Đã hơn 2 năm nay, mỗi sáng, mỗi chiều, tôi đưa đón con trai lớn 5 tuổi và con trai nhỏ 3 tuổi tại ngôi trường mầm non của chúng. Tôi vẫn thấy đứng trước cổng trường là một người đàn ông tầm 50 tuổi, ăn mặc cũ kỹ nhưng sạch sẽ, đeo phía trước bụng một chiếc va li gỗ có dây đai quàng qua cổ anh ta và bên trên va li để những thứ đồ chơi con nít.
Tay anh cầm năm ba chiếc bong bóng. Khuôn mặt hiền từ, luôn tươi cười thân thiện, anh chào bằng một hai câu tiếng Anh với bất cứ đứa trẻ nào được cha mẹ dắt ngang qua chỗ anh để đi vào cổng trường.
Ảnh minh họa
Đa số phụ huynh không đáp lại lời chào của anh. Tôi cũng vậy, tôi vẫn luôn mắt đeo kính đen, bịt khẩu trang và vội vàng. Thỉnh thoảng, một vài đứa trẻ nói “Hi” (chào) đáp lại anh, một vài đứa hứng thú với tay muốn đón lấy cái bong bóng từ anh. Nhưng chúng đều bị cha mẹ kéo tay dằn lại không một lời giải thích. Người lớn không giải thích và những đứa con không bất ngờ hay thắc mắc, họ đều đã quá quen với việc anh đứng ngay cổng trường vào đúng giờ đưa đón trẻ.
“Một đứa trẻ có thể dạy người lớn 3 điều: Sống hạnh phúc không cần lý do cụ thể; Luôn luôn giữ mình bận rộn; Biết đòi hỏi với tất cả sức mạnh để đạt được điều mình mong muốn” Paulo Coelho |
Tôi chưa bao giờ thấy ai mua đồ chơi cho con từ chiếc va li gỗ anh đeo trước bụng, cũng chưa thấy đứa trẻ nào thành công trong việc với tay lấy chiếc bong bóng từ tay anh. Anh vẫn ngày ngày đứng đó, tươi cười, vẫy năm ba chiếc bong bóng và chào trẻ con bằng những câu tiếng Anh.
Một sáng nọ, dẫn con vô lớp học rồi, tôi trở ra cổng trường, khi chuẩn bị nổ máy xe thì anh chào tôi bằng một câu tiếng Anh với nội dung là: “Chào cô, chúc cô một ngày làm việc tốt”. Tôi cười trả lời bằng tiếng Việt: “Cảm ơn anh”. Trong một phút động lòng, tôi bắt chuyện thì biết anh là người có trình độ học vấn cao nhưng do thời cuộc, anh trở nên lỡ thời, sống một mình. Thỉnh thoảng anh làm gia sư tiếng Anh buổi tối nếu ai đó thuê anh. Anh rất quý trẻ con và thích trò chuyện với chúng. Tôi bất chợt cảm động và thấy quý mến anh. Trên đường đến nơi làm việc, tôi suy nghĩ về anh - một người lương thiện, lịch sự và quý trẻ. Một người cô đơn, có lẽ. Và tôi cũng chợt nghĩ về mình - một người lãnh cảm.
Buổi sáng đầu tuần này, tôi chở con đi học, đứa bé 3 tuổi ngước nhìn tôi và hỏi: “Mẹ cho con lấy cái bong bóng kia, mẹ nha”. Tôi gật đầu cười với con trai. Mặt con tôi rạng ngời như sắp bắt được món quà nó thích mà bấy lâu nay mẹ không cho đụng tới, nó bước tới chỗ người đàn ông bán đồ chơi nói “Oh yeah!” khi đập bàn tay nhỏ của nó vào bàn tay to lớn xù xì, rồi nhận chiếc bong bóng. Hai nụ cười hạnh phúc.
Tôi chợt nhận ra, đứa trẻ vẫn thường nhắc người lớn rằng, chúng ta đang ngày ngày gieo vào chúng sự thờ ơ lãnh đạm trong khi cứ ra rả giáo điều về lẽ phải một cách sáo rỗng. Chúng kiên trì nhắc nhở, chúng ta kiên trì lờ đi, cho đến một ngày chúng buộc phải bỏ cuộc và trở nên ích kỷ.
Buổi sáng ấy, tôi siết chặt bàn tay nhỏ của con trai như tự nhủ: Hãy khoan bước vội qua những điều bình thường trong cuộc sống, bởi sẽ vọng lại từ đó lời nhắc nhở bản thân sống tử tế và ân cần hơn!
MAI LÂM (TPHCM)