Long An đăng ký tiên phong xây dựng đoạn mở đầu “đường ven biển miền Tây”

Ngày 22-11, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương dẫn đầu, có chuyến khảo sát để phục vụ tổng kết Nghị quyết 21-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá IX tại tỉnh Long An; đồng thời làm việc về vấn đề phát triển kinh tế- xã hội tại tỉnh này.

Đồng chí  Nguyễn Thành Phong  khảo sát tình hình hoạt động của doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Long Hậu

Sau khi đi khảo sát thực tế của một số doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Long Hậu, Cảng Quốc tế Long An và một số tuyến đường huyết mạch của tỉnh Long An...  đoàn công tác có buổi làm việc với tỉnh này.

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy Long An cho rằng, vùng ĐBSCL có các điểm nghẽn trong phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua là hạ tầng, thể chế, cơ chế, công tác đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực và việc tổ chức triển khai liên kết vùng.

Long An đăng ký tiên phong xây dựng đoạn mở đầu “đường ven biển miền Tây” ảnh 2 Đại diện doanh nghiệp trình bày với đoàn công tác về quá trình hoạt động của mình trong trạng thái bình thường mới

Theo đồng chí Nguyễn Văn Được, hiện nay, về cơ bản, tất cả các đô thị trung tâm vùng ĐBSCL đã được kết nối với nhau bằng tuyến Quốc lộ 1. Tuy nhiên, đây chỉ là hệ thống giao thông rất cơ bản, tối thiểu, chưa mang vai trò chiến lược cho phát triển vùng. Ngoài ra, mạng lưới giao thông thủy nội địa được xem là đặc trưng riêng và đảm nhiệm đến 70% lưu lượng hàng hóa vận tải trong vùng, nhưng lại ít được quan tâm đầu tư và chưa phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có.

Long An đăng ký tiên phong xây dựng đoạn mở đầu “đường ven biển miền Tây” ảnh 3 Đồng chí Nguyễn Thành Phong xem bản đồ Cảng Quốc tế Long An
Long An đăng ký tiên phong xây dựng đoạn mở đầu “đường ven biển miền Tây” ảnh 4 Đoàn công tác khảo sát Cảng Quốc tế Long An

Giao thông không thuận lợi làm tăng gánh nặng chi phí logistics, điều này đã làm giảm đi tính cạnh tranh của doanh nghiệp trong khu vực; ngoài ra, hạ tầng giao thông không đồng bộ là một trở ngại, khó khăn cho công tác thu hút đầu tư. Do đó, cần phân cấp cho địa phương huy động nguồn lực để tập trung đầu tư các trục ngang kết nối với hệ thống giao thông quốc gia.

Long An đăng ký tiên phong xây dựng đoạn mở đầu “đường ven biển miền Tây” ảnh 5 Đồng chí Nguyễn Văn Được phát biểu tại buổi làm việc

“Với lợi thế nằm ở cửa ngõ của vùng ĐBSCL tiếp giáp với TPHCM và Đông Nam Bộ, tỉnh Long An đã đăng ký Chính phủ được tiên phong xây dựng đoạn mở đầu “đường ven biển miền Tây” để góp phần cho mục tiêu phát triển hạ tầng vùng ĐBSCL, chúng tôi rất mong nhận được sự đồng thuận, ủng hộ Ban Kinh tế Trung ương, các bộ, ngành và sự ủng hộ, hợp tác của các địa phương trong khu vực”, đồng chí Nguyễn Văn Được đề xuất.

Ngoài ra, Bí thư Tỉnh uỷ Long An còn kiến nghị Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương quan tâm hơn nữa đến công tác giáo dục và đào tạo, có giải pháp căn cơ, bền vững phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu nguồn nhân lực chung cho “cả hệ sinh thái” của vùng ĐBSCL đáp ứng yêu cầu phát triển và vận hội mới. Đồng thời, cần thống nhất quan điểm rằng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng ĐBSCL là vấn đề chung, đòi hỏi sự đồng thuận, quyết tâm cao của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong khu vực…

 
Long An đăng ký tiên phong xây dựng đoạn mở đầu “đường ven biển miền Tây” ảnh 6 Đồng chí Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thành Phong, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao tỉnh Long An có tầm nhìn chiến lược và phát triển liên kết vùng. Đồng thời, đề nghị Long An cần bổ sung thêm những đề xuất về an ninh quốc phòng nhằm đảm bảo an ninh trong khu vực, đặc biệt khu vực biên giới.

Ngoài ra, Long An cần chú ý phát triển logistics, công nghệ năng lượng và công nghiệp thực phẩm. 

“Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận thấu đáo về mục tiêu phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu, đánh giá thế mạnh để có động lực tăng trưởng. Cần xác định mô hình phát triển mới là mô hình kinh tế nông nghiệp hiện đại, đa dạng; thay đổi từ số lượng sang chất lượng và cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Kết cấu hạ tầng, nhân lực, cơ chế và chính sách là nút thắt của địa phương, vì vậy các địa phương cần hợp tác liên kết vùng để gỡ nút thắt đó. TPHCM cùng với Long An, các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh Đông Nam bộ cần liên kết với nhau, đồng bộ xác định phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thị trường, với biến đổi khí hậu”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh. 

Long An đăng ký tiên phong xây dựng đoạn mở đầu “đường ven biển miền Tây” ảnh 7 Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm
Theo báo cáo, qua gần 20 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW và Kết luận số 28-KL/TW, tình hình kinh tế của tỉnh phát triển khá, tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt cao; quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, đứng đầu vùng ĐBSCL; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; thu nhập người dân được cải thiện, đạt mức cao của vùng ĐBSCL.

Tin cùng chuyên mục