Lối sống văn hóa ở khu phố

Theo cuốn “Những giá trị văn hóa đô thị Sài Gòn – TPHCM” của nhà nghiên cứu Tôn Nữ Quỳnh Trân chủ biên thì: “Giao tiếp trong đô thị có đặc điểm thiên về quan hệ theo nhóm sở thích chứ không phải theo địa bàn dân cư nơi cư trú… Kiểu quan hệ xã hội của lối sống đô thị phổ biến là các mối quan hệ “đứt đoạn” diễn ra trong quan hệ kinh tế, tình cảm… Kiểu quan hệ này có nguy cơ làm cho con người đô thị có lối sống hời hợt, phá vỡ lối sống truyền thống tương thân, tương ái của người Việt Nam”.

Theo cuốn “Những giá trị văn hóa đô thị Sài Gòn – TPHCM” của nhà nghiên cứu Tôn Nữ Quỳnh Trân chủ biên thì: “Giao tiếp trong đô thị có đặc điểm thiên về quan hệ theo nhóm sở thích chứ không phải theo địa bàn dân cư nơi cư trú… Kiểu quan hệ xã hội của lối sống đô thị phổ biến là các mối quan hệ “đứt đoạn” diễn ra trong quan hệ kinh tế, tình cảm… Kiểu quan hệ này có nguy cơ làm cho con người đô thị có lối sống hời hợt, phá vỡ lối sống truyền thống tương thân, tương ái của người Việt Nam”.

Đúng thế, lối sống truyền thống của người Việt vốn dĩ là tinh thần “tương thân tương ái”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần”…, tinh thần đó nay vẫn còn, song lối sống ích kỷ cũng đang len lỏi vào đời sống ở các đô thị lớn. “Đất lành chim đậu” là nhận xét rất đúng về Sài Gòn - TPHCM, nơi hội tụ của cư dân khắp cả nước. Cuộc sống cộng cư đã hình thành sự giao lưu, tiếp nhận, hòa trộn văn hóa của các vùng miền. Tuy nhiên, sự hòa trộn ấy cũng sẽ có tính khu biệt nếu ở khu vực nào đó tập trung đông dân của một vùng miền cụ thể.

Giữa trung tâm Sài Gòn có một khu tập thể tập trung khá nhiều gia đình người Bắc. Ngày mới dọn về, chúng tôi khá sốc khi thấy một tờ giấy dán ngay góc cầu thang: “Khu dân cư của người Bắc lớn tuổi, đề nghị giữ im lặng. Buổi trưa từ 12 giờ đến 2 giờ và buổi đêm sau 11 giờ tuyệt đối im lặng để giữ giấc ngủ cho người lớn tuổi”.

Cảm giác “ma cũ bắt nạt ma mới” tiếp tục xuất hiện bằng những lần chào hỏi mà không hề có phản ứng đáp trả, hoặc bỗng nhiên bị gõ cửa và mắng vốn “anh chị không được để rác kế thùng rác nhà tôi…”. Riêng với thông báo “im lặng” cũng đầy hài hước. 12 giờ trưa, giã tôm khô để nấu nồi canh, ngay lập tức “hàng xóm” phản ảnh: “Chị làm ồn khiến bác nhà dưới không ngủ được”. Có điều, hầu như suốt trưa nào, đêm nào tới tận 2-3 giờ sáng, “hàng xóm” cũng hát hò ầm ĩ mà không hề nghe ai lên tiếng. Một người sống khá lâu ở đó rỉ tai, chẳng ai muốn dây vì đó là thằng chửi cha, mắng mẹ như hát hay. Không lâu sau đó lời mách được kiểm chứng. Tất nhiên, sống cộng đồng không phải chỉ có phiền phức, rắc rối. Một buổi đi làm quên lấy quần áo phơi bên ngoài, chiều về thấy toàn bộ quần áo biến mất. Đang nghi nghi, hoặc hoặc liệu có bị trộm thì một bác lớn tuổi nhà đối diện ngó sang: “Hồi trưa trời đổ mưa, tôi cất giùm anh chị”. Cảm động vô cùng vì chưa một lần nói chuyện cùng bác ấy và chợt thấy áy náy vì đã thoáng có suy nghĩ không hay.

“Ở đâu cũng có anh hùng, ở đâu cũng có thằng khùng thằng điên”, đó là đúc kết từ văn hóa đời sống với những va chạm thường ngày của người dân. Cô bạn đồng nghiệp kể, khu cô sống hầu hết là những gia đình công chức, sáng đi làm, chiều về. Chỉ có một hai gia đình không đi làm, họ có nguồn thu nhập từ nhà cho thuê nên quyết định chỉ ở nhà hưởng thụ. Tuy nhiên, vì ở không nên họ rất thích kiếm chuyện với hàng xóm láng giềng. “Một bữa mình ẵm con ra cửa đứng hóng mát, tự nhiên người đàn ông hàng xóm tới trước mặt chửi đổng: “Mày đừng ỷ mày học cao, có tiền, tự nhiên ở đâu dọn tới làm chướng mắt...”. Những chuyện như vậy hoàn toàn không phải cá biệt.

Những va chạm về quyền lợi, nhất là khi xây mới, sửa chữa nhà cửa hiếm có trường hợp nào không cãi vã. Hàng trăm, hàng ngàn nguyên nhân gây xích mích trong đời sống hàng ngày, đôi khi chỉ là những chuyện con chó, con mèo, chuyện bênh con cái, thậm chí kể cả khi chẳng có chuyện gì như của cô bạn đồng nghiệp nói trên…

Sau 15 năm phát động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tại TPHCM, giờ đây bước chân ra ngõ là thấy khẩu hiệu “Khu phố văn hóa”, “Quyết tâm xây dựng khu phố văn hóa”. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, nếu đến một số khu phố bắt gặp bảng hiệu chưa chắc đã là thực chất, đằng sau nó còn có nhiều câu chuyện chưa xứng với hai chữ “văn hóa”. Không phải chỉ là sự nhếch nhác của bộ mặt bên ngoài mà còn là nội dung bên trong. Giải quyết những xích mích là nhiệm vụ của tổ dân phố, nhưng hiếm khi tổ dân phố làm tròn trọng trách này. Thường thì “đèn nhà ai nhà ấy rạng”. Khi mà xích mích đẩy tới đỉnh điểm thì lúc ấy lại phải chờ pháp luật giải quyết. Tất nhiên, vẫn có những gia đình, những khu phố sống hòa bình, thuận thảo và tình nghĩa, song xem ra con số này không phải là nhiều

HẠ CHINH

Tin cùng chuyên mục