Trên tấm bảng, cô Oanh đã vẽ những triền núi mấp mô bằng phấn xanh, sát dưới chân núi là những lớp sóng cuộn trào hung dữ màu đỏ đục.
Cô kể cho cả lớp nghe câu chuyện ngày xưa vua Hùng kén rể, Sơn Tinh đến sớm, Thủy Tinh đến trễ. Thủy Tinh nổi giận, dâng sóng trút mưa đòi công chúa Mỵ Nương. Thủy Tinh và Sơn Tinh đánh nhau khiến trời rung đất chuyển. Thủy Tinh dâng nước, Sơn Tinh dời núi. Từ đó đến nay vẫn còn dấu tích là những trận lụt ở đồng bằng sông Hồng. Câu chuyện ấy, hầu hết các bạn đều đã nghe mẹ kể, nhưng nghe giọng ấm áp của cô Oanh, lại thêm bức tranh núi non sinh động cô vừa vẽ trên bảng, vẫn khiến cả lớp im phăng phắc lắng nghe.
- Lớp chúng ta sẽ đóng kịch Sơn Tinh - Thủy Tinh để tham gia trong buổi diễn văn nghệ toàn trường dịp cuối năm.
Cô Oanh thông báo khi kết thúc câu chuyện. Cả lũ học sinh háo hức ngước những cặp mắt xoe tròn nhìn cô. Sau khi nhận phân công vai diễn từ cô để buổi chiều tập dượt, đứa nào đứa nấy đều mang một tâm trạng phấn khích. Không phấn khích sao được, khi hầu như đó là những vai diễn đầu tiên của cả lũ học sinh. Và phần nữa, chúng đã thì thầm nói với nhau rằng, nhất định sẽ ẵm giải về để tặng cô.
Chỉ một vai Sơn Tinh, một vai Thủy Tinh, một vai Vua Hùng và một vai công chúa Mỵ Nương, thêm hai ông quan văn, quan võ của Vua Hùng. Nhưng may quá, có đến mười lăm lính Sơn Tinh và mười lăm lính Thủy Tinh. Đủ vai tròn trịa cho ba sáu đứa học sinh trong lớp này.
Có vài đứa buồn tí tẹo khi không được diễn mấy vai chính, phần lớn vẫn là tâm trạng háo hức khi cô Oanh hứa hẹn: “Bởi vì chỉ có vài vai chính nên cơ hội đóng vai chính sẽ còn ở nhiều vở kịch khác nữa, sau này chúng ta sẽ diễn. Cô nghĩ, các bạn không đóng vai chính chẳng có việc gì phải buồn phiền. Trận đánh của Sơn Tinh, Thủy Tinh sẽ là điểm nhấn trong vở kịch. Mà trận đánh có thú vị hay không là nhờ tất cả các bạn chứ không phải chỉ mỗi Sơn Tinh, Thủy Tinh”.
Cả lớp vỗ tay hò reo. Cô Oanh thật tâm lý. Từ khi học cô đến nay, chưa bao giờ Bốp thấy cô nói một điều gì mà không có lý, không hợp ý, hợp dạ lũ học trò. Như đợt lễ khai giảng, vừa vào lớp, Bốp đã được tham gia chương trình văn nghệ cùng các bạn trên trường. Bốp háo hức khoe với mẹ, đội múa hát gồm mười ba bạn, đó là những bạn có khả năng múa hát tốt trong lớp, được cô và các bạn cùng cử ra để đi thi với các lớp khác.
“Vậy những bạn khác không tham gia, các bạn ấy hơi buồn nhỉ?”, mẹ hỏi. “Không mẹ ạ, đợt này, có mười hai bạn tham gia thi kéo co, là những bạn thể lực tốt nhất lớp đấy mẹ. Và có ba bạn thi vẽ, làm báo tường vì các bạn ấy vẽ đẹp nhất lớp. Ba bạn thi viết chữ đẹp. Lại có cả các bạn thi cầu lông, bơi lội, cờ vua nữa…”.
À ra thế! Hóa ra, dưới sự khéo léo và tâm lý của cô giáo, không có bạn nào đứng ngoài cuộc, không có bạn nào không có khả năng ở một lĩnh vực nào đó. Tất cả các bạn trong lớp đều có khả năng để tham gia cuộc vui.
“Niềm vui của lũ trẻ quan trọng hơn thành tích của lớp. Lũ trẻ, đứa nào đứa nấy đều tự hào về mình ra trò. Và dĩ nhiên, trong mắt chúng, cô giáo của chúng rất tuyệt”, mẹ Bốp nghĩ thầm. Bất giác, mẹ mỉm cười, vẻ mặt rạng ngời.
* * *
Buổi tối, trong bữa ăn, Bốp khoe với mẹ về vai diễn chiều nay vừa được phân công.
- Con sẽ đóng vai gì trong Sơn Tinh - Thủy Tinh? - Mẹ hỏi, ngay sau khi nghe Bốp thông báo sẽ là diễn viên, tham gia đóng kịch.
- Dạ, con là lính của Sơn Tinh.
Mẹ Bốp suýt phì cười. Vẻ mặt hoan hỷ nhưng không kém phần nghiêm nghị của cu cậu khiến mẹ hiểu, nếu mình cười, đó sẽ là nụ cười đặt sai chỗ.
- À, vai diễn đó cũng hay nhỉ?
- Vâng, quả thực con thấy rất hay.
- Hay như thế nào hả con?
- Cô giáo con nói, trận đánh của Sơn Tinh, Thủy Tinh có thú vị hay không, không chỉ hai diễn viên chính làm nên được mà còn phải có cả sự tham gia diễn xuất của cả ba mươi diễn viên phụ. Do đó ba mươi diễn viên phụ cũng rất quan trọng mẹ ạ.
- Ba mươi diễn viên phụ?
- Vâng ạ. Mười lăm binh lính của Sơn Tinh và mười lăm binh lính của Thủy Tinh ạ.
- À, thì ra là thế.
- Con nghĩ, con số binh lính của Sơn Tinh, Thủy Tinh thực ra phải nhiều hơn thế nhiều. Có khi hàng trăm, hoặc hàng ngàn người không chừng. Nhưng có lẽ lớp con chỉ có chừng đó bạn, sân trường cũng không rộng nên chắc bấy nhiêu là đủ.
Mẹ gật đầu. Sự háo hức của Bốp lây cả sang mẹ. Lúc bằng tuổi Bốp bây giờ, mẹ cũng có đóng một vai phụ trong vở kịch nào đó mà lâu quá chẳng còn nhớ tên. Nhưng khác với Bốp, mẹ không có được niềm vui với vai phụ ấy. Mẹ sực nhớ ra người bạn đóng vai chính hồi đó đã tỏ ra rất ngạo mạn với những người đóng vai phụ. Nỗi buồn thời thơ ấu của mẹ vẫn chưa bằng nỗi buồn của nhiều bạn rất khao khát nhưng chưa bao giờ được bước chân lên sân khấu. Không như các bạn lớp Bốp, đều có được vai diễn của mình để tham gia đứng trên sân khấu.
Cho tới khi đi ngủ, cu cậu vẫn chưa thôi háo hức với vai diễn. Bốp còn nán lại phòng mẹ trò chuyện thêm:
- Mẹ biết không, bạn đóng Sơn Tinh và bạn đóng Thủy Tinh còn phải năn nỉ từng bạn đóng binh lính là: “Các bạn đừng ốm bệnh hay bận gì hôm đó nghe. Bằng mọi giá phải đến. Nếu không thì phe kia sẽ mạnh hơn”. Đấy, binh lính thực ra rất quan trọng. Hôm đó kiểu gì con cũng phải tham gia vai diễn của mình.
Khi Bốp đã chìm sâu vào giấc ngủ, trên môi cậu vẫn còn sót lại nụ cười rất tươi. Chẳng biết có phải vì đang lạc vào thế giới truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh xa xưa hay không? Nhìn vẻ mặt Bốp, mẹ thấy một điều thật giản đơn mà đẹp đẽ, không phải ai cũng có thể làm được như cô Oanh của Bốp: Gieo cho các cô bé, cậu bé những niềm vui lớn từ những việc làm tưởng như rất nhỏ.
Đúng là không phải tất cả đều có thể đóng vai chính, cũng như không phải tất cả đều có thể làm được việc lớn, nhưng khi có trách nhiệm và có sự tự hào với việc mình làm thì niềm vui sẽ không thua gì nhau. Và các cô bé, cậu bé đều có thể lớn lên từ những niềm vui bé nhỏ như thế.