Mấy ngày qua, lũ ở đầu nguồn tràn về sớm, cộng với mưa liên tục nên mực nước nội đồng ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười (tỉnh Long An) lên nhanh; trung bình, mỗi ngày từ 5-10cm. Hiện đã có hàng ngàn hécta lúa hè thu bị thiệt hại, thậm chí có nơi bị mất trắng. Nếu mực nước tiếp tục tăng sẽ có nguy cơ khoảng 30.000ha lúa hè thu ảnh hưởng nặng.
Dân “gồng mình” cắt lúa chạy lũ
Tại xã Vĩnh Đại (huyện Tân Hưng), nước lũ lên nhanh buộc người dân phải thu hoạch lúa non để chạy lũ. Toàn xã có 3.088 ha lúa hè thu, hiện đã thu hoạch được khoảng 1.210 ha, nhưng trong số này có tới 117 ha phải thu hoạch lúa non.
Ông Nguyễn Văn Dụng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Đại cho biết: “Nếu nước tiếp tục lên như những ngày qua thì trong 1.800 ha lúa hè thu còn lại, có thể 1.500 ha nguy cơ bị thiệt hại nặng, thậm chí có nguy cơ mất trắng”.
Còn bà Lê Thị Thanh Thủy, Bí thư Chi bộ ấp Cả Sậy (xã Vĩnh Đại) cho biết, trong gần 100ha đất vùng đệm khu bảo tồn Láng Sen của ấp, đã có gần 10ha bị mất trắng (lúa bị ngập khi còn non), số còn lại phải thu hoạch non nên thiệt hại rất lớn. Điển hình như 7ha lúa của ông Phan Chí Công ở khu vực này, phải 10 ngày tới mới thu hoạch, nhưng do nước lũ “đánh úp”, ngập gần tới cổ bông, nên ông đành phải kêu công cắt sớm. Cái khổ nhất của người dân hiện nay là không có nhân công để kêu cắt lúa, dù giá công cắt lên “ngút trời”. Bình thường, cắt 1 công lúa (1.000m²) giá chỉ 120.000 đồng, nay lên 800.000 đồng mà cũng không có nhân công để kêu.
“Tôi chạy kiếm gần chết mới tìm được 5 công để cắt lúa. Với mấy người này thì mót được bao nhiêu hay bấy nhiêu thôi”- ông Phan Chí Công than thở.
Để cố giữ công sức bỏ ra làm 7ha lúa, ông Công vừa thuê 5 nhân công cắt lúa để thu hoạch 2ha, riêng 5 ha còn lại, ông thuê máy móc đất đấp bờ bao tạm thời xung quanh để ngăn nước lên, không cho ngập lúa. Tuy nhiên, khả năng thua lỗ trên 100 triệu đồng từ 7ha là khó tránh khỏi.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Hồng (xã Vĩnh Đại) cũng kêu lỗ vì 4ha lúa bị ngập, ông thu hoạch vội nên thiệt hại trên 70%. Cái khổ của ông Hồng là thuê đất để làm, nên 4ha này ông có thể bị lỗ trên 100 triệu đồng… Đáng nói ở đây, là phần nhiều người làm lúa bị “dính cựa” liên tục. Như năm trước thì lúa bị bệnh muỗi hành, vụ đông xuân rồi thì lúa bị bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá, nay thì bị lũ chụp, nên đã khổ càng thêm khổ. Nhiều người làm lúa ở đây đều lâm vào hoàn cảnh tương tự như thế.
Dồn sức ngăn lũ, cứu lúa
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Long An, vụ lúa hè thu 2017, toàn tỉnh gieo sạ 223.468 ha (đã thu hoạch 64.407 ha, năng suất ước khoảng 4,5- 5,5 tấn/ha). Diện tích lúa thu đông cũng gieo sạ được 33.344 ha (thu hoạch được 2.248 ha, năng suất khô ước đạt 4,5- 5,5 tấn/ha). Hiện nay, các huyện vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An có gần 30.000 ha lúa bị lũ đe dọa (huyện Vĩnh Hưng gần 8.000 ha, Tân Hưng khoảng 5.000 ha, Mộc Hóa khoảng 5.000 ha, thị xã Kiến Tường khoảng 4.000 ha, Tân Thạnh gần 3.000 ha…).
Để ngăn lũ, cứu lúa, các cấp chính quyền ở đây đã tập trung tăng cường lực lượng, tổ chức các phương tiện cơ giới gia cố các tuyến đê bao, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ngoài ra, các huyện cũng đã chỉ đạo cho các xã vận động người dân tranh thủ thu hoạch phần diện tích có khả năng bị lũ đe dọa, đồng thời đưa lực lượng quân sự, dân quân, đoàn viên, thanh niên… xuống xã thu hoạch lúa giúp dân...
Ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An, cho biết: “Để bảo đảm an toàn diện tích lúa hè thu, trước mắt, tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí cho các địa phương nhằm chủ động gia cố cấp bách các tuyến đê bao để ngăn lũ sớm. Mặt khác, tỉnh cho triển khai thi công tích cực các công trình chống lũ.
“Những công trình nào thuộc tỉnh quản lý thì tỉnh làm, cái nào thuộc huyện quản lý thì huyện làm, cố gắng ngăn lũ để cứu lúa cho dân”- ông Hoàng nói.
Cũng theo ông Hoàng, những diện tích lúa bị ngập do lũ sớm, phần nhiều thuộc những vùng trũng, dân không đồng tình hiến đất để làm đê bao. Sau lần này, tỉnh quyết tâm tuyên truyền, vận động để người dân trong vùng hiến đất thi công, gia cố đê bao bảo vệ an toàn số diện tích lúa còn lại.
Hy vọng với sự nỗ lực của người dân, của các cấp chính quyền ở địa phương, đồng thời nếu mực nước lũ lên chậm, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất số diện tích lúa bị thiệt hại do lũ sớm gây ra…