Theo đó, trong đêm 22 và ngày 23-9, hàng trăm phương tiện cá nhân của người dân từ TPHCM và các địa phương của tỉnh Long An đổ về các tỉnh ĐBSCL theo tuyến Quốc lộ 62 và N2 (Long An). Tuy nhiên, khi đến Chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở địa phận giáp ranh giữa tỉnh Long An và Đồng Tháp thì không thể thông chốt.
Ghi nhận thực tế, hàng chục người làm công nhân tại Long An, sau khi được chốt huyện Tân Thạnh cho qua, nhưng lại bị kẹt tại chốt ở thị trấn Mỹ An (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Dọc hai bên đường, nhiều xe máy của họ chở lỉnh kỉnh đồ đạc, thức ăn nhanh. Trên các bãi cỏ ven đường, nhiều tấm chiếu, chăn bạt nằm vương vãi…
Chị Trần Thị Hằng (37 tuổi), quê ở ấp Cả Cái, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng (Đồng Tháp), là công nhân một công ty tại huyện Đức Hòa (Long An) đánh liều về quê vì không còn tiền để xoay sở. Chị Hằng nghẹn ngào: “Mặc dù hai vợ chồng đều đã được tiêm 1 mũi vaccine, nhưng dịch bệnh kéo dài, mất việc làm không đủ tiền trả tiền trọ và lo cho 2 đứa con nhỏ, nên đành phải về quê để tránh dịch. Giờ chốt không cho qua, quay lại thì chủ nhà trọ họ không cho vô, chỉ biết ngồi bên lề đường chờ...”.
Đứng vất vưởng bên lề Quốc Lộ N2, nghẹn ngào khóc không thành tiếng, chị Kiều Thị Thuý Hằng (31 tuổi, quê ở Kiên Giang) cho hay, lâu nay chị làm thuê ở TPHCM. Nhưng do dịch bệnh kéo dài nên chị đã bị nghỉ việc hơn 2 tháng rồi. Trước đó hồi đầu tháng 5, khi chồng chị nghỉ việc đã vội vã đưa con nhỏ về quê tránh dịch.
“Dịch bệnh xảy ra làm chồng tôi mất việc làm, gia đình mỗi người một nơi, tôi dọn về ở nhờ nhà người quen cho đỡ tốn tiền thuê trọ. Nhưng nay mất việc lại không còn tiền, ở lại TPHCM lại sợ dịch bệnh, nên tìm cách về quê. Giờ bị chốt chặn ở đây, đi thì không được mà về thì không xong”, chị Hằng than thở.
Ông Lê Thanh Đông, Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh (Long An) cho biết, hai ngày qua, sau khi Long An và một số nơi tại TPHCM nới lỏng giãn cách thì lượng người đổ về quê rất đông. Huyện Tân Thạnh nằm giáp ranh với hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp nên bố trí 3 chốt kiểm soát.
Qua kiểm tra tại các chốt phòng chống dịch Covid-19 ở Quốc lộ 62 và N2, mỗi ngày có khoảng 2.000 phương tiện cá nhân đổ về, trong đó hầu hết là người dân các tỉnh ĐBSCL; có người đã tiêm 1 mũi, có người tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa Covid-19 nhưng họ vẫn muốn về quê. Trước tình hình trên, huyện đã báo cáo tỉnh Long An để có hướng xử lý”.
Trong khi đó, phía tỉnh Đồng Tháp không cho người dân ngoài địa phương thông chốt, bởi nơi đây còn thực hiện giãn cách xã hội. Vì vậy, lượng người ùn ứ trên địa bàn huyện Tân Thạnh khá nhiều...
“Trước mắt, UBND huyện Tân Thạnh sẽ lo ăn uống tạm thời cho lượng người này. Trường hợp người dân về địa bàn huyện Tân Thạnh thì huyện sẽ tiếp nhận và đưa đi cách ly; đồng thời thực hiện xét nghiệm theo quy định. Đối với người lao động từ các tỉnh khác, huyện sẽ tiếp tục đàm phán để thông chốt cho người dân về địa phương. Trường hợp các tỉnh không cho về thì huyện sẽ xin ý kiến của tỉnh đưa họ đi cách ly, rồi tiếp tục bàn phương án khác”, ông Lê Thanh Đông nói.
Theo ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, chủ trương tỉnh là chưa đón người dân từ ngoài tỉnh về tự do, bởi Đồng Tháp vẫn còn đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Tỉnh chỉ tổ chức đón về từng đợt theo kế hoạch cụ thể, như vừa đón những người kẹt ở TPHCM về gần đây. Đối với những người dân đi về tự phát này, tỉnh đang bàn phương án giải quyết…
Theo báo cáo, tỉnh Long An ghi nhận 137 trường hợp là người dân thuộc các tỉnh An Giang (48 người), Kiên Giang (1 người), Sóc Trăng (1 người), Hậu Giang (1 người), Đồng Tháp (86 người) đã tự di chuyển từ các tỉnh, thành phố thuộc vùng Đông Nam bộ qua địa bàn tỉnh Long An để trở về quê, nhưng chưa được sự cho phép di chuyển của các địa phương lân cận tỉnh Long An.