Không ai bị bỏ lại phía sau!
Đầu tháng 5-2021, dịch Covid-19 xuất hiện ở Long An sau đó bùng phát nhanh và lan rộng toàn tỉnh. Trước tình hình cấp bách này, Long An buộc phải siết chặt các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, được áp dụng linh hoạt, chủ động tại địa phương. Đồng hành cùng với tỉnh, nhiều DN trên địa bàn cũng nhanh chóng tổ chức sản xuất “3 tại chỗ”... Nhờ thế, khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát vào cuối tháng 9, nhiều DN đã nhanh chóng chuyển trạng thái sản xuất bình thường mới một cách thuận lợi. Nhiều DN nhanh chóng mở cửa đón công nhân trở lại làm việc.
Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết: “Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song các DN đã cố gắng vươn lên, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Các DN đã chủ động trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, có phương án ứng phó phù hợp với tình hình dịch bệnh. Đa số các DN trên địa bàn từng bước thích nghi với tình hình, tiếp tục duy trì hoạt động bằng cách điều chỉnh mô hình kinh doanh, tìm kiếm giải pháp mới trong hoạt động sản xuất. Đến thời điểm hiện nay, cơ bản các DN khắc phục được khó khăn và trong quá trình phục hồi sản xuất, trở lại trạng thái hoạt động bình thường”.
Nỗ lực hỗ trợ kịp thời
Để các DN phục hồi sản xuất, trở lại trạng thái bình thường mới, không thể không ghi nhận sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh đối với DN, HTX, hộ kinh doanh, người dân trong thời điểm dịch bệnh. Ngoài thực hiện các gói chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết của Chính phủ, Long An không ban hành chính sách riêng. Tuy nhiên, xác định công tác an sinh xã hội là trọng yếu, Thường trực Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh đã trực tiếp kêu gọi toàn dân, cộng đồng xã hội chung tay đóng góp để hỗ trợ người dân gặp khó khăn (người nghèo, lao động tự do, người có công, công nhân lao động, người dân trong khu vực bị phong tỏa) như giảm tiền thuê trọ, tiền điện, nước, suất ăn 0 đồng, thực phẩm 0 đồng… với tổng kinh phí trên 190 tỷ đồng (hỗ trợ 492.160 người). Từ nguồn ngân sách, các cấp đã hỗ trợ hơn 290.000 người bị ảnh hưởng do Covid-19, kinh phí 353,5 tỷ đồng. Ngoài ra, theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, tỉnh hỗ trợ 5.508 hộ nghèo (gạo và nhu yếu phẩm); 153.566 công nhân trong và ngoài tỉnh đang thuê trọ ở Long An (gạo và tiền mặt), tổng kinh phí thực hiện gần 24 tỷ đồng.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An cũng vận động từ các nguồn được 88 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn 17.000 phần quà Đại đoàn kết; hỗ trợ 49.720 công nhân lao động tại các khu trọ trên địa bàn... Bên cạnh đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã vận động đoàn viên công đoàn, DN ủng hộ Quỹ phòng chống Covid-19 và Quỹ vaccine tổng số tiền 30 tỷ đồng. Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp công an địa phương và cơ quan liên quan vận động hơn 2.000 chủ nhà miễn, giảm tiền trọ, tiền nước cho đoàn viên, người lao động số tiền 14 tỷ đồng, đã góp phần giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống…
Theo UBND tỉnh Long An, đến nay, tỉnh đã hỗ trợ 700.643 người thuộc 13/13 nhóm đối tượng, tổng kinh phí hơn 1.159 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ trực tiếp cho 373.840 người, số tiền hơn 939 tỷ đồng… Ngoài ra, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất; hỗ trợ lao động tự do…
Theo đánh giá từ đoàn khảo sát Ủy ban Xã hội của Quốc hội do ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội làm trưởng đoàn, làm việc tại Long An về tình hình thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19 vào tháng 5-2022: “Long An thực hiện chính sách hỗ trợ rất tốt. Vì vậy, các chính sách, Nghị quyết của Trung ương được địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, liên tục đề xuất điều chỉnh cho phù hợp tình hình thực tế”. Theo ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh được kiểm soát, DN trở lại hoạt động bình thường, nhiều DN chuyển đổi cơ cấu sản xuất kinh doanh và có nhu cầu đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng cho người lao động. Do đó, tỉnh đề nghị Bộ LĐTB-XH đề xuất Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động để hỗ trợ tốt hơn cho DN trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh”.