Lối ra cho dược liệu Việt

Vừa qua, tại TPHCM, Bộ Y tế tổ chức Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu toàn quốc lần thứ 2 - năm 2024. Hội chợ diễn ra trong 3 ngày, quy tụ hơn 400 gian hàng của các đơn vị, bệnh viện, doanh nghiệp quốc tế, cơ sở sản xuất và kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền... Phải mất đến 5 năm, sự kiện quan trọng của ngành y học cổ truyền mới quay trở lại.

Những năm gần đây, xu hướng “về với tự nhiên” ngày càng phổ biến, nhu cầu sử dụng các loại thuốc nguồn gốc dược liệu cũng ngày càng tăng cao. Việt Nam là một trong 15 nước có tiềm năng lớn về nguồn dược liệu, sở hữu hơn 5.000 loài cây thuốc, nhiều dược liệu quý hiếm, có giá trị kinh tế cao và ưu thế xuất khẩu. Mỗi năm, nước ta tiêu thụ khoảng 60.000 tấn dược liệu nhưng thực tế chỉ tự cung ứng được 25%, còn lại phải nhập khẩu hoàn toàn. Dược liệu Việt thua ngay trên sân nhà.

Tại Hội chợ Dược liệu, y dược cổ truyền toàn quốc vừa qua, TS Nguyễn Thành Triết (khoa Y học cổ truyền, Trường Đại học Y Dược TPHCM) bày tỏ sự tiếc nuối trước bài báo cáo ấn tượng của một nhà khoa học Hàn Quốc. Nhà khoa học này nghiên cứu và tìm ra nhiều chất mới của cây giảo cổ lam. Sau đó, phát triển thành sản phẩm và được cơ quan chuyên môn Hàn Quốc chứng nhận hiệu quả trong điều trị. Đặc biệt, nghiên cứu trên được thực hiện với cây giảo cổ lam nguồn gốc Việt Nam. “Nghịch lý này không chỉ xảy ra với cây giảo cổ lam. Sở hữu rất nhiều dược liệu chất lượng hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn đang loay hoay, bế tắc”, TS Nguyễn Thành Triết trăn trở.

Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá thành cao, chất lượng không đồng đều là nguyên nhân chính khiến dược liệu Việt Nam không thể cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước. Cùng với đó, thiếu liên kết vùng và liên kết chuỗi giá trị, hạn chế trong ứng dụng khoa học kỹ thuật đã ghìm chặt năng lực phát triển của một lĩnh vực đáng lý phải là thế mạnh của nước nhà.

Trong nhiều năm qua, công tác nghiên cứu dược liệu cũng đối mặt với khó khăn vì vấn đề kinh phí, trang thiết bị, quy trình thủ tục phức tạp, khiến các nhà khoa học nản lòng. Hành trình từ nghiên cứu khoa học đến phát triển sản phẩm ứng dụng ra thị trường càng gian nan hơn, do doanh nghiệp và nhà khoa học thiếu kết nối, thiếu cơ chế hỗ trợ, thiếu đầu tư quảng bá hình ảnh. Các chuyên gia dẫn chứng, cây quế của Việt Nam có hàm lượng aldehyde cinnamic (thành phần chính trong tinh dầu quế) cao nhất. Thế nhưng, thế giới chỉ biết đến quế của Trung Quốc (thương hiệu nổi tiếng nhất) và Srilanka (sản lượng lớn nhất). Thậm chí có hiện tượng quế Việt Nam xuất khẩu được chế biến, đóng gói và bán ngược về với giá thành cao hơn, dán nhãn nhập khẩu.

Để tháo gỡ rào cản và đưa ngành công nghiệp dược liệu “cất cánh”, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quy hoạch phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ xây dựng 8 vùng khai thác dược liệu tự nhiên bền vững. Việc quy hoạch 8 vùng trồng dược liệu trùng khớp với cách phân chia địa lý của Việt Nam theo yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng, sinh thái, bước đầu hình thành các vùng nguyên liêu quy mô lớn. Nhiều chính sách ưu đãi đầu tư phát triển dược liệu đã được ban hành, từng bước thúc đẩy các đơn vị nuôi trồng, sản xuất, chế biến dược liệu theo hướng công nghiệp và chuyên canh. Bên cạnh đó, những hoạt động xúc tiến thương mại dần được tổ chức quy mô và chất lượng hơn, góp phần quảng bá dược liệu Việt, kết nối giao thương quốc tế.

Sự tiếp lực về mặt chính sách là cơ hội vàng để ngành y tế hiện thực hóa những kỳ vọng với ngành dược liệu trong nước, thay vì chấp nhận sự yếu thế, thiệt thòi thời gian qua. Đó cũng là trách nhiệm không để lãng phí nguồn tài nguyên của đất nước và di sản y học cổ truyền của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục