Bất an khi ngủ lều, nhà tạm
Vừa trải nghiệm một đêm “nghỉ dưỡng” tại khu lều trại dưới rừng thông tại Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, Nguyễn Thu Anh (du khách TPHCM) đã phải rời đi vì bất an. Thu Anh cùng 4 người bạn từ TPHCM lên Đà Lạt du lịch, vì thấy mô hình cắm trại ngoài trời mới lạ nên cả nhóm quyết định thuê 2 lều tại một cơ sở trên đường Hoa Hoàng Anh, phường 4, TP Đà Lạt với giá 750.000 đồng/người/đêm. Tuy nhiên, đến tối trời đổ mưa lớn, gió giật mạnh khiến cả nhóm thức trắng đêm vì sợ cây đổ vào lều.
Xuôi xuống phía dưới chân đèo Mimosa, “The Camp Inn” cũng là địa điểm thu hút khách lưu trú.
Khu cắm trại “tạm bợ” phục vụ du khách đi ngắm mây tại đồi chè Cầu Đất, TP Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN |
Dù không đáp ứng được đầy đủ yêu cầu hoạt động cho thuê lưu trú, nhưng nơi này vẫn đón khách với giá từ 2,5 – 3 triệu đồng/đêm. Từng trải nghiệm một đêm tại đây, anh Lương Thế Anh (du khách Hà Nội) cho biết: “Với giá gần 3 triệu đồng/đêm dành cho 2 người nhưng đêm đến trời mưa lớn, nước suối dâng cao, chảy xiết khiến chúng tôi bất an, lo lắng”.
Tương tự, tình trạng bát nháo lều trại cũng diễn ra tại đồi chè Cầu Đất, xã Trạm Hành. Để phục vụ nhu cầu ngắm mây của du khách, tại đây có ít nhất ba khu vực cắm trại được mọc lên trái phép, cùng lúc có thể đáp ứng nhu cầu ở lại của hàng trăm người. Dù hoạt động từ lâu nhưng chính quyền địa phương không xử lý. Nguy hiểm hơn, tại những khu vực này, lều trại được dựng tạm bợ bên sườn đồi, đất mượn (đất mang từ nơi khác đổ để tạo mặt bằng – PV), kết cấu khung sắt, sàn gỗ rất mong manh. Các tiêu chí an toàn khó có thể đáp ứng dù chỉ quan sát bằng mắt thường.
Thiếu quyết liệt
Bất cứ chỗ nào được cho là có vị trí đẹp, có “view” hút khách thì ở đó sẽ được chủ đất cho cào đất, dựng trại. Tại khu Lavender Glamping, chủ đầu tư đã cho đào đất, đổ trụ bê tông sau đó lắp đặt khung sắt lên trên, phủ lớp vải chống thấm nước. Khi liên hệ, chúng tôi được nhân viên trực phòng giới thiệu, hình thức “glamping” này cũng giống như lều trại, tuy nhiên sẽ “sang trọng” hơn, tiện nghi hơn nên cũng có giá thành cao hơn với mức từ 1-2 triệu đồng/lều.
Cơ quan chức năng yêu cầu dẹp bỏ một khu cắm trại trái phép tại hồ Tuyền Lâm, TP Đà Lạt |
Tại đây, mỗi căn đều có không gian sinh hoạt riêng nằm tách biệt với những căn khác, bên trong có giường bệt, nệm. Tuy nhiên, nhà vệ sinh thì phải đi ra phía ngoài với tiêu chuẩn 2 lều sẽ có một nhà vệ sinh chung.
Công trình phụ phục vụ hoạt động cắm trại gần mép hồ Tuyền Lâm thuộc Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm. Ảnh: ĐOÀN KIÊN |
Khu vực quanh đồi chè Cầu Đất, xã Trạm Hành (TP Đà Lạt) là một trong những nơi tập trung nhiều lều, bạt đón khách du lịch nhất với gần 100 lều các loại hoạt động trong thời gian dài nhưng việc xử lý dường như đang bị “thả nổi”.
Ông Trương Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Trạm Hành cho biết, trên địa bàn xã có 2 khu vực người dân tổ chức cắm trại, khi nào có khách lưu trú qua đêm thì các cơ sở này sẽ đăng ký sổ tay lưu trú. Bản thân ông Thường cũng thừa nhận, các địa điểm trên hiện không đáp ứng được yêu cầu về đảm bảo an ninh trật tự.
Còn tại xã Xuân Thọ, khi được hỏi về hoạt động cắm trại trên địa bàn, ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ khẳng định trên địa bàn không có cơ sở nào. Thế nhưng, thực tế thì khu vực phía sau UBND xã Xuân Thọ từ lâu đã hình thành 2 khu cắm trại, trong đó có một cơ sở có quy mô lớn bậc nhất tại Đà Lạt với hàng chục lều, trại cho thuê.
Tại phường 4, thống kê sơ bộ có ít nhất 7 khu vực cắm trại tự phát nằm rải rác trong các khu rừng thuộc Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, các cơ sở trên cũng không có chứng nhận an ninh trật tự, đảm bảo phòng cháy chữa cháy. Ông Nguyễn Thành Luân, Chủ tịch UBND phường 4 cho biết: “Ngay sau khi nhận được phản ánh, phường đã tổ chức đoàn đi kiểm tra, yêu cầu các đơn vị di dời lều bạt ra khỏi rừng quanh hồ Tuyền Lâm”.
Tương tự, tại phường 10, cũng có tới 9 địa điểm cắm trại, ngoài việc chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về đón khách, một số cơ sở còn vi phạm trật tự xây dựng đến nay chưa xử lý dứt điểm.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Hiện toàn tỉnh mới chỉ có 3 bãi cắm trại du lịch được cấp xác nhận đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách trên địa bàn TP Bảo Lộc (Bãi cắm trại Đamb'ri), huyện Di Linh (Kala Campark), huyện Lạc Dương (Lang Biang Camp)”.
Rác thải chất đống bởi hoạt động cắm trại tại Khu du lịch Quốc gia hồ Tuyền Lâm. Ảnh: ĐOÀN KIÊN |
Hiện nay, việc kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách đối với bãi cắm trại du lịch được Sở VHTTDL uỷ quyền cho Phòng Văn hoá và Thông tin cấp huyện kiểm tra điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ phục vụ khách đối với bãi cắm trại du lịch.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng cho biết thêm: “Ngay từ đầu mùa mưa, Sở đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra, rà soát không cho phép các công ty lữ hành, khách du lịch tự tổ chức hoạt động, chương trình du lịch tham quan dã ngoại tại các khu vực nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tình trạng lũ quét, sạt lở khi tình hình thời tiết mưa bão có nhiều diễn biến phức tạp. Tuyệt đối không cho các công ty lữ hành tổ chức các chương trình du lịch tự phát cắm trại dã ngoại, sản phẩm du lịch có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của khách du lịch... trong khu vực được giao quản lý khi chưa có văn bản thống nhất của Sở VHTTDL”.