Thực hiện chỉ đạo đó, Bộ Tài chính đã có nhiều cải cách các thủ tục liên quan đến thuế, hải quan, đặc biệt trong thủ tục xuất nhập khẩu…
Tinh giản, bỏ kiểm tra chuyên ngành
Mục tiêu của Bộ Tài chính hướng tới là cải cách thủ tục hành chính toàn diện, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do vậy, ngay từ khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tài chính đã chú ý chi tiết “cần thiết, hợp lý, hợp pháp và tính toán chi phí tuân thủ”. Đối với thủ tục hiện hành, Bộ Tài chính phối hợp thống kê, tập hợp, rà soát, đánh giá 38 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực quản lý nhằm đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ những quy định không cần thiết, không hợp lý. Đồng thời, qua đó cũng rà soát, chuẩn hóa gần 1.000 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý, loại bỏ dữ liệu dư thừa, trùng lặp và công khai trên mạng.
Việc kiểm tra chuyên ngành là vấn đề phát sinh nhiều vướng mắc cho doanh nghiệp nhất, do vậy Bộ Tài chính đã chủ trì phối hợp với các bộ, ngành cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu, rút ngắn thời gian thông quan. Đến nay có 13 bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 80/87 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành (chiếm 92%). Thực hiện cắt giảm mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan hoặc chuyển thời điểm kiểm tra từ giai đoạn trước thông quan sang sau thông quan. Một số quy định không còn phù hợp cũng đã được bãi bỏ.
Phát huy những kết quả đạt được, Bộ Tài chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đặc biệt trong lĩnh vực thuế, hải quan nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo các nghị quyết của Chính phủ. Theo đó, sẽ nghiên cứu xây dựng các dự án luật sửa đổi, sửa đổi nghị định quy định về hóa đơn bán hàng, cung ứng dịch vụ (trong đó quy định việc chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang hóa đơn điện tử) để đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu thời gian, chi phí tuân thủ và tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Qua đó cũng nhằm kiện toàn đội ngũ cán bộ theo hướng tinh gọn, liêm chính, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả.
Giảm một nửa điều kiện kinh doanh
Điểm dễ phát sinh tiêu cực nhất chính là điều kiện kinh doanh - loại dễ phát sinh “giấy phép con”. Do vậy, những tháng đầu năm nay, Bộ Tài chính đã tập trung cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh. Cụ thể, đã xem xét lại các điều kiện đầu tư, kinh doanh của 21 ngành nghề thuộc phạm vi quản lý của bộ. Với tổng số điều kiện kinh doanh ban đầu là 370 điều kiện, đến nay đã đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa 190 điều kiện kinh doanh (cắt giảm 92 điều kiện, đơn giản 98 điều kiện), chiếm trên 50% số điều kiện kinh doanh.
Trong 6 tháng cuối năm nay, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rà soát và đề xuất các phương án đơn giản hóa thủ tục. Mặc dù, theo báo cáo đánh giá công tác điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã hoàn thành 35/35 nhiệm vụ cải cách hành chính và triển khai 21 nhiệm vụ thường xuyên theo kế hoạch, nhưng 6 tháng cuối năm, Bộ Tài chính vẫn tiếp tục đề xuất nhiều mục tiêu cải cách hành chính. Cụ thể, đẩy mạnh điện tử hóa công tác thu ngân sách nhà nước trong toàn ngành tài chính. Đến nay đã có 99,88% số doanh nghiệp đăng ký khai thuế qua mạng, 95,84% số doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ nộp thuế điện tử, 93,27% số hồ sơ thực hiện theo phương thức hoàn thuế điện tử. Thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan. Hiện nay đã có 11/14 bộ, ngành tham gia kết nối cơ chế một cửa quốc gia và 53/284 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế này (đạt 18,66%), Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh kết nối một cửa quốc gia mạng hơn trong thời gian tới.
Ngoài ra, để thực hiện chủ trương sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối kết hợp với tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 1-6, Bộ Tài chính đã giải thể các phòng giao dịch thuộc kho bạc nhà nước cấp tỉnh. Đồng thời, tiếp tục rà soát để sắp xếp, sáp nhập các chi cục thuế quận, huyện, thị xã thành chi cục thuế khu vực; rà soát, sắp xếp các chi cục hải quan...