Dùng tiền nhận hối lộ để mua biệt thự
Theo kết luận điều tra, quá trình kiểm tra thực tế trước khi cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu cho Công ty Bách Khoa Việt, bị can Nguyễn Lộc An đã nhận của bà Trần Thị Loan Phương (cựu Chủ tịch HĐQT Công ty Bách Khoa Việt) số tiền 200 triệu đồng để hỗ trợ, giúp Công ty Bách Khoa Việt được cấp giấy phép sớm.
Cùng với đó, trước khi tiếp nhận hồ sơ, thực hiện quy trình kiểm tra, cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Bách Khoa Việt, bị can Nguyễn Lộc An đã nhận 9 tỷ đồng của bà Trần Thị Loan Phương để hướng dẫn doanh nghiệp này hợp thức hồ sơ cấp phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu và không kiểm tra đầy đủ năng lực thực tế.
Bên cạnh đó, bị can Nguyễn Lộc An còn bị cáo buộc nhận 5 tỷ đồng từ bị can Nguyễn Tuấn Quỳnh (cựu Chủ tịch Công ty HĐQT Công ty Long Hưng). Với số tiền nhận hối lộ hơn 14 tỷ đồng, tại cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Lộc An thừa nhận đã nhận 9,2 tỷ đồng của bà Trần Thị Loan Phương để tạo điều kiện cho Công ty Bách Khoa Việt được Bộ Công thương cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu và giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Bị can Nguyễn Lộc An cũng khai nhận, đã dùng toàn bộ số tiền nhận được của bà Phương để mua biệt thự tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Kết luận điều tra cũng cáo buộc, bị can Nguyễn Lộc An đã nhận 10 tỷ đồng của Nguyễn Tuấn Quỳnh sau khi tạo điều kiện cho Công ty Long Hưng được Bộ Công thương cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Tuy nhiên, sau đó, bị can An đã trả lại cho Quỳnh 5 tỷ đồng. Số tiền còn lại, An cũng dùng để mua biệt thự ở quận Tây Hồ.
Cựu Thứ trưởng Bộ Công thương không bị xử lý hình sự
Trong vụ án này, cựu Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải không biết bị can Nguyễn Lộc An nhận hối lộ để tạo điều kiện cho Công ty Bách Khoa Việt được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; không biết Công ty Bách Khoa Việt không đủ điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu.
Cơ quan điều tra cho rằng, việc ông Đỗ Thắng Hải ký giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu cho Công ty Bách Khoa Việt không phải nguyên nhân trực tiếp gây thiệt hại ngân sách Nhà nước hơn 105 tỷ đồng tiền quỹ BOG.
Quá trình cấp giấy phép cho doanh nghiệp trên, ông Đỗ Thắng Hải không được hưởng lợi vật chất hay lợi ích phi vật chất. Do đó, hành vi của cựu Thứ trưởng Bộ Công thương chưa đủ yếu tố cấu thành phạm tội hình sự.
Trước đó, ông Đỗ Thắng Hải bị Tòa án nhân dân TPHCM tuyên 3 năm tù về tội “Nhận hối lộ” 50.000 USD của Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Xuyên Việt Oil trong vụ án xảy ra tại doanh nghiệp này. Cùng bị tuyên thời điểm đó, bị can Nguyễn Lộc An lĩnh 4 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an kiến nghị Ngân hàng BIDV, SHB, SCB, Công ty Đầu tư xuất nhập khẩu xử lý tài sản đảm bảo của Công ty Bách Khoa Việt theo quy định pháp luật, nếu thu được số tiền vượt quá dư nợ của Công ty Bách Khoa Việt thì liên hệ, phối hợp với cơ quan chức năng thu hồi, nộp ngân sách Nhà nước, khắc phục hậu quả vụ án.
Cơ quan điều tra cũng kiến nghị Cục Thuế TPHCM áp dụng các biện pháp theo quy định của Luật Quản lý thuế để thu hồi tiền thuế nợ của Công ty Bách Khoa Việt; kiến nghị Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định đầy đủ, cụ thể, đảm bảo thực tiễn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và quỹ BOG.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng kiến nghị, ngoài các bị can đã khởi tố và đề nghị truy tố, còn một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau, nhưng chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự; căn cứ tính chất, mức độ của hành vi, cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm.