoảng 150 loài động vật sinh sống như sếu đầu đỏ, giang sen, le le, vịt trời… |
Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (huyện Mộc Hóa) với bạt ngàn rừng tràm xanh biếc. Các loài động vật, thực vật ở đây không thua kém Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen. Chưa hết, Mộc Hóa còn có Khu nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười với hơn 1.000ha rừng tràm nguyên sinh. Môi trường, sinh cảnh tương tự Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập, nhưng đặc biệt ở khu này là nhiều dược liệu quý hiếm được bảo tồn, lưu giữ, gieo trồng. Như cây tràm gió - loại cây có thể chưng cất lấy dầu tràm làm dược liệu quý hiếm, bảo vệ sức khỏe con người. Nơi đây còn bảo tồn hơn 90 loại gen quý hiếm như lạc tiên, ngải cứu, kim tiền thảo, mù u, hà thủ ô. Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười là điểm tham quan, nghiên cứu và nghỉ dưỡng, chữa bệnh, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch sinh thái đặc thù của Long An. |