Lối mòn của phim kinh dị Việt

Ma Việt chọi ma Mỹ
Lối mòn của phim kinh dị Việt

Ma Việt chọi ma Mỹ

Lối mòn của phim kinh dị Việt ảnh 1

Một cảnh trong phim Ngôi nhà bí ẩn.

Trong loạt phim kinh dị Việt Nam được đưa ra giới thiệu dịp này, phim Mười do Hãng phim Phước Sang và Bily Pictures (Hàn Quốc) hợp tác đầu tư được cho là mang quá nhiều phong cách Hàn với dàn đạo diễn, diễn viên, kỹ thuật hầu hết từ xứ sở kim chi, diễn viên Việt chỉ xuất hiện thoáng qua.

Nụ hôn thần chết chưa được chiếu chính thức, do đó mọi sự chú ý về phim ma được coi là thuần Việt hầu hết tập trung vào hai phim ngắn Ngôi nhà bí ẩn và Suối oan hồn.

Ngôi nhà bí ẩn xoay quanh câu chuyện của nữ đạo diễn trẻ tên Trúc. Nghe mọi người đồn đại về những câu chuyện ma quỷ ly kỳ, không bao giờ Trúc tin. Cô quyết tâm làm một bộ phim nhằm chứng minh cho mọi người thấy một chân lý là “trên đời này không bao giờ có ma”.

Nghe mọi người đồn đại về ngôi nhà kỳ bí bị bỏ hoang ở Đà Lạt, có người khẳng định đã thấy một hồn ma đi loanh qoanh trong khu vực đó, nhiều người đã bị con ma nhát làm chết khiếp. Trúc đã một mình tìm đến ngôi nhà bí ẩn đó với quyết tâm khám phá sự thật. Và những điều chứng kiến làm Trúc hoảng sợ thật sự.

Suối oan hồn cũng được quay tại Đà Lạt, cũng khai thác sự mâu thuẫn của con người nhưng theo một chiều hướng tiêu cực hơn so với Ngôi nhà bí ẩn. Bộ phim cố gây ấn tượng với khán giả qua những vụ chết người ly kỳ đầy bí ẩn cùng những cảnh mang chất âm u kỳ bí của vùng đồi núi Đà Lạt những đêm lạnh phủ đầy sương.

Thật trùng hợp, cũng vào lúc hai phim kinh dị Việt Nam chiếu ra mắt, màn ảnh TPHCM cũng chứng kiến hai bộ phim kinh dị Mỹ có mô típ gần như tương đồng là Nhà trọ kinh hoàng và Căn phòng bí ẩn.

Nhà trọ kinh hoàng miêu tả hai vợ chồng lỡ đường phải dừng xe nghỉ lại tại một nhà trọ vắng vẻ ven đường. Cả hai đều không ngờ rằng đây lại là một cái bẫy do những kẻ bị biến thái về tâm lý dựng lên để giết người rồi quay phim nhằm đáp ứng thú vui của những kẻ bệnh hoạn về tâm lý. Bộ phim lôi cuốn người xem với các tình huống cực kỳ căng thẳng của những con người đang chiến đấu để cứu lấy mạng sống của chính mình.

Bộ phim Căn phòng bí ẩn lại tập trung miêu tả trạng thái tâm lý khủng hoảng của một nhà văn chuyên viết truyện ma khi trực tiếp đối đầu với các hồn ma trong một căn phòng khách sạn. Thông qua cuộc chiến nhằm đào thoát khỏi căn phòng ma ám, nhân vật chính đã vượt qua những khó khăn về mặt tâm lý sau cái chết của người con gái vẫn ám ảnh anh lâu nay.

Phim ma Việt - Theo lối đã mòn...

Khi giới thiệu hai bộ phim Ngôi nhà bí ẩn và Suối oan hồn, đạo diễn hãng Chánh Phương Film cho biết họ học làm phim kinh dị theo phong cách của Alfred Hitchcock, một bậc thầy của thể loại phim hình sự-kinh dị Mỹ. Trên thực tế cả hai bộ phim của hãng Chánh Tín đều cố gắng đi theo đúng khuynh hướng mà Hitchcock đã đề ra từ những năm đầu thập niên 60 với bộ phim Psycho. Tuy nhiên, nhược điểm của hai bộ phim này cũng nằm ở chính việc đi theo này.

Alfred Hitchcock được xem là người có nhiều ảnh hưởng nhất đối với điện ảnh thế giới trong thể loại phim kinh dị. Hơn 25 năm sau ngày ông mất (1980), các bộ phim kinh dị đều không ít thì nhiều chịu ảnh hưởng của ông trong cách thể hiện khung hình, tạo tình huống… Do vậy, khán giả trên cả thế giới đã trở nên quá quen thuộc với thể loại này.

Chính vì thế đây cũng là loại phim khó làm nhất vì để đem lại nỗi sợ cho khán giả đòi hỏi rất nhiều ở khả năng sáng tạo cái mới của đạo diễn và diễn viên. Điển hình khi thực hiện các bộ phim kinh dị bây giờ đạo diễn buộc phải sử dụng nhiều yếu tố khác để thay thế như kịch bản mang tính hành động rất cao theo kiểu trong Nhà trọ kinh hoàng hay kỹ xảo đầy ấn tượng trong Căn phòng bí ẩn, chưa kể đến sự chuyên nghiệp trong hóa trang, quay phim…

Và đó cũng là những gì mà phim kinh dị Việt đang thiếu, cả hai tác phẩm của Chánh Tín Film đều cố đi theo phong cách của một bậc thầy nhưng lại thiếu hẳn tính sáng tạo mới. Vẫn là những màn hù khán giả kiểu năm 60 đầy quen thuộc đến nỗi phần lớn khán giả đều có chuẩn bị trước mỗi cảnh “bất ngờ”.

Những màn bí hiểm còn đáng nản hơn khi chuyện căn nhà hoang với các bóng ma lập lờ hay những con suối âm u với những hình nhân nhảy múa tuy khá mới lạ với điện ảnh Việt Nam nhưng lại quá cũ kỹ với khán giả vốn đã có điều kiện tiếp xúc nhiều với điện ảnh thế giới. Không phải ngẫu nhiên mà nhận xét về hai bộ phim này, tại các diễn đàn điện ảnh đều cho rằng: “Người làm phim đã rất cố gắng nhưng nếu chiếu vào những thập niên 70-80 thì có lẽ sẽ thành công hơn”.

Điểm duy nhất gỡ lại cho phim kinh dị Việt Nam có lẽ chỉ nằm ở chỗ khán giả trong nước đang rất tò mò không biết phim ma Việt khác ma Mỹ thế nào. Có điều sự tò mò không thể tồn tại lâu và để cho một thể loại phim Việt có thể tạo dấu ấn trong lòng khán giả có lẽ những nhà làm phim trong nước hơn bao giờ hết cần một nét riêng.

Tường Vy

Tin cùng chuyên mục