Cụ thể, chuyển đổi đất lúa sang trồng các loại rau màu (ảnh) khoảng 64.523ha, cây ăn trái khoảng 12.593ha và nuôi thủy sản hơn 768ha. Rau màu được nông dân ĐBSCL chuyển đổi nhiều nhất là rau các loại 58.225ha, bắp 8.031ha, dưa hấu 6.953ha… Đây là những đối tượng cây trồng có thời gian sinh trưởng ngắn, hệ số sử dụng đất tăng lên 1,5 - 2,2 lần, tiết kiệm nước tưới. Trong đó, trồng rau màu các loại đạt doanh thu bình quân khoảng 178 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn trồng lúa là 99 triệu đồng/ha.
Đất lúa được chuyển đổi sang trồng cây ăn trái nhiều nhất là mít với 4.728ha, kế đến là xoài 1.470ha, cam xoàn 1.470ha, thanh long 1.234ha… Ước tính trồng cây ăn trái đạt doanh thu trên 607 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn trồng lúa là 386 triệu đồng/ha. Riêng nuôi thủy sản đạt doanh thu khoảng 76 triệu đồng/ha, lợi nhuận cao hơn lúa 13,2 triệu đồng/ha.
Việc chuyển đổi cây trồng và nuôi thủy sản đã nâng hệ số sử dụng đất lên gấp 2 lần và tổng giá trị sản xuất chuyển đổi trên đất lúa năm 2019 đạt khoảng 17.718 tỷ đồng, góp phần đưa lợi nhuận tăng thêm 10.672 tỷ đồng. Điều đó cho thấy việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp là hiệu quả và bền vững. Ngoài ra, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa đã làm giảm khoảng 50% nhu cầu lượng nước tưới cần cho sản xuất lúa và giảm đáng kể chi phí xăng dầu bơm tưới, khấu hao máy móc thiết bị, công lao động…
Trước tình hình giá lúa quá thấp và nguy cơ bị ảnh hưởng hạn mặn xâm nhập sâu ĐBSCL trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT khuyến cáo các địa phương nghiên cứu vụ đông xuân 2019 - 2020 và các vụ tới, tiếp tục chuyển đổi những diện tích sản xuất lúa kém hiệu quả, bị hạn mặn đe dọa sang trồng các loại rau màu, cây ăn trái hoặc nuôi thủy sản nhằm gia tăng lợi nhuận cho nông dân; đồng thời sản xuất thích ứng phù hợp với biến đổi khí hậu.