Lợi nhuận và vô trách nhiệm

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm độc hại xuất hiện ngày càng tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng cũng như uy tín các nhà sản xuất chân chính.

Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm độc hại xuất hiện ngày càng tràn lan trên thị trường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến người tiêu dùng cũng như uy tín các nhà sản xuất chân chính.

Làm thế nào để phát hiện hàng giả, hàng nhái, thực phẩm độc hại? Làm thế nào để phát hiện và xử lý những kẻ sản xuất và buôn bán chúng?. Mời bạn đọc tham gia thảo luận về vấn đề này. Các ý kiến sẽ được chúng tôi chọn đăng trên diễn đàn này và tập hợp gửi đến các cơ quan chức năng vào cuối tháng 8-2009.

****

>> Ý kiến:


Thị trường Việt Nam như bông hoa chớm nở

Trên thế giới, các loại hàng giả, hàng nhái sản phẩm mắt kính chính hiệu vẫn xuất hiện nhiều nơi nhưng tuyệt nhiên không xuất hiện trong các cửa hiệu kinh doanh chuyên ngành. Riêng tại Việt Nam, hàng giả hay hàng nhái mắt kính chính hiệu lại xuất hiện tràn lan ngay trong các cửa hiệu kinh doanh chuyên ngành mắt kính và “đè bẹp” các sản phẩm chính hiệu!  Điều này gây thiệt hại đến thương hiệu và uy tín của chính hãng, đồng thời ảnh hưởng mạnh mẽ đến quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Theo tôi, thị trường Việt Nam ví như một bông hoa chớm nở. Trong đó, chính quyền là người chăm sóc vườn và cơ quan truyền thông là phân bón. Có phân bón tốt cùng với sự chăm sóc tốt thì thị trường Việt Nam sẽ nở ra những bông hoa tốt đẹp và bền vững.

Stefano Perer - Đại diện Tập đoàn SAFILO (Ý)

Bán một cặp mắt kính giả cũng phải vào tù

Ở các quốc gia tiên tiến, việc bán một cặp mắt kính giả, nếu bị phát hiện thì chủ cửa hàng cũng phải vào tù. Còn ở Việt Nam, đặc biệt là tại thị trường TPHCM, trong cuộc khảo sát mới đây của tập đoàn Charmant, nhiều sản phẩm mắt kính giả, nhái được bày bán công khai ngay ở khu vực trung tâm thành phố. Điều kỳ lạ là nhân viên những cửa hàng mắt kính này chẳng ngại ngùng gì khi bán hàng giả mắt kính thương hiệu do chúng tôi làm đại diện, lại kèm theo những hóa đơn ghi đích danh tên thương hiệu của chính hãng! Quả thực, với thực trạng này thì chúng tôi không an tâm khi đầu tư và buôn bán tại Việt Nam.

Seiichi Suzuki

 Giám đốc phát triển tập đoàn mắt kính Charmant (Nhật Bản)

 
Xử lý nghiêm sẽ tạo được niềm tin

Chúng tôi mong muốn được hoạt động trong môi trường kinh doanh lành mạnh. Mong rằng luật pháp nên tạo môi trường kinh doanh tốt để nhà đầu tư an tâm đầu tư vào Việt Nam. Ngoài ra, chúng tôi đề nghị Nhà nước quan tâm hơn nữa đến vấn đề hàng gian, hàng giả vì nó gây tác hại lớn đến sự phát triển bền vững của thị trường hàng hóa Việt Nam. Việc xử lý nghiêm khắc những hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả sẽ tạo được niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Đỗ Quốc Lâm

Giám đốc Công ty Cổ phần Siêu Thanh (TPHCM)

Các tổ chức quần chúng cần mạnh hơn

Với góc độ một nhà nghiên cứu khoa học, tôi thấy tình hình hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ (SHTT) là vấn đề rất lớn của chúng ta hiện nay. Tôi đề nghị mọi người cần phải nghiêm khắc lên án, phê phán những hành vi xâm phạm SHTT đồng thời nhà nước phải bổ sung những văn bản luật để nghiêm trị những cá nhân và tổ chức vi phạm đến nơi đến chốn. Có như vậy chúng ta mới đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Về phía cơ quan chức năng, tôi đề nghị phải tăng cường hoạt động của những hội đoàn, tổ chức chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bản thân các tổ chức quần chúng cũng cần hoạt động mạnh hơn nữa để việc chống hàng giả và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trở thành một “phong trào” của toàn dân.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Thới Nhâm

Nên vận dụng luật để khởi kiện

Các doanh nghiệp có thể vận dụng quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) để bảo vệ quyền lợi của mình. Khi doanh nghiệp hoặc tổ chức cá nhân nào bị xâm phạm SHTT thì cần chủ động khởi kiện dân sự, theo đó chứng minh sự thiệt hại của mình để buộc nơi vi phạm phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại. Đây là một kênh có tính chủ động tốt cho doanh nghiệp tránh trường hợp khiếu nại, tố cáo qua kênh gián tiếp phụ thuộc quá trình xem xét, giải quyết của các cơ quan chức năng thường là cồng kềnh, chậm và không hiệu quả.

Theo tôi, hướng khởi kiện dân sự là hiệu quả nhất, căn cứ theo quy định của Bộ luật Dân sự và Luật SHTT đã được ban hành.

Luật sư Trần Hồng Phong

Giám đốc Công ty Luật Hợp Doanh Ecolaw (TPHCM)

Xử lý thích đáng các doanh nghiệp sai phạm

Dư luận nhiều ngày qua liên tục thể hiện sự âu lo bởi thông tin về các sai phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM. Thật đáng lo ngại khi danh sách các đơn vị vi phạm ngày một tăng, thực phẩm không đạt tiêu chuẩn ATVSTP ngày càng đa dạng, khối lượng lên đến hàng trăm tấn. Điều đó cho thấy, sức khỏe của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng.

Tiếc là hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang cố tình làm ngơ, biết sai phạm nhưng vẫn lén lút “tẩu tán” hàng đã bị niêm phong, hoặc xin chuyển thành thức ăn gia súc… Đây là hành vi coi thường pháp luật. Chạy theo lợi nhuận nhất thời, nhiều doanh nghiệp đã bỏ quên đạo đức kinh doanh bất chấp lợi ích của người tiêu dùng.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy từ năm 1999 đến nay, cả nước có hơn 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 25.000 người mắc phải, trong đó có 300 người tử vong. Những con số trên gợi lên nhiều điều đáng suy nghĩ, đồng thời đặt  câu hỏi: phải chăng chúng ta còn quá chậm chạp trong việc xử lý sai phạm về ATVSTP?

Có thể nói, cho đến nay công tác thanh tra và xử lý sai phạm về ATVSTP còn rất nhiều lỗ hổng. Sau rất nhiều vụ sai phạm bị phát hiện, phải đến chiều 28-7 vừa qua, các ngành chức năng mới kiểm tra và giám sát hoạt động nhập khẩu thực phẩm đông lạnh trên địa bàn TPHCM. Tuy nhiên, chúng ta chỉ mới chú ý đến khâu nhập khẩu, phân phối và lưu thông sản phẩm, còn việc bảo quản ra sao thì vẫn còn bỏ ngỏ. Bên cạnh đó, hiện nay đang có quá nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý thực phẩm nhập khẩu nhưng lại không có cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm chính. Mỗi khi phát hiện vi phạm ATVSTP, các cơ quan thường đùn đẩy trách nhiệm hoặc viện cớ “chờ phối hợp xử lý”. Hậu quả, nhiều lô hàng kém chất lượng vẫn được tung ra thị trường ! 

Thiết nghĩ, hơn lúc nào hết, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý ATVSTP, tăng chế tài để xử lý thích đáng các doanh nghiệp cố tình sai phạm. Đồng thời có biện pháp để doanh nghiệp nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc kiểm tra, theo dõi sản phẩm trong quá trình lưu trữ. Hành động tự đưa hàng hóa của mình đi kiểm tra của Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam vừa qua được coi là điểm sáng, có đạo đức trong kinh doanh thực phẩm đang nhiều bất ổn hiện nay.

Thu Tâm

Còn đó, nỗi lo...

Theo cảnh báo của các ngành chức năng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang là mối lo không nhỏ. Nếu không quan tâm sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người.

Việc quản lý, kiểm soát chất lượng ATVSTP vẫn tồn tại nhiều bất cập như: có quá nhiều văn bản quy phạm pháp luật với hiệu lực pháp lý khác nhau, chồng chéo hoặc bỏ sót một số lĩnh vực, gây khó khăn cho quá trình thực thi. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật làm căn cứ để kiểm tra, xử lý vi phạm còn thiếu và lạc hậu.

Cụ thể như việc chấn chỉnh các gánh hàng rong bán tại cổng các bệnh viện gặp nhiều khó khăn. Đơn cử như trước BV Chợ Rẫy, khi lực lượng tuần tra của phường 12 quận 5 ra quân thì các gánh hàng rong chuyển sang bên kia đường  (phường 4 quận 11) để buôn bán và ngược lại. Bên cạnh đó, sự chồng chéo của các văn bản và trách nhiệm quản lý của các cơ quan chức năng là nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại các vụ hàng lậu, thực phẩm kém chất lượng trong thời gian gần đây.

Vì vậy, các ngành chức năng cần sớm thống nhất, ban hành các quy định  về vấn đề ATVSTP và đẩy nhanh hơn nữa việc soạn thảo Dự án Luật về ATVSTP. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, biết và thực hiện một cách tự giác thì mới đạt được kết quả như mong muốn.

hoangthuanptth2@gmail.com

Tin cùng chuyên mục