Nhờ đó, số hộ nghèo trong tỉnh đã giảm từ 4,03% (năm 2016) xuống còn 2,93% (tháng 6-2018). Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người cận nghèo cũng được cải thiện, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị…
Để thực hiện được việc này, tỉnh cho triển khai nhiều dự án đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu, duy tu bảo dưỡng công trình cho 18 xã nghèo biên giới và bãi ngang trong tỉnh. Điển hình như tại Phước Vĩnh Đông, một xã bãi ngang thuộc huyện Cần Giuộc, theo lời của Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Minh Thuận: “Xã Phước Vĩnh Đông thuộc xã bãi ngang nên được thực hiện dự án Chương trình 30a. Xã được hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình cầu đường, đặc biệt xã còn được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế cho các hộ nghèo. Cụ thể, từ năm 2017 đến 2018 xã đã xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng và nuôi gia cầm cho 54 hộ nghèo, cận nghèo (hỗ trợ 10 - 15 triệu đồng/hộ)… Nhờ các chương trình hỗ trợ này, nhiều hộ nghèo của xã đã thoát nghèo bền vững. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 40 triệu đồng/năm”. Như hộ anh Nguyễn Thanh Nghiệm, nhờ chương trình cho vay vốn nuôi tôm thẻ chân trắng đã thoát nghèo và trở thành hộ khá ở địa phương.
Cũng nhờ nguồn vốn của chương trình 135, xã Hưng Điền A, một xã nghèo biên giới của huyện Vĩnh Hưng, thành lập được nhiều mô hình hay trong công tác giảm nghèo. Nhờ có nguồn vốn hỗ trợ, được hướng dẫn cách thức làm ăn, chỉ sau mấy năm, đời sống vật chất của người dân được cải thiện, sung túc hơn. Chương trình còn góp phần xây dựng xã thành xã văn hóa và đang hướng đến xây dựng xã nông thôn mới. Hay tại xã Đức Tân của huyện Tân Trụ, tuy không thuộc xã bãi ngang hay xã biên giới, nhưng nhờ được áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo vay nuôi bò, sau vài năm, nhiều hộ nghèo ở đây đã thoát nghèo, đang vươn lên khá giả...
Hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỉnh Long An đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người cận nghèo được cải thiện, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị. Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, học sinh, sinh viên nghèo, hộ mới thoát nghèo với tổng nguồn vốn dư nợ gần 7.000 tỷ đồng; cấp miễn phí gần 300.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, 240.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, khoảng 110.000 thẻ cho các đối tượng bảo trợ xã hội; xây dựng 942 căn nhà đại đoàn kết…
“Sắp tới, tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát huy kết quả đạt được, thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020...”, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết.