“Tận dụng” tối đa lòng, lề đường
Theo ghi nhận, tình hình trật tự an toàn giao thông ở một số khu vực tập trung mua bán luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. “Buôn có bạn, bán có phường” và không biết tự bao giờ đã hình thành những khu mua bán khá sầm uất. Mặc dù chính quyền địa phương đã tạo điều kiện kẻ vạch cho khu vực để xe gắn máy và chừa một lối đi cho khách bộ hành, nhưng tình trạng lấn chiếm lòng, lề đường để trưng bày hàng hóa vẫn diễn ra phổ biến. Cụ thể như phố mua bán quần áo, giày dép… trên đường Nguyễn Trãi, quận 5. Ông Lê Ngọc Huy, cư ngụ trong chợ Bàu Sen (quận 5), cho biết: “Việc lấn chiếm lòng, lề đường diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là vào ban đêm! Hàng chục xe đẩy bán quần áo, giày dép, phụ kiện trang sức… lấn chiếm hết đường đi. Vợ vào lựa hàng thì chồng đậu xe ở dưới lòng đường để chờ. Xe cộ lưu thông khó khăn và không còn lối nào cho người đi bộ. Lần nào có việc đi bộ qua khu vực này, tôi đều mệt mỏi. Tôi phải len lỏi, lách mấy chiếc xe gắn máy của khách trên lề đường hay chen lấn với mấy xe đẩy chở hàng dưới lòng đường, rất nguy hiểm. Chính quyền địa phương cũng ra quân tuần tra chấn chỉnh, nhưng khi không có bóng dáng lực lượng chức năng thì tình hình lại diễn biến phức tạp”.
Tại quán phở Linh Trang Anh (số 185 đường 79, phường Tân Quy, quận 7), lề đường trở thành nơi bày biện bàn, ghế cho thực khách; lòng đường bị chiếm dụng thành nơi để xe… Bà An Kiên, cư ngụ gần đó, bức xúc: “Bà con lối xóm của mình “buôn may, bán đắt” thì tôi rất mừng. Tuy nhiên, việc kinh doanh đừng làm ảnh hưởng đến cuộc sống của những người xung quanh. Quán phở ở ngay giao lộ đường 79 và đường 28. Trên tuyến đường 28 có Trường Tiểu học Tân Quy. Do vậy, vào giờ cao điểm sáng, chiều đều xảy ra ùn tắc giao thông. Xe gắn máy của khách để thành hàng dài ở dưới lề đường và ở trước cửa các nhà lân cận. Đó là chưa kể nhiều lúc ô tô của khách đến ăn phở cũng đậu luôn trước cửa nhà tôi. Ra vào nhà còn khó thì huống chi là đi bộ tập thể dục!”.
Kiên trì chấn chỉnh trật tự
Đường Hai Bà Trưng (trải dài qua quận 1, quận 3) là một trong các tuyến đường trung tâm của TPHCM. Xen lẫn với các cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh mặt hàng cao cấp, quán ăn, nhà hàng, khách sạn… là các điểm bán thức ăn, nước uống mang đi và hàng rong. Lề đường được lót gạch sạch, đẹp và có lối đi cho xe lăn. Tuy nhiên, một số đoạn lề đường đã bị trưng dụng để bảng hiệu, xe gắn máy và không còn lối đi cho người đi bộ. Ghi nhận tại khu vực quán cháo lòng, bún bò (số 120 Hai Bà Trưng, phường Đa Kao, quận 1), chủ doanh nghiệp đưa xe bán cháo ra lề đường, rồi dựng bảng hiệu, để xe gắn máy lấn hết vỉa hè. Ông Nguyễn Trọng Hùng (ngụ quận Tân Bình), cho biết: “Tôi thường xuyên đưa người nhà đi mua sắm trên đường Hai Bà Trưng. Tuyến đường trung tâm với nhiều cửa hàng, cửa hiệu… nhưng không có chỗ đậu ô tô. Lúc chờ đợi người nhà mua sắm, tôi phải chạy xe lòng vòng. Về sau, tôi không đi ô tô mà đi xe gắn máy, nhưng cũng khó có nơi để xe, bởi lẽ lề đường nhiều khu vực đã bị chiếm dụng hết rồi”.
Trước đây, con đường nhỏ trước khu vực hồ bơi Yết Kiêu (gần Thảo Cầm viên, quận 1) hình thành một chợ tạm. Quần áo, giày dép, sữa, bánh ngọt, bột giặt, trái cây… được bày ra trên các tấm bạt. Phần đông khách hàng là những người đi tập thể dục buổi sáng. Một số mặt hàng tiêu dùng “cận đát” (sắp hết hạn sử dụng) nên giá bán khá rẻ so với cùng mặt hàng ở siêu thị, trung tâm thương mại. Vấn đề an toàn thực phẩm và trật tự lòng lề đường đã được chính quyền phường Bến Nghé, quận 1 quan tâm và quyết liệt chấn chỉnh. Hơn 5 giờ sáng, lực lượng trật tự đô thị đã có mặt “cắm chốt”. Việc làm này kéo dài gần chục ngày, và tình hình trật tự an toàn giao thông trong khu vực đã được đảm bảo, chợ tạm tự giải tán. Tương tự, tình hình trật tự an toàn giao thông tại chợ Phú An
(đường Võ Duy Ninh, nối đường Ngô Tất Tố và Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh) cũng có thời gian dài phức tạp. Các hộ kinh doanh bày hàng hóa lấn chiếm hết lối đi. Sau khi chính quyền phường 22, quận Bình Thạnh tổ chức ký cam kết, các hộ kinh doanh không lấn chiếm lối đi, tình hình trật tự đã diễn biến ổn định. Ngay đầu chợ luôn có mặt lực lượng bảo vệ dân phố để kịp thời xử lý tình trạng mất trật tự. Việc chấn chỉnh trật tự lòng, lề đường rất cần sự kiên trì, đeo bám lâu dài của các cơ quan chức năng.