Lời xin lỗi

Chuyện kể tại cửa lớp một trường mầm non trên địa bàn TPHCM. Buổi sáng khi cô giáo đang đón các bé vào học, có một phụ huynh hùng hổ dắt con đến trước mặt cô giáo mắng xối xả. Người này dùng rất nhiều từ ngữ khó nghe để buộc tội cô như “vô trách nhiệm”, “không có lương tâm”.

Chuyện kể tại cửa lớp một trường mầm non trên địa bàn TPHCM. Buổi sáng khi cô giáo đang đón các bé vào học, có một phụ huynh hùng hổ dắt con đến trước mặt cô giáo mắng xối xả. Người này dùng rất nhiều từ ngữ khó nghe để buộc tội cô như “vô trách nhiệm”, “không có lương tâm”.

Hỏi ra mới biết chiều hôm qua, sau khi đón con từ trường học trở về, gia đình phát hiện trên người bé có một vết bầm lớn, cánh tay phải trầy xước vết cấu từ móng tay người khác. Song thay vì bình tĩnh lắng nghe cô giáo giải thích nguyên nhân, vị phụ huynh nói trên lại thể hiện thái độ tức giận và cho rằng cô giáo đã bạo hành con mình. Đợi cho phụ huynh “xả” xong cơn giận, cô giáo không nói gì thêm mà chỉ lặng lẽ đi vào trong lớp, một lát sau cô trở ra cùng một bạn học sinh trên tay có nhiều vết cắn, trong đó có một vết sâu đến chảy máu, gia đình bé phải dùng băng dán cá nhân che lại. 

- Con kể cho mẹ T.A nghe hôm qua vì sao con và T.A xô xát với nhau và xin lỗi bác ấy đi.

- Dạ thưa bác, hôm qua con đang ngồi chơi xe hơi thì T.A lại giành đồ chơi của con. Con không cho nên giật lại thì bị bạn cắn vào tay. Con đau quá nên cấu vào tay bạn để đẩy bạn ra xa. Con xin lỗi bác.

Lúc này, cô giáo mới nhẹ nhàng giải thích: “Để cho hai bé xô xát với nhau, em cũng có một phần trách nhiệm. Chị cho em xin lỗi. Nhưng trong chuyện này, T.A đã vi phạm nội quy của lớp là giành đồ chơi với bạn học, lại còn có hành vi cắn bạn nên em đã yêu cầu bé xin lỗi bạn. Rất may là gia đình cậu bé bị cắn cũng không có ý kiến gì thêm”.

Cuộc trò chuyện sau đó giữa phụ huynh và giáo viên đã trở nên thoải mái và thông cảm với nhau hơn. Vị phụ huynh nói lời xin lỗi giáo viên cũng như nhận ra những thiếu sót của mình trong vấn đề giáo dục con cái. Có được kết quả này là nhờ sự bình tĩnh, khôn khéo cũng như bản lĩnh xử lý tình huống của giáo viên, vừa tránh cho học sinh chứng kiến những hình ảnh xấu, vừa giúp khoảng cách giữa giáo viên và phụ huynh trở nên gần gũi hơn.

Tuy nhiên, qua câu chuyện này, người viết cũng muốn nêu lên thực tế là hiện nay có rất nhiều phụ huynh có suy nghĩ “bỏ tiền ra đóng học phí là nhà trường phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc giáo dục con em mình”. Nhưng trên thực tế, trách nhiệm giáo dục các em chỉ có thể hoàn thành khi có sự phối hợp tốt giữa giáo viên và phụ huynh. Không thể bỏ mặc hay phó thác toàn bộ trách nhiệm cho các thầy cô giáo khi chính những người thân trong gia đình các em chưa làm tốt vai trò giáo dục và làm gương. Nói cách khác, quá trình lớn lên và sự trưởng thành của một đứa trẻ phụ thuộc rất nhiều vào những gì mà người lớn xung quanh muốn vun vén, dành thời gian bồi dưỡng, đầu tư cho các em.

THANH THU

Tin cùng chuyên mục