Đất lành chim đậu
Tháng 9 năm 1992, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép cho dự án đầu tư nước ngoài đầu tiên trên địa bàn tỉnh Long An. Tính đến nay, Long An đã 26 năm tiếp nhận đầu tư của nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Một chặng đường thu hút đầu tư nước ngoài chưa dài lắm, nhưng đã ghi nhận Long An là một trong những nơi “đất lành chim đậu”.
Trong 941 dự án FDI này, có 678 dự án nằm trong khu, cụm công nghiệp, với tổng vốn đăng ký 3,9 tỷ USD. Các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn là ngành dệt may, da giày, công nghiệp chế biến thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản, chế biến thực phẩm, đồ uống, công nghiệp chế tạo… Và các dự án FDI này tập trung tại các huyện vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh, giáp ranh với TPHCM, như Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An. Có thể kể những dự án FDI với vốn đăng ký tương đối lớn là Vina Eco Board, Sapporo, Kyodo Sojitz, Songwol Vina, Japfa Comfeed, Anova, Cj Agri, Formosa Taffeta, Puma, Greenfeed, 4 Oranges, Lavie… Với kết quả trên, trong nhiều năm qua, Long An luôn là tỉnh dẫn đầu vùng ĐBSCL và là một trong những địa phương thu hút nhiều nguồn vốn FDI trên cả nước.
Phát huy tiềm năng, lợi thế để thu hút đầu tư
Có được kết quả trên, Long An đã biết phát huy được các tiềm năng, lợi thế của địa phương để kêu gọi, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Long An có vị trí địa lý chiến lược, quỹ đất công nghiệp dồi dào, hạ tầng giao thông đồng bộ, chính sách pháp lý rõ ràng và trên hết là một chính quyền năng động.
Quả thật, nhìn trên bản đồ sẽ thấy rõ nét sức hấp dẫn về vị trí địa lý của Long An: Giáp ranh với TPHCM, Tây Ninh, Đồng Tháp, Tiền Giang, Vương quốc Campuchia; là cửa ngõ nối liền TPHCM, Đông Nam bộ với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Long An lại là một trong 8 tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều này giúp các nhà đầu tư tại Long An dễ dàng tiếp cận những tiện ích về cơ sở hạ tầng kinh tế - kỹ thuật, thị trường của TPHCM - trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước. Đó là chưa kể, từ rất sớm, Long An đã chú trọng quy hoạch xây dựng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Hiện tỉnh đang xúc tiến thủ tục bổ sung thêm 5 KCN mới vào quy hoạch phát triển KCN Việt Nam đến năm 2020, nâng tổng diện tích đất KCN của tỉnh lên 11.964ha. Như vậy, với hơn 15.000ha đất công nghiệp được quy hoạch, bố trí giáp ranh với TPHCM trong bán kính 30-40km, Long An luôn sẵn sàng đáp ứng yêu cầu về mặt bằng, địa điểm, hạ tầng để nhà đầu tư đến triển khai đầu tư sản xuất kinh doanh một cách nhanh chóng, thuận lợi. Ngoài hệ thống giao thông đường bộ huyết mạch đi qua địa bàn, Cảng biển quốc tế Long An (trên cửa sông Soài Rạp) đã từng tiếp nhận tàu 30.000 DWT và tương lai từ 50.000 đến 70.000 DWT, là một trong những cảng biển có quy mô lớn nhất khu vực miền Nam, góp phần giảm tải cụm cảng tại TPHCM và giảm chi phí vận chuyển cho doanh nghiệp khu vực ĐBSCL.
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho rằng: “Những yếu tố trên chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều quan trọng để các nhà đầu tư đến với Long An còn ở sự thông thoáng của môi trường đầu tư, sự nhiệt tình, năng động của địa phương trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp và luôn sát cánh với doanh nghiệp trong những thời điểm mà doanh nghiệp cần. Với phương châm luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, chính quyền tỉnh Long An sẽ tiếp tục làm hết sức mình vì một môi trường đầu tư thông thoáng nhằm đưa tỉnh Long An trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn, một thương hiệu mạnh trong thu hút đầu tư tại Việt Nam”.