Tái sinh ngôi làng sau thảm họa
Hôm chúng tôi đến, những người lính Binh đoàn 12 đang thi công những công đoạn cuối của con đường bê tông nối các ngôi nhà ở bản mới. Trong khuôn viên mỗi ngôi nhà, đã được các hộ dân bốc thăm nhận nhà, có những luống rau, những khóm hoa bắt đầu được trồng. Niềm đau chưa nguôi nhưng nụ cười hé nở trên gương mặt người dân Làng Nủ.
Khu tái định cư với 40 ngôi nhà sàn được xây đúng với lối kiến trúc người Thái, nhưng đẹp và tiện nghi hơn, mỗi ngôi nhà như một biệt thự quây quần và gần gụi. Nhìn khu làng với mỗi ngôi nhà như muốn choàng vai ngôi nhà bên cạnh, để nén lại niềm đau và hướng về ngày sau tươi mới... Khởi công từ hôm 21-9, và chỉ sau tròn 90 ngày, khu tái định cư được khánh thành đúng vào dịp lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22-12.
Câu chuyện của Làng Nủ hôm nay là một cam kết thủy chung xuyên suốt của anh Bộ đội Cụ Hồ: “Vì nhân dân quên mình”. Đứng giữa không gian mới của thôn Làng Nủ hôm nay, bỗng nhiên trong tôi vang vọng cũng bài hát ấy Vì nhân dân quên mình khi ghé thăm Đồn biên phòng Hướng Lập (tên cũ: Đồn biên phòng Cù Bai) ở miền Tây Quảng Trị mấy tháng trước!
“Giàng” giúp dân là anh bộ đội
Không nhớ trong đời làm báo của mình, tôi đã đi qua bao nhiêu đồn biên phòng, nhưng chưa ở đâu câu chuyện “Vì nhân dân quên mình” lại xuyên suốt một dòng chảy 70 năm như ở đồn Hướng Lập này. Ở vùng đất heo hút trên biên giới Việt - Lào có một huyền thoại được kể mãi. đó là người được phong tặng danh hiệu Anh hùng của lực lượng Công an vũ trang (sau này là Bộ đội biên phòng) từ năm 1973: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đào Xuân Hướng (Đào Xuân Phương), nguyên đồn trưởng nơi này.
Khi người lính Công an vũ trang Đào Xuân Hướng lên đây là thập niên 50 của thế kỷ trước. Và 70 năm trôi qua, dường như dọc theo biên ải miền Tây Quảng Trị, câu chuyện về lòng dân hai bên biên giới vẫn chảy miệt mài như một mạch nguồn hữu nghị chưa bao giờ vơi cạn. Hơn 70 năm trước, những người lính của Đồn biên phòng Cù Bai đã thực sự là cánh cửa thép chốt chặn ở vùng này - một tiền đồn của miền Bắc, bởi phía bên kia vĩ tuyến 17 là miền Nam đang thuộc về chế độ Sài Gòn. Cùng với đó là những bản làng của bạn Lào bên kia biên giới, giáp ranh với tuyến biên thuộc đồn quản lý vẫn còn chìm trong cái nghèo, lạc hậu. Mà họ, những người dân bạn Lào nơi đó, chỉ biết trông cậy vào những người lính của đồn Cù Bai. Giữa những gian nan ấy, cán bộ Hướng của đồn thật sự là ngọn đèn giữa heo hút rừng xanh. Chuyện động viên, hướng dẫn bà con Vân Kiều vùng Hướng Lập trồng lúa nước của cán bộ Hướng nay đã thành một truyền kỳ trong biên niên sử của vùng đất này. Nhưng hơn nửa thế kỷ trước, điều đó còn hơn cả một cuộc cách mạng.
Từ ngàn đời, người dân nơi đây coi cây lúa là cây thiêng của Giàng, không thể đưa lúa ngâm dưới nước, càng không thể bón phân chuồng cho lúa vì sợ làm ô uế cây thiêng. Cán bộ Hướng đã cùng anh em của đồn tìm nơi có nguồn nước để quây thành từng mảnh ruộng nhỏ, rồi ngâm ủ mạ, cấy thành ruộng. Ngày thu hoạch, cán bộ mời bà con đến chứng kiến, rồi làm lễ cúng cơm mới theo phong tục. Không gì thuyết phục bà con hơn là thấy tận mắt, sờ tận tay... Từ những mảnh ruộng nước đó, bây giờ cả vùng biên này có tới hàng trăm hécta lúa nước. Cán bộ Hướng thành “cha đẻ cây lúa nước” trong huyền thoại dân bản.
Không chỉ bày cho dân bản địa về cây trồng, vật nuôi, khi đơn vị được lệnh giúp đỡ cách mạng Lào, hỗ trợ nhân dân Lào các khu vực giáp biên, cán bộ chiến sĩ đồn Cù Bai đã tận tụy lo cho bạn không khác gì lo cho dân mình. Sau chiến dịch Đường 9 Nam Lào vô cùng ác liệt, hàng trăm hộ dân nước bạn bỏ bản chạy vào ẩn nấp trong các hang đá. Anh em cán bộ chiến sĩ đồn đã nhận nhiệm vụ vận động giúp dân bạn rời hang, tiếp tục canh tác, sản xuất. Anh em vẫn kể về vụ ngô được mùa chưa từng thấy ở huyện Sê Pôn năm 1971 nhờ vào nguồn ngô giống của anh em công an vũ trang Cù Bai cung cấp. Không những thế, thời điểm ấy, nhiều người dân đau ốm do thiếu thuốc men chữa trị, sự sống chỉ tính từng ngày, anh em đồn, nhất là cán bộ Hướng, đã tìm thuốc nam theo kinh nghiệm dân gian, cứu sống được nhiều người dân Lào...
Những ân tình ấy thật sự thuyết phục và mang lại niềm tin cho dân. Năm 1973, khi Đào Xuân Hướng được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, người dân cả hai bên biên giới đều tổ chức ăn mừng và bảo anh là Anh hùng của nhân dân Việt - Lào. Tình quân dân keo sơn gắn bó ở dọc dặm dài biên giới này luôn được cụ thể hóa bằng từng câu chuyện, từng sự việc, chứ không phải là câu chuyện chung chung.
Bài hát vang lên như lời thề giữa Trường Sa
Những ai đã ra Trường Sa nhiều lần sẽ nhớ ra rằng bài hát khi chia tay các chàng trai lính đảo và đoàn công tác luôn là ca khúc Vì nhân dân quên mình (nhạc sĩ Doãn Quang Khải - một sĩ quan của Trung đoàn Tây Tiến bất hủ trong thơ Quang Dũng).
Gần 20 năm trước, chúng tôi tạm biệt đảo chìm vào cuối chiều, chiếc xuồng chở anh em phóng viên và các cô văn công rời đảo cuối cùng. Những chiến sĩ quyến luyến đứng ở bến thuyền đưa tay vẫy, và đột nhiên một chiến sĩ cất cao tiếng hát: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình...”. Cả mấy chục người lính hòa giọng hát vang. Đó không chỉ là bài ca của người lính, khi chủ quyền biển đảo thiêng liêng của chúng ta vẫn đang bị nước ngoài rình rập, mà còn như một tuyên thệ của người lính trước Tổ quốc. Chưa có cuộc chia tay nào khiến chúng tôi xúc động bất ngờ đến thế!
Những người lính cứ cười tươi và hát vang ran lồng ngực, át cả sóng gió biển khơi, nhưng chúng tôi ai cũng nước mắt ràn rụa! Còn có thời khắc nào để có thể nghe bài hát ấy xao động lòng người được như thế? Thấm thía dữ dội như thế? Câu hát mang lời thề quyết tử của người lính Vệ quốc thuở mũ nan áo trấn thủ giữa rừng xanh, đi suốt cuộc trường chinh cho đến ngày toàn thắng và đến hôm nay, câu hát như lời thề bất tử ấy vẫn hiên ngang vang lên trên Thái Bình Dương sóng gió.
Sau chuyến đi ấy, chúng tôi may mắn thêm nhiều lần ra Trường Sa nữa, mà cứ mỗi lần chiếc thuyền CQ nổ máy đưa chúng tôi về lại con tàu lớn buông neo ngoài kia thì tiếng hát của những người lính trên đảo dường như không tắt, cứ dập dờn âm vọng mãi trên nhấp nhô sóng biển!
* * *
Và trưa nay, giữa Làng Nủ, khi những đau thương chưa kịp nguôi ngoai, nhưng nhìn những đóa hoa, những luống rau đã lên xanh bên những ngôi nhà mới, nhìn những bóng áo lính khẩn trương vội vã để hoàn tất những công đoạn cuối, kịp cho lễ khánh thành vào đúng 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam này, bất giác tôi lại nghe vang lên tuyên thệ của anh Bộ đội Cụ Hồ trong bài ca bất tử: “Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh, anh em ơi vì nhân dân quên mình…”.