Vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất
Tháng 5-2021, khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng khắp tỉnh, Long An buộc phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, nhưng áp dụng linh hoạt, chủ động tại địa phương. Hơn 800 doanh nghiệp với gần 50.000 công nhân nhanh chóng tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”.
Nhờ vậy, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát vào cuối tháng 9, các doanh nghiệp chuyển sang trạng thái “bình thường mới” rất nhanh. Nhiều doanh nghiệp tức tốc mở cửa đón công nhân vào, người lao động nhanh chóng đi vào guồng máy sản xuất như khi chưa có dịch… Đây là một lợi thế lớn của Long An so các tỉnh thành khác.
Ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết, trong giai đoạn phòng chống dịch rất căng thẳng, tỉnh vẫn tập trung đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đồng thời đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư bằng nhiều hình thức phù hợp nên Long An luôn duy trì “mạch sản xuất” trong vùng dịch. Nhờ vậy, tỉnh đạt được kết quả ấn tượng trong thu hút vốn FDI. Bên cạnh đó, đời sống của người dân từng bước sớm trở lại trạng thái bình thường, ổn định trong tình hình mới nên ai cũng phấn khởi.
Anh Nguyễn Văn Thành, một chủ cơ sở kinh doanh ở TP Tân An, bộc bạch: “Nhờ tỉnh làm tốt công tác phòng chống dịch, sớm trở lại “vùng xanh” nên người dân rất vui mừng. Đây có thể coi là một kỳ công của Long An”.
Đất lành chim đậu
Long An có một vị thế chiến lược rất quan trọng trong giao thương, phát triển sản xuất - kinh doanh, với vị trí địa lý đắc địa, là “cửa ngõ” của các tỉnh miền Tây Nam bộ với TPHCM, cùng kết nối miền Đông Nam bộ, cùng thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Long An còn có tiềm năng lớn về vận tải đường biển qua cửa Soài Rạp ra Biển Đông, với cảng quốc tế Long An được đầu tư, đã đi vào hoạt động, đủ sức tiếp nhận tàu 50.000 tấn (giai đoạn 2 có thể tiếp nhận tàu đến 70.000 tấn).
Long An cũng có nguồn tài nguyên đất đai dồi dào, môi trường đầu tư thông thoáng… Vì vậy, những năm gần đây, Long An luôn trở thành nơi đến hấp dẫn và hiệu quả đối với các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
Ông Huỳnh Văn Sơn, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Long An, cho biết: Với những nỗ lực thu hút đầu tư theo cách thích hợp trong điều kiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp vẫn “rót vốn” làm ăn vào Long An. Hiện nay, ngoài 13.590 doanh nghiệp trong nước đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh (với tổng vốn hơn 349.430 tỷ đồng), Long An còn có 1.124 dự án FDI (tổng vốn đăng ký hơn 9,334 tỷ USD) - trong đó có 588 dự án đi vào hoạt động, với tổng vốn thực hiện khoảng 3,624 tỷ USD…
Long An sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả trong thu hút đầu tư, chọn lọc các dự án chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. Đồng thời, lựa chọn đối tác, nhà đầu tư, đảm bảo nguyên tắc đầu tư lâu dài tại địa phương. Có chiến lược, định hướng mở rộng thị trường, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm tiêu dùng trong nước, thay thế hàng nhập khẩu.
Ngoài ra, Long An tập trung phát triển công nghiệp với trọng tâm là công nghiệp chế biến, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư vào công nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, máy móc, thiết bị…
Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng phát triển kinh tế
Có thể nói năm 2021 là một năm thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy gặp nhiều khó khăn, thách thức, khi Long An là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An đã đoàn kết, thống nhất, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, hành động linh hoạt, quyết liệt, phù hợp với tình hình thực tế, nhất là tập trung thực hiện “mục tiêu kép” theo chỉ đạo của Chính phủ.
"Cùng với phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, công tác phòng chống dịch Covid-19 phải luôn được đặt lên hàng đầu, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch tái phát. Mỗi cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, nhất là người đứng đầu, phải tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, thể hiện tốt vai trò nêu gương, đổi mới tư duy, với tinh thần “xem người dân là đối tượng phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển”. Tỉnh ủy Long An yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục lãnh đạo chặt chẽ, chủ động, linh hoạt, đồng bộ, toàn diện và hiệu quả việc phát triển kinh tế - xã hội thích ứng với trạng thái “bình thường mới”. Tiếp tục củng cố, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, bù đắp cho giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đưa Long An tiếp tục duy trì ở nhóm “tốt” đến “rất tốt” về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh…" Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Long An Nguyễn Văn Được |
Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út định hướng, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong thời gian tới, tỉnh quyết tâm bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, bình đẳng; giảm tối đa các chi phí trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, tạo điều kiện để giảm chi phí đầu vào, khuyến khích đổi mới công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp; xem phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế. Nhất là nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, xây dựng thương hiệu địa phương.
Đồng thời, thúc đẩy mạnh đầu tư ngoài nhà nước gắn với tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ách tắc trong đầu tư, kinh doanh. Có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Phục hồi các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động bị đứt gãy, tổ chức kết nối và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia.
Long An sẽ cơ cấu lại, phát triển hiệu quả một số ngành quan trọng bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 nhằm phù hợp với tình hình mới. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nội địa và khuyến khích tiêu dùng nội địa. Phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, chợ nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới…