Theo đó, bệnh nhân tên T. (ngụ TP Tân An, tỉnh Long An) có biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ… nên nhập viện điều trị. Kết quả X-quang phổi ghi nhận tổn thương phế nang 2 phổi nên được chuẩn đoán suy hô hấp, viêm phổi, nhiễm trùng huyết…
Bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện bệnh nhiệt đới TPHCM điều trị, hiện sức khoẻ bệnh nhân T. đã ổn định.
Theo CDC Long An, trước đó, ngày 14-11, CDC tỉnh Long An nhận thông tin từ Khoa Nhiễm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An có trường hợp viêm phổi nặng nghi do vi rút. CDC tỉnh Long An trao đổi với cán bộ Viện Pasteur TPHCM và được chỉ định lấy mẫu chuyển về Viện Pasteur TPHCM để xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh dương tính với vi rút cúm A(H5N1).
Ngay sau đó, CDC Long An phối hợp với các ngành chức năng địa phương trực tiếp xuống địa bàn tiến hành điều tra và phát hiện gia đình bệnh nhân có hàng trăm con gia cầm nuôi bị chết (tự tiêu huỷ) nhưng không khai báo với chính quyền địa phương. Hiện ngành chức năng đã tiến hành xử lý theo quy định.
Sở Y tế tỉnh Long An khuyến cáo người dân nuôi gia cầm nên sử dụng thức ăn có nguồn gốc rõ ràng; tiêm phòng cho đàn gia cầm theo quy định; nếu phát hiện có gia cầm chết cần báo ngay với ngành chức năng địa phương để được trợ giúp và xử lý kịp thời. Trường hợp phát hiện người chăn nuôi hoặc người trong gia đình có biểu hiện lạ về sức khoẻ phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Để chủ động các biện pháp phòng, chống Cúm A (H5N1), ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan theo chức năng và nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện nghiêm túc, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch.
UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Long An, các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh việc giám sát dịch bệnh xuất phát trên các ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh và ngay tại cửa khẩu; giám sát tại các cơ sở y tế và giám sát dựa vào sự kiện tại cộng đồng để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời.
Tăng cường công tác giám sát các trường hợp viêm phổi nặng do virut tại tất cả các cơ sở y tế, đặc biệt chú ý các trường hợp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh. Kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh.
Giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh/ổ dịch cúm và viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng và các cơ sở y tế để triển khai xử lý kịp thời, không để dịch bệnh lây lan diện rộng. Lấy mẫu xét nghiệm để xác nhận tác nhân gây bệnh. Đồng thời, có phương án chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí… để phòng, chống bệnh hiệu quả.
Ông Phạm Tấn Hòa đề nghị Sở NN-PTNT tỉnh Long An phối hợp với bộ phận kiểm dịch biên giới kiểm soát chặt chẽ các loại gia cầm, thủy cầm được nhập khẩu qua biên giới. Tăng cường truyền thông cho các hộ chăn nuôi tình hình cúm gia cầm và trình báo ngay với cơ quan chức năng nếu đàn gia cầm có dấu hiệu bệnh.
Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh phối hợp với các lực lượng chức năng liên quan tăng cường tuần tra giám sát đường biên giới, kể cả các đường mòn lối mở, không để xảy ra tình trạng gia cầm bệnh nhập khẩu, nhập lậu vào Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh vào Việt Nam từ nước bạn.