Tuy nhiên, đó mới chỉ là những trường ở các thành phố lớn, những trường uy tín, còn những trường ở các địa phương vẫn rất khó khăn. Bên cạnh đó, hiệu suất đào tạo của các trường CĐ vẫn là một nỗi lo.
Chỉ tuyển sinh tốt ở thành phố lớn
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM, cho biết: Năm nay trường tuyển sinh khá tốt. Trường không xét tuyển học bạ mà chỉ xét bằng điểm thi THPT quốc gia 2018. Điểm chuẩn trúng tuyển từ 12 - 14 điểm. Trong đó, rất nhiều thí sinh đạt 20 - 21 điểm đã bỏ đại học (ĐH) để chọn học hệ CĐ ở trường. Trường được tuyển 3.320 chỉ tiêu, trong khi số thí sinh đăng ký xét tuyển là 9.000 hồ sơ. Trường kết thúc tuyển sinh từ ngày 9-8 và không phải xét tuyển các đợt tiếp theo.
Còn theo Th.S Nguyễn Thị Vương Khanh, Phòng Tuyển sinh Trường CĐ Kinh tế TPHCM: Trường tuyển 1.460 chỉ tiêu nhưng có đến 8.000 hồ sơ đăng ký xét tuyển. Trong đó, thủ khoa của trường là 23 điểm, thí sinh này trúng tuyển ĐH nhưng không học và quyết định theo học CĐ để nhanh chóng ra trường có việc làm.
Trong khi đó, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn tuyển gần 80% so với tổng chỉ tiêu. TS Lê Lâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết có được kết quả này là nhờ trường chú trọng đến chất lượng đào tạo và trên hết là trường ký hợp đồng cam kết đảm bảo đầu ra cho sinh viên. Trường CĐ Quốc tế TPHCM kết quả tuyển sinh năm nay cũng khá bất ngờ. Kết quả xét tuyển điểm thi THPT quốc gia 2018 có thí sinh đạt 20,13 điểm khi đăng ký và trúng tuyển vào ngành Quản trị nhà hàng khách sạn.
Nhiều trường khác tại TPHCM như CĐ Công thương, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng, CĐ Nghề TPHCM kết quả tuyển sinh cũng đạt từ 80% so với chỉ tiêu được duyệt. Ngược lại bức tranh khởi sắc nói trên thì những trường CĐ tại các tỉnh Tây Nam bộ, các tỉnh miền Trung, Nam Trung bộ và Tây nguyên kết quả tuyển sinh khá ảm đạm. Nhiều trường dùng hết phương án từ học bạ đến điểm thi THPT cũng chỉ tuyển được 20% - 40% so với tổng chỉ tiêu cần tuyển.
Sáp nhập trường công để đào tạo đa nghề
Bên cạnh những điểm sáng của các trường CĐ thì thật sự lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. PGS-TS Nguyễn Đức Minh cho biết: Ngoại trừ những trường có uy tín, có chất lượng tại các TP lớn như TPHCM, Hà Nội thì bức tranh tuyển sinh của các trường CĐ trên cả nước còn nhiều ảm đạm. Nguyên nhân chủ yếu tập trung vào các vấn đề như chất lượng đào tạo, sức ỳ của bản thân các trường do bao cấp, nhận thức của xã hội. Ngoài ra một vấn đề đáng ngại chính là tình trạng bỏ học của sinh viên ở các trường CĐ khá cao. Một phần do các em trốn nghĩa vụ quân sự nên vào học hết năm 1 là bỏ học; một phần là khi học các em cảm thấy chán với chất lượng đào tạo và nghỉ học để nuôi hy vọng học ĐH.
TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), chia sẻ: Ở các trường tuyển sinh không được, lãnh đạo nhà trường và giáo viên còn khá thụ động, không quảng bá hình ảnh, chương trình không phù hợp và đặc biệt quan hệ với doanh nghiệp còn hạn chế nên rất khó có uy tín trước xã hội. Mặt khác, sự phát triển cơ sở giáo dục nghề nghiệp thiếu quy hoạch dẫn đến chồng chéo các ngành nghề đào tạo, nên cạnh tranh tuyển sinh còn căng thẳng.
Thực tế đó đòi hỏi phải quy hoạch lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần thiết phải sáp nhập một số trường công lập để đào tạo đa nghề, đa cấp trình độ giáo dục nghề nghiệp... “Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên giao về các địa phương thực hiện quản lý nhà nước, xóa bỏ bộ ngành chủ quản và thúc đẩy tự chủ, chủ động của cơ sở đào tạo. Mặt khác, những ngành nghề mà tư nhân làm tốt thì khuyến khích tư nhân làm, Nhà nước đầu tư và ưu tiên đào tạo những ngành nghề phục vụ cho kinh tế mũi nhọn của địa phương, hoặc đầu tư lĩnh vực công nghệ cao”, TS Hoàng Ngọc Vinh đề xuất.