Lợi nhuận cây sầu riêng cao hơn cây hồ tiêu 20 lần

Sáng 23-11, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp với Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam tổ chức Hội nghị thường niên nhóm công tác đối tác công tư (PPP) về Hồ tiêu và Cây gia vị năm 2023. Hội nghị nhằm đưa ra các sáng kiến phát triển toàn diện trong ngành hồ tiêu hướng tới đảm bảo sản xuất bền vững và cải thiện sinh kế cho nông dân sản xuất nhỏ.

Phát biểu tại hội nghị, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cho biết, gần đây ngành gia vị được Chính phủ và nhà nước quan tâm hơn vì có đóng góp đáng kể cho ngành nông nghiệp về mặt doanh thu xuất khẩu. Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu gia vị lớn trên thế giới, chiếm khoảng 11% thị phần toàn cầu năm 2022, trong đó đứng đầu về sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu, quế.

Lợi nhuận hồ tiêu thua gấp 20 lần so với sầu riêng
Lợi nhuận hồ tiêu thua gấp 20 lần so với sầu riêng

Tuy nhiên, diện tích và sản lượng hồ tiêu ngày càng giảm, năm 2020 diện tích hơn 130.000ha, năm 2023 chỉ còn 120.000ha, sản lượng đạt 190.000 tấn. Hiện nay, lợi nhuận cây sầu riêng cao hơn 20 lần so với cây hồ tiêu. Do đó, dự báo, hồ tiêu sẽ còn giảm diện tích do nông dân đang ồ ạt chặt hồ tiêu chuyển sang trồng sầu riêng.

Dù vậy, theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đến năm 2025 ngành hồ tiêu phấn đấu có 70% hồ tiêu sản xuất ở Việt Nam đạt yêu cầu về mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; 25% nông dân trồng hồ tiêu tăng 20% thu nhập; 25.000 nông dân được tập huấn, tiếp cận dịch vụ nông nghiệp và 75.000 tấn hồ tiêu được sản xuất bền vững. Đặc biệt, ngành hồ tiêu cũng phải phấn đấu để bảo đảm chất lượng cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Hiện nay, Bộ NN-PTNT đã trình Thủ tướng chính phủ ban hành chiến lược phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn, trong có trồng và sản xuất hồ tiêu.

Tin cùng chuyên mục