Lớn lên từ những "Vần điệu thi ca dưới mái trường"

Ngày 11-2, mở màn cho những hoạt động của Ngày thơ Việt Nam năm 2025, Hội Nhà văn TPHCM tổ chức tọa đàm “Vần điệu thi ca dưới mái trường”.

Chương trình có sự tham dự của một số tác giả có tác phẩm góp mặt trong sách giáo khoa (SGK) như: Trần Quốc Toàn, Lệ Bình, Huệ Triệu, Lê Luynh, Khánh Chi và Thục Linh. Các tác giả đã cùng giao lưu, chia sẻ đến các em nhỏ và thầy cô về tác phẩm của mình cũng như ý nghĩa của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng trong đời sống.

Nhà thơ Trần Quốc Toàn là người dành cả cuộc đời để viết văn học thiếu nhi. Ông đã có 9 tác phẩm được dạy trong các bộ SGK từ lớp 1 lên tới lớp 5, trong đó nổi bật là bài thơ Mẹ và cô. Ông cũng là người góp phần lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường khi thường mang sách xuống tặng các trường học. Theo ông, trong sách thì sẽ có thơ, mà thơ thường kể những câu chuyện được nhiều người quan tâm.

IMG_6932.jpg
Tọa đàm "Vần điệu thi ca dưới mái trường" là hoạt động mở màn cho Ngày thơ Việt Nam năm 2025 tại TPHCM

“Văn chương mang đến một sức mạnh vô hình, có thể chắp cánh cho các em trí tưởng tượng dồi dào, bay cao bay xa. Chính vì lẽ đó, tôi luôn tìm mọi cách để mang sách nói chung đến với các em, đặc biệt là thơ. Thơ có thể biến cả một nét văn hóa, tự hào dân tộc vào một bài thơ nhỏ xinh, như là một hộp quẹt có thể bỏ vào trong túi”, nhà thơ Trần Quốc Toàn chia sẻ.

IMG_6917.JPG
Nhà thơ Trần Quốc Toàn cùng thể hiện bài thơ "Mẹ và cô" với một em nhỏ

Nhà thơ Lệ Bình được biết đến với hai bài thơ Tia nắng hạt mưaThành phố mười mùa hoa, ngoài được đưa vào giảng dạy trong nhà trường còn được phổ nhạc. Ông cho rằng, rất nhiều nhà văn trưởng thành từ cái gốc là văn học thiếu nhi. Tâm đắc với quan niệm: “Thơ là tuổi thơ của loài người còn sót lại”, vậy nên, theo nhà thơ Lệ Bình, văn học thiếu nhi là ngành vô cùng quan trọng của bất kỳ quốc gia nào cũng như của bất kỳ nền văn học nước nào.

IMG_6925.JPG
Từ trái qua: nhà thơ Trần Quốc Toàn, nhà thơ Huệ Triệu và nhà thơ Lệ Bình

Đề cập đến những bài thơ được đưa vào giảng dạy trong nhà trường, nhà thơ Lệ Bình cho rằng, cần phải có sự chọn lọc kỹ lưỡng, không chỉ hay về mặt nội dung mà còn phải đạt yêu cầu về thẩm mỹ. Nếu đưa vào nhà trường những tác phẩm còn gợn, gây tranh cãi sẽ rất ảnh hưởng đến thế hệ mai sau bởi văn học thiếu nhi bồi dưỡng tâm hồn cho lớp trẻ và cũng bồi dưỡng cho nhiều thế hệ.

“Nhân đây tôi muốn nhắn nhủ đến các em, ngay từ lúc còn nhỏ, hãy cố gắng giữ trong mình tình yêu với văn chương, để làm sao tình yêu ấy trở thành đốm lửa soi đường cho hành trình lớn lên và trưởng thành của mình”, nhà thơ Lệ Bình bày tỏ.

IMG_6935.JPG
Hai em Lê Khả Nhi (trái) và Bảo Anh đọc những bài thơ do mình sáng tác

Thuộc thế hệ 8X, nhà thơ Thục Linh là tác giả của bài thơ Thuyền trưởng và bầy ong được in trong SGK Tiếng Việt 4 tập 1, bộ Chân trời sáng tạo. Là một nhà thơ, nhà báo, đồng thời có con đang ở tuổi học sinh cấp 2, có lẽ vì vậy mà anh có cách tiếp cận các em nhỏ khác biệt: vui vẻ và “hợp trend” khiến các em nhỏ hứng thú.

IMG_6939.jpg
Từ trái qua: nhà thơ Thục Linh, nhà thơ Khánh Chi và nhà thơ Lê Luynh (ngoài cùng bên phải)

Nhà thơ Thục Linh cho rằng, việc viết hay đọc với mỗi người cũng giống như việc các em chơi game bây giờ. Làm sao để các em thích thú với chữ nghĩa, sách vở giống như khi các em đang điều khiển một nhân vật game, vượt qua các thử thách.

“Đọc sách cho phép mình tưởng tượng, hóa thân vào thế giới của các nhân vật. Khi hình dung ra việc đọc sách thú vị như vậy thì mình sẽ không còn cảm thấy chán. Từ sự hứng thú với chữ, mình có thể đi xa hơn, nghe được nhịp điệu, biết về vần của một bài thơ nào đó. Khi đó, việc đọc sách sẽ mang đến cho mình nhiều cái lợi. Tối thiểu, nếu mình có được các kỹ năng đó, mình viết thư cho "crush" cũng dễ dàng hơn”, nhà thơ Thục Linh hài hước chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục